Inrasara: Các điểm nhấn xung quanh Tagalau 14

Tagalau14.Tanran-A-Sara

* Inrasara tổng kết hành trình Tagalau ở buổi Ra mắt Tagalau14 tại Hamu Tanran – Photo Kiều Maily.

Tagalau 14 đã trình làng tốt lành. Ba lần: Sài Gòn, Phan Thiết và palei Cham Hamu Tanran. Đó là điều Tagalau ở 13 kì trước đó chưa được hân hạnh. Khai trương Tagalau 1, chỉ có 14 tác giả hội tụ tại Cơ sở dệt thổ cẩm Cham Inrahani – Cakleng trong buổi tiệc đạm bạc. Sau đó Tagalau đi suốt 9 năm lận đận, âm thầm. Mãi Katê 2009, cùng “Hành trình 10 năm Tagalau “, buổi họp mặt lần thứ hai mới tái diễn. Tại Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani – Cakleng, Tagalau tập hợp được 60 người đến chung vui; trong đó non phân nửa là người ngoài Cham. Đó là điểm nhấn duy nhất. Rồi Tagalau tiếp tục hành trình lặng lẽ…

Ba năm đi qua. Tagalau hôm nay đã khác. Thời thế khác, thế hệ khác, Tagalau cũng phải khác. Và nó đã khác nhiều.

Nếu Tagalau xưa không PR, không chủ trương “xin” tài trợ, sách in chủ yếu dành biếu tặng, số ít bán được cũng hiếm khi thu hồi vốn… thì nay, Tagalau có bán: ba buổi ra mắt, non 300 cuốn đã được tiếp nhận bằng nhiều hình thức khác nhau. Riêng khoản PR thì Tagalau đã làm ba show diễn ngoạn mục. Không lạ, khi con số trung bình tham dự ở mỗi buổi ra mắt tại ba địa bàn khác nhau lên đến 65-70 người. Có học giả, văn nghệ sĩ, báo đài; có tác giả, độc giả lẫn quần chúng tham dự. Có cả tặng hoa, múa hát…

Mùa Katê đi qua, niềm hân hoan đón mừng đứa con tinh thần đi qua… Khi tất cả đã lắng xuống, ta cũng cần nhìn lại thành quả ban đầu của mình. Là điều hơn cả sự cần thiết.

Tagalau14.Tanran-A-new.02

* Thầy Nguyễn Văn Tỷ tặng hoa cho thế hệ tiếp nối – Photo Kiều Maily.

1. Công chúng nghĩ gì về hình thức bộ Tagalau mới?

Ba tuần lễ sau khi Tagalau 14 ra khỏi nhà in, quanh quẩn palei Cham mùa Katê, tôi đã nhận được nhiều phản hồi tâm huyết. Miễn nhắc lại bao nhiêu lời khen tặng dành cho thế hệ Tagalau mới, chỉ xin ghi nhận mấy góp ý khả dĩ nhất.

– Khổ sách quá to, chỉ thích hợp với các loại tạp chí ảnh. Tagalau bộ mới nên giữ lại cách làm cũ; hoặc nếu có thay đổi, chỉ nên hạn định ở khổ của tạp chí văn học nghệ thuật các loại, như tạp chí Nhà văn, Sông Hương, Văn nghệ Quân đội, Hợp Lưu

– Trang để trắng nhiều, gây lãng phí. Các tạp chí văn học nghệ thuật ít khi để trắng trang như vậy. Các trang trắng này ta thêm ảnh minh họa không hay hơn sao.

– Trình bày bài không đẹp. Ví dụ tác giả có hai bài thơ, bài trước in không hết trang, nếu bài sau vừa đủ trang tiếp theo, thì nên chuyển hẳn qua trang đó, chứ không nên cắt cụt bài thứ hai ở trang đầu như vậy.

– Vẫn còn nhiều sai sót kĩ thuật. Lỗi chính tả, trang chữ Cham bị mất nét…

Bà con và độc giả đề nghị bộ phận phụ trách hình thức Tagalau cần xem xét lại.

 

2. Ý kiến của Inrasara về một phản hồi.

Bàn về vụ Tiếng trống Paranưng, tôi có viết: “Dân tộc Do Thái nổi tiếng thông minh, đến thành huyền thoại “thông minh Do Thái”. Chuyện kể, nếu có 9 người Do Thái nhất trí về điều gì đó bất kì, luôn luôn có 1 người nói ngược. Dù vấn đề có vẻ hiển nhiên tới đâu, vẫn NÓI NGƯỢC, đưa ra ý kiến phản bác lại. Đó là điều rất cần thiết trong thời đại tràn ngập thông tin hôm nay.”

Cần trân trọng các phản biện là vậy.

Ý kiến phản biện đáng chú