Trong bài tiểu luận “Thơ có vần liệu đã lỗi thời” in trên tạp chí Thơ số cuối năm 2007, một tác giả viết thế này, mới lạ: “Dân tộc ta (mà có lẽ không chỉ riêng dân tộc ta) đã giao tiếp bằng lối nói có Vần. Đây có thể là phát minh vĩ đại về ngôn ngữ của dân tộc Việt”. Mèng ơi, nếu “không chỉ riêng” dân tộc Việt thì đâu có gì đáng nói; còn nếu nó “là phát minh vĩ đại về ngôn ngữ của dân tộc Việt”, thì đích thị là cảm tính rồi.
Còn đỡ, ông tiếp: Lục bát, song thất lục bát là “bản sắc độc đáo riêng của người Việt ta”. Có một cõi đi về đâu chớ! Lối gieo vần kiểu lục bát, song thất lục bát là truyền thống chung Đông Nam Á chứ đâu riêng gì Việt. Ngôn ngữ mỗi dân tộc cấu trúc mỗi khác nhau (đa âm/ đơn âm tiết là một trong những) từ đó cô nàng lục bát có lối đi yểu điệu thục nữ mỗi lúc mỗi nơi mỗi khác, thế thôi!
Thừa thắng xông lên, ông phán xanh rờn rợn: “Thơ không vần… đã có từ những năm bốn mươi của thế kỉ trước… Từ đó đến nay không ai ngăn cấm, song nào đã được mấy tiến bộ?”. Thế là ông bạn đang tự đóng cửa rồi. Trận đóng cửa này còn được ông lèn thêm cái khóa là: “chưa thấy sự tổng kết đánh giá của các nhà phê bình có tên tuổi để vạch cái hay cái dở của loại thơ vừa nói”. Mời ông thử ghé nhà Google, hỏi tên Thanh Tâm Tuyền xem. Riêng tác giả này thôi cũng có cả trăm người xúm lại bàn, chứ đừng nói đến mấy chục tác giả thơ tự do không vần xuất sắc khác.
Ông còn chưa chịu nhìn nhận một hiện thực lù lù đến chán ngắt nữa: “[Thơ tự do không vần] mặc dầu được báo chí cổ xúy và đăng tải tràn lan”. Lạ quá, thử giở bất kì số nào của tờ Văn nghệ, lượng thơ vần và biến thái thơ vần cứ là ở thế vượt trội! Rồi “gần hai chục năm nay, người đọc vẫn đang chờ sự tỏa sáng của loại thơ này”. Thơ tự do không vần đã tỏa sáng [và sắp lụi] từ nửa thế kỉ rồi sao lại phải mãi chờ đến hôm nay?
Cạnh đó, ông còn hơi bị lạc thời: “Dù là hiện đại, hậu hiện đại, sau hậu hậu hiện đại là “hậu sự” gì đi nữa… miễn thơ phải hay!”. Nghĩa là tất tần tật ông đều trật lất. Trật lất lấn chiếm hết bốn trang đất tạp chí chuyên của Hội Nhà văn Việt Nam!