Inrasara: Harak ka xa-ai Ysa Cosiem – Thư gửi anh Ysa Cosiem

Sang Tong Jaka – Chakleng, 20-11-2014

Xa-ai Ysa Cosiem ranam!

Tôi nghe tin anh chán xã hội Cham, khi đang trên đất chòi Jaka. Gió bấc mạnh thổi bạt những hạt mưa đầu đông, mạnh như muốn làm tốc mái tranh mới lợp. Chiều trời bên ngoài se lanh, nghe tin rầu từ anh, lòng càng lạnh hơn.

Tôi mới nghe bạn kể anh viết trên FB, chứ chưa đọc, bởi ở đây không có mạng. Nghe thôi, nhưng tôi đã viết vội, bởi có thể nói, tôi hiểu anh, rất hiểu nỗi niềm anh. Tôi nhiều lần trải nghiệm nó, đã suy nghiệm nhiều về ý hướng và thái độ bỏ cuộc, rút êm này.

1984-BanBiensoan* Một buổi họp đầu tuần tại Ban Biên soạn sách chữ Chăm, tại Phan Rang –  Thuận Hải, 1984.

1. Ba câu chuyện.

Ông anh bạn ở Sài Gòn tài năng có thừa, trước 75, không hiểu sao đã từ bỏ xã hội Cham. Không sinh hoạt cộng đồng ở Sài Gòn đã đành, anh còn chối bỏ cả bà con, anh chị em ở quê nhà. Mãi khi Tagalau ra đời, anh mới trở lại với Cham, với vòng tạy ấm nồng đầy đau đớn trong cộng đồng lắm bất hạnh này.

Chuyện kể một anh quê đất Rơm, sau 75, khi Fulro đang kì nóng nhất, ở làng xuất hiện băng-crôn chống chế độ. Thế là cả làng bị tập hợp để tìm thủ phạm. Không ai nhận cả. Đột ngột anh giơ tay lên: “chính tôi viết”. Anh bị tù, đương nhiên, dù mọi người biết không phải. Anh hùng và dám hi sinh thế, vậy mà sau đó, không hiểu sao anh tự nguyện biến khỏi cộng đồng Cham thương yêu của anh.

Anh bạn thân của Sara, thời sinh viên rất nhiệt tình với sinh hoạt cộng đồng. Rồi khi cha mình bị chính người Cham tố bất công, anh thề cả đời không bao giờ nhấc một ngón tay làm cho xã hội Cham đáng ghét này nữa.

 

Họ từng yêu, cho nên mới đau và giận. Rồi họ đã quay lưng bỏ đi. Tôi cũng vậy, vài lần muốn bỏ đi. Hôm nay, khi anh Ysa chán muốn bỏ đi, tôi không ngạc nhiên lắm.

Hơn mươi năm qua, xã hội Cham từ trong ra ngoài, cực kì đáng chán. Chống báng nhau về Kate chả đâu vào đâu, đáng chán. Kích bác nhau về Akhar thrah đến anh chị em từng thân thiết không nhìn mặt nhau, đáng chán. Tranh giành về uy tín, về bằng cấp giả/ thiệt, về đúng sai lẻ tẻ, về tao giỏi hơn mầy – càng đáng chán.

Nhiều người chán, giận, và bỏ đi. Không có gì đáng trách cả. Họ sẽ ra sao? Ta có thể kiêu hãnh tuyên bố làm một công dân thế giới. Sara cũng đã có lần dại dột nghĩ thế, nhưng rồi đã trở lại làm Cham. Ta bỏ đi. Nhưng đi đâu? Không đâu cả. Các sinh phận Cham ấy làm vô danh giữa cõi người mênh mông này. Cô đơn biết bao!

 

2. Chú bác Ban Biên soạn sách chữ Chăm thì khác. Tôi không hiểu làm sao các chú bác thân thiết nhau thế, đùm bọc nhau thế? Non 30 lượt trí thức Cham từ nhiều vùng miền khác nhau tụ về Phan Rang, ăn ở và làm việc: bàn về chữ Cham, và viết sách dạy trẻ con Cham, là chuyện có thể nói thiên nan vạn nan thời buổi ấy. Có vị làm một năm rồi về, có người trụ đến 10 năm. Với đồng lương chết đói. Phương tiện đi lại là xe than. Có được xe đạp tốt đã là sang. Hơn 30 làng Cham khác nhau thuộc tỉnh Thuận Hải cũ in dấu chân các bác. Đi, để gieo vào đầu con cháu mớ chữ Cham. Các bác là trí thức hàng đầu Cham lúc ấy, những con người sống với chữ nghĩa Cham đúng nghĩa. Vậy là kì lạ thay – tôi chưa thấy các bác cãi vả nhau về Akhar thrah! Có bất đồng, nhiều nữa là khác, nhưng qua thảo luận bàn bạc, mọi người nhất trí với đề xuất khả dĩ nhất.

Giữa những con người ấy, ba anh em chúng tôi: anh Kinh Duy Trịnh [hành chính], Châu Hoàng Triết [tạp vụ] và tôi [kế toán] đã phục vụ tận tình. Các bác biểu đâu làm đó. Tôi nghĩ kế bẫy dông [rất sáng tạo], Triết chạy đong rượu chịu, anh Trịnh pha trà và bày bàn cờ tướng. Đồng tiền chưa hề xen vào đời sống anh chị em trong Ban. Tất cả hành xử với nhau bằng tình cảm và qua tình cảm.

Chuyện nhỏ. Lúc ấy, tôi được phân công phụ trách báo tường. Dự định, sau mươi kì chọn lại in tập để dùng làm tài liệu tham khảo nội bộ. Ngay kì đầu tôi viết bài nghiên cứu bàn về chữ Cham theo hướng khác với BBS. Thế là bài viết bị râm ran phản đối. Để giữ hòa khí, trong cuộc họp đầu tuần, tôi nói đó chỉ là ý kiến cá nhân, và xin rút nó lại. Tôi không muốn tình cảm anh chị em bị sứt mẻ, chỉ vì ý kiến cá nhân.

Chớ cho rằng đó là thái độ ba phải trong khoa học. Khi ấy chưa có ai trong xã hội Cham gọi là làm khoa học đúng nghĩa cả. Ta chỉ góp nhiều cái đầu nhỏ lại thành một cái đầu lớn hơn xíu, để phục vụ cái chung. Tất cả đều biết lắng nghe, thấu hiểu và nhất là chịu sửa sai.

Câu chuyện khác: Trước 1983, từ “cảm ơn” được BBS dịch là “đwa uyamưn”. Trong cuộc họp chuyên môn, thầy Quảng Đại Hồng ý kiến: “Hồi nhỏ tôi nghe ông già tôi nói “đwa karun”, ta có nên xem lại không? Mọi người còn hồ nghi vì không có chứng cớ nào khác đáng tin. Tôi mới xin phép góp lời: “uyamưn” là từ được dùng trong Ariya Cam – Bini nghĩa là “ân tình” biểu nghĩa cho tình yêu lứa đôi. Trong đời thường, dùng từ “karun” có lẽ chuẩn hơn. Bởi từ “karun” trong Aymonier có nghĩa là “ơn”, “ân huệ”. Thế thôi, các bác đã nghe ra. Non trẻ như Sara – 25 tuổi, mới chân ướt chân ráo vào Ban mà ý kiến mình được chấp nhận, thì đủ biết các bác Cham thuở ấy có tinh thần cầu thị thế nào rồi.

Thế mà mới qua 20 năm sau thôi, từ khi có mạng xã hội, Cham đã khác. Ta đứng nickname, hoặc với cả tên thật để chống báng, chửi bới nhau không kể tuổi tác, bất kể trời trăng mây gió. Ta còn mang cả đời tư [nhiều khi rất sai] của nhau lên mạng. Hỏi làm sao không đáng chán cơ chứ?

 

3. Làm người có ai tránh được cái sai. Sara không là ngoại lệ.

Không phải sai về chuyên môn, mà sai về hoàn cảnh.

Khi bắt 300 lỗi trong văn bản Akayet Dewa Mưno của Po Dharma, tôi không sai về chuyên môn, mà là về hoàn cảnh. Tôi nghĩ đơn giản, đó chỉ là làm khoa học thuần túy. Từ vụ “làm khoa học” kia, kéo theo bao nhiêu là chuyện sau đó. Tôi hiểu, đáng lẽ không nên làm thế. Nhắc nhở thẳng với ông anh thì hay hơn.

Về họa phẩm “Làng Chăm ơn Bác” của Chế Kim Trung, nữ họa sĩ này sai, không ai không thấy. Đáng lẽ qua tình cảm quen biết, tôi góp ý Trung là đủ; hoặc xa hơn – qua uy tín cá nhân, tôi có thể minh giải lên cơ quan chấm giải, thì chuyện sẽ xuôi. Vậy mà tôi đã đăng bài Trà Vigia viết phê bình họa phẩm này. Dù Trà viết khá nhẹ, nhưng chỉ nên gửi nó cho Trung và cơ quan thẩm quyền thì hay hơn. Nữ họa sĩ sẽ nghe, biết đâu. Còn đăng, tôi biết chị sẽ phản ứng, và đã phản ứng. Đến hôm nay, chị vẫn khăng khăng mình đúng, là thế.

