Cái TÔI đáng ghét? 06. Thế triệt buộc

Tôi cho đời người, có đến 90% hoạt động của ta là từ thế buộc, chớ hiếm khi theo sở thích. Hiếm lắm. Với ai không dám, nó đúng với tôi.

Tôi vốn ham bóng đá với mê triết học, chớ văn chương chữ nghĩa thì không. Nghiên cứu văn hóa Cham càng không. Từ bé, tôi lang thang vào các palei Cham sưu tầm, chỉ để thỏa mãn ham biết. Năm 25 tuổi, PVH tốt nghiệp Đại học, tôi gợi ý đưa tất cả tài liệu về ngôn ngữ Cham cho nó; cùng năm, khi bạn LVĐ ra tù, tôi cũng làm vậy với yut ấy về văn học. Mà tư liệu tôi sưu tầm, ghi chú suốt 10 năm đâu phải đùa. Rủi thay, cả hai đều từ chối. Từ thế buộc, tôi trở thành chuyên gia văn học và ngôn ngữ Cham lúc nào không hay.

Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa năm 2007, cùng với cao trào sáng tác chung trên mạng toàn cầu, tôi có bài thơ dài “Ở nơi ấy, hảo hảo hảo”. Bài thơ được Đài Úc đọc, phỏng vấn và bình. Gần 300 đơn vị văn thơ về sự kiện này xuất hiện trong thời gian ngắn, vậy mà chẳng có ai làm cái tổng luận. Lại ở thế buộc, tôi viết bài: “Hai cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa” đăng BBCTienve.org. Lưu ý lúc đó, rất hiếm nhà văn chính thống có thơ về sự kiện này. Mãi sang HS-TS kì 2 năm 2011, khi được phép, thơ yêu nước xung quanh sự kiện này mới ồ ạt xuất hiện.

Rồi, một nhà phê bình vai vế nhận định về thơ hiện đại Việt Nam, rằng Nguyễn Quang Thiều mở đầu cho cách tân thơ Việt đương đại, mở đầu và tạo ảnh hưởng lên cả phong trào thơ miền Nam. Chưa vội bàn chuyện đúng sai, nhưng đây là nhận định quan trọng, rất cần trao đổi. Một, hai tháng tôi chờ: lẽ nào cả miền Nam này không có nhà phê bình viết phản bác ý kiến kia? Không chấp ư? Thế buộc, tôi vào cuộc với bài: “Hiện tượng thơ Nguyễn Quang thiều – vài minh định”.

Cả Dự án Nhà máy Điện hạt nhân, và… cũng thế. Triệt buộc nhau là vậy.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *