* Gia đình INRA trong quán Tạp hóa Haly (1992, thiếu Japrang), sau khi vào Sài Gòn đổi thành Cà phê Diễm (1993, Japrang & Jakha)
1. Đời kinh doanh 10 năm chẳn, ngoảnh lại thấy mình có đóng góp 2 chuyện cho cộng đồng: thay đổi 1 chân lí to và phát hiện 3 chân lí nhỏ về buôn bán [cho Cham]. Xin kể góp vui bà con.
Năm Đệ Tứ, thầy Nguyễn Văn Tỷ [ở giờ Pháp văn] nổi hứng nói một câu ám tôi mãi: “Cham chớ dại mở quán ở Phan Rang. Dân Kinh không mua đành rồi, người Cham thì càng lánh xa. Nếu có mua, họ mua chịu đấy. Phá sản là cái chắc.”
Ramưwan vừa qua, nghĩa là sau non nửa thế kỉ, gặp – thầy vẫn lập trường đó, lặp lại.
Trong đời mình, ý tưởng buôn bán chưa một lần thoáng qua đầu tôi, vậy mà đã phải 10 năm lăn lộn thương trường. Tôi luôn bị hoàn cảnh lôi vào cuộc. Năm 1991, bà xã thuê cửa hàng HTX Mỹ Nghiệp bán cà phê, can ngăn không đặng – bởi trước đó đã có ba người làm bị lỗ nặng bỏ chạy – , tôi miễn cưỡng chiều. Thế rồi tôi thủ vai chính lúc nào không hay.
Tôi bán tất tần tật những gì dân nhà quê cần. Sỉ và lẻ. Bán giá thấp nhất, để bán được nhiều nhất. Từ đó, quán Tạp hóa HALY không còn phải phục vụ riêng dân làng Chakleng nữa, mà thu hút cả khu vực rộng lớn. Kinh lẫn Cham.
Bà con Cham cũng mua chịu, nhưng theo luật bù trừ, tôi không thấy có gì to tát ở đó. Tôi vẫn lãi chán. Thế là, chỉ qua một năm rưỡi, tôi tậu luôn lô đất ấy, “đốt” sổ nợ cho bà con gần 20 cây vàng, thừa khoảng 10 cây để vào Sài Gòn.
Vậy, tại sao sợ buôn bán với Cham?
Nhà quê là vậy. Vào Sài Gòn, sang một lô trong Thương xá TAX bán thổ cẩm, THỔ CẨM CHAM INRAHANI thu hút khách đủ mọi quốc tịch. Cty Inrahani phất lên từ đó. Không cố ý, tôi đã khiến “chân lí” ông thầy [sau đó là bạn vong niên của tôi] rơi tự do lúc nào không biết.
* Thầy Jay (dạy tiếng Anh Trường Pô-Klong) thăm Nhà Trưng bày Cham hóa Cham Inrahani 2009.
2. Từ nhỏ học, tôi giỏi toán, chứ không phải văn. Rời khoa Anh ở ĐH Sư phạm về, tôi được ông chú cho đi học kế toán nông nghiệp khóa 6 tháng, để phụ ông điều hành HTX. Được 2 tháng, tôi dông về. Bài thi giữa kì ba tiếng đồng hồ, tôi làm một loáng 20 phút là xong. Ngắn gọn và chuẩn xác. Vài bạn học (đa số là sinh viên sau 75 thất nghiệp) đề nghị làm theo cách Phú Trạm, nhưng thầy vẫn là thầy. Học dở chừng, tôi vẫn thuộc hàng kế toán điểm.
Nhắc chuyện học toán để biết nó cần cho kinh doanh thế nào.
Thấy Tạp hóa Haly phất nhanh, anh bạn [trình độ ĐH] bao lần mở quán là bấy lần sập tiệm, mới mời tôi sang nhà đãi cơm hầu học tập kinh nghiệm. Tôi hỏi:
– Sổ kiểm kê cuối tháng bạn đâu, cho xem?
– Kiểm kê gì? Làm gì có kiểm kê…
– Bạn chết là bởi thế, – tôi nói.
Tôi đưa sổ kiểm kê hàng tháng của tôi cho bạn xem. Biến động từ viên kẹo, cân phân, chai bia hay gam cà phê… đều được thể hiện chi li, rành mạch (cuốn sổ nay tôi vẫn còn lưu).
– Ông điên rồi, – anh bạn la lên.
– Bạn phải học điều khiển hàng hóa, tiền bạc như điều binh. Kiểm kể, và đặt câu hỏi ráo riết: Lãi hay lỗ bao nhiêu, từ đâu và tại sao… vân vân. Nắm chắc để mà điều tiết. Phải học bắt đầu từ bạc lẻ, – tôi tiếp.
Hay nói như Chân Dung Cát sau này, đó chính là: “Triết lí tiền lẻ” mà Cham cần học tập và, siêng năng ôn tập. Chân lí đầu tiên đơn giản thế thôi.
* Gia đình INRA trước Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani 2002, photo Nguyễn Á.
3. Chân lí thứ hai: Buôn bán với người giàu.
Sau Tết 1990, lần đầu tiên bà xã lôi tôi vào cuộc kinh doanh, thứ kinh doanh lạ lẫm: xuống miền Tây buôn bán. Nhận thổ cẩm bà con ở quê, chở vào Trà Vinh, Cà Mau… bán. Thêm, đùm đuề cả gia đình theo. Lại bán cho dân Miên. Ngốc thế chứ! Bà con mua chịu, không tiền trả, sang bầy heo con cho chúng tôi. Thế là hai vợ chồng thành lái buôn heo mỗi sáng lên chiếc ghe nhỏ vượt Hậu Giang qua Kế Sách – Sóc Trăng bán.
Chưa trọn năm, ba cây vàng bán nhà bay biến mất tiêu. Về, hoàn tay trắng. Tôi mới rút bài học: Thổ cẩm là hàng mĩ nghệ, chỉ có thể bán cho dân giàu, càng giàu càng tốt. Thế nên mới có chuyện sang quầy ở Thương xá TAX. Đây là quầy hàng đầu tiên của Cham mở ra ngay trung tâm Sài Gòn.
Năm 2009, Chakleng tôi lên đời thành Làng Nghề Thổ Cẩm Mỹ Nghiệp, hứa hẹn tấp nập khách trong ngoài. Bà xã đòi nâng cấp khu nhà ở quê để cùng bà con đón cơ hội, cơ hội vàng. Dù ừ, nhưng tôi nghĩ khác: nâng cấp để làm đẹp bộ mặt làng, chớ không buôn bán gì cả.
Từ chân lí “chỉ buôn bán với người giàu”, hệ quả tôi rút ra là: Tiền thu từ phố về tiêu ở quê, đừng ngược lại. Thế là tôi biến khu nhà kia thành: NHÀ TRƯNG BÀY VĂN HÓA CHAM INRAHANI, miễn phí.
4. Chân lí thứ 3: Luôn là kẻ đầu tiên & Làm gì cũng cần đến nghiên cứu
Dân nghiên cứu đọc sách để “nghiên cứu” là đành rồi, làm thơ cần nghiên cứu để biết mình đang ngồi ở đâu và thiên hạ đang đi đến đâu là điều đương nhiên, ngay buôn bán cũng cần đến… nghiên cứu. Mở quán, tôi phải vào Sài Gòn ôm về hàng trăm cuốn sách kinh doanh để nghiên cứu. Thổ cẩm cũng thế…
Thổ cẩm Cham Inrahani luôn đi trước thiên hạ vài bước. Khi dân Chakleng còn phiêu các nơi bán hàng thô, Cở sở Thổ cẩm Inrahani đã chế tác chúng thành nhiều chủng loại mặt hàng hợp thị hiếu khách hàng.
Muốn tiêu thụ nhanh, thì cần có nơi thuận lợi để bán. Cửa hàng thổ cẩm đầu tiên ở TPHCM xuất hiện là vậy. Không dừng ở đó, hàng loạt Đại lí thổ cẩm Cham của Inrahani có mặt đồng thời ở các thành phố lớn.
Inrahani từ Cơ sở lên Công ty TNHH Thổ cẩm Cham đầu tiên. Sau đó, huy hiệu “Bàn Tay Vàng” đầu tiên cho bà chủ, và 4 Huy chương vàng đầu tiên dành cho sản phẩm của Cty Inrahani.
Hoa văn thổ cẩm Cham phong phú nhưng đã thất lạc nhiều. Inrahani đã phải cậy đến bạn bè Pháp photocopy màu từ Bảo tàng bên kia đại dương gửi về.
Thổ cẩm vừa là nét đẹp văn hóa truyền thống đồng thời là mặt hàng kinh doanh, cho nên muốn có cái mới để níu khách ở lại, vấn đề cải tiến kĩ thuật cần được đặt ra: Inrahani lần đầu tiên chuyển hoa văn từ khung dệt Jih Dalah sang khung dệt Aban; đây gần như là cuộc cách mạng kĩ thuật, dù ít ai nhận ra. Sau đó là nâng cấp khung dệt thủ công thành khung bán công nghiệp, hiện đang thành đại trà trong palei; ở đó thổ cẩm Cham vẫn giữ nét đẹp truyền thống, nhưng sản xuất nhanh hơn và nhất là, chuẩn hơn.
Kết hợp làm Thời trang Thổ cẩm với Minh Hạnh, sau đó là những chuyến đi Tây Âu, Nhật, và… hơn 10 nước khác. Có thể nói, Thổ cẩm Cham đã có thương hiệu trên trường “quốc tế” qua những chuyến mang chuông đấm xứ người này.
Chính những cái “đầu tiên” ấy đã đẩy nhanh sự lớn mạnh của Cty Inrahani, qua đó thúc đẩy Thổ cẩm Cham phát triển.
Thế nhưng từ năm 2002, khi tôi đã từ bỏ kinh doanh qua tuyên bố: “TÔI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN LÀM RA TIỀN NỮA”, và nhất là khi bà xã đã tuổi hưu, Cty Inrahani chững lại. Tại sao? Đơn giản, nó không có gì mới, và không còn đi những bước đầu tiên nữa.
Kinh doanh cũng cần đến tưởng tượng và sáng tạo, là vậy.