Vụ bài giới thiệu tập thơ Chế Mỹ Lan của Amasaty cũng vậy. Trước khi đăng bài của độc giả Nguyễn, tôi đã suy nghĩ nhiều. CML với tôi thân thiết như không thể thân thiết hơn, tôi lại là người biên tập tập thơ, vậy mà người bạn thơ đã cậy đến một bài giới thiệu vừa phạm nhiều cái sai vừa quá kém. Vì yêu, nên giận. Tôi vốn chủ hòa, duy nhất một thứ cực đoan dân tộc nơi tôi không dứt bỏ được là: tâm lí rất sợ người Kinh khinh thường Cham. Trong tôi cứ râm ran câu hỏi: Các bạn thơ Kinh nghĩ thế nào, khi đọc phải bài giới thiệu kia. Thế là tôi quyết, và sự vụ rình rang lên.

Mới nhất, tập thơ của Trầm Ngọc Lan. Trời đất, bạn thân, quý nhau phải biết! Hơn mươi năm trước, tôi mấy bận đề nghị bạn gom thơ cho tôi in. Bẵng đi thời gian dài, nay nghe tin tập thơ bạn chào đời, mừng, cho dù sau 20 ngày tôi vẫn chưa được thấy mặt. Sáng nay khi đang gõ thư này, hiện ra trước mặt tôi là tập thơ chờ đợi. Ngó bìa, và giở qua mấy trang, thì hỡi ôi: thơ khá nhưng lại đi quá giang hình thức sến và nhà quê không thể chịu được. Giận bạn quá trời giận. Yêu, mà giận. Sao mãi hôm nay người ta lại có thể nghĩ cách trình bày thơ quê mùa đến thế chứ!

 

4. Nhưng tôi sẽ không phê bình bất cứ Cham nào nữa. Với văn nghệ sĩ Việt Nam thì khác, tôi phê phán thẳng băng mà không vướng ngại cái tình nào bất kì. Thử đọc qua đoạn mới nhất bạn văn Kinh viết về lối phê bình của tôi:

“Sự ủng hộ các sáng tác hiện đại của Inrasara không đơn giản một chiều, người ta nhìn thấy phần đa nhận xét của anh với các tác giả trẻ là rất khắt khe, thậm chí đôi khi khá “phũ phàng”. Đằng sau sự nghiêm khắc ấy, người ta thấy rõ một học vấn sâu sắc về nghệ thuật hiện đại, những trăn trở đối với nghệ thuật hiện đại, những tìm kiếm và dĩ nhiên cả hy vọng. Chính tâm thế ấy khiến nhiều tác giả trẻ, mặc dù bị Inrasara “cạo đầu” không thương tiếc, vẫn nể trọng và lắng nghe những nhận xét “cay hơn ớt” của Inrasara” (Trần Anh Nguyễn, báo Tiền phong, 16-11-2014).

Còn về người Cham, tôi không muốn làm bất cứ Cham nào tổn thương cả.

Do đó, 10 năm qua, tôi nín lặng, dù tôi đã bị bao nhiêu phê phán bất công, xộc cả vào đời tư của tôi. Với Cham, tôi nói là nói cho. “Đính chính Champaka” năm 2007, là nói cho BBSSCC và chung, để mọi người rõ hơn vấn đề.

Năm ngoái, thầy Tỷ viết bài đấu tranh cho Ghur Bini, là hành động trí thức rất đáng trân trọng, điều chưa có trí thức Cham nào thuộc thế hệ thầy chịu làm. Viết, thầy chấp nhận thiệt thòi về phần mình. Thế mà chỉ vì bài viết của thầy sai (?) một lỗi chính tả, mà thầy bị tấn công. Hỏi có oan không? Có đáng chán không? Ở thế buộc, tôi phải viết để minh giải, không để bảo vệ cho cá nhân “ông Tỷ”, mà cho những ai còn biết đấu tranh cho cộng đồng nói chung, dù tôi biết chắc mình sẽ bị phản công. Và sự thể diễn ra như tôi dự đoán.

 

Anh Ysa quý mến!

Hỏi bị đối xử oan khuất như thế, thì có đáng chán không? – Đáng chán quá đi chứ! Sara có chán không? Chán lắm chứ. Chán, nên tịnh khẩu. Chán, nên tránh tham gia sinh hoạt cộng đồng. Chán, nên muốn lui về quê viết tiểu thuyết, chuyên tâm kể chuyện Cham cho thế hệ tương lai. Còn thầy Tỷ, thầy có chán không? Không thể không. Nhưng bởi là người trải nghiệm, thầy không bỏ đi mà đã ở lại.

Và anh, một người kinh lịch, anh đã quyết định ở lại.

Có quan tâm đến cộng đồng và theo dõi hành xử của cộng đồng, anh mới biết. Bởi biết, anh mới chán, và muốn bỏ đi. Rồi cuối cùng, do hiểu, anh quyết ở lại. Ở lại, để có thể hoặc im lặng chịu đựng hay nếu được – thì can thiệp nhẹ nhàng, hoặc lên tiếng mạnh mẽ khi cộng đồng thực sự cần đến tiếng nói của mình.

 

Tadhuw thuk siam!

Inrasara

 

 

 

 

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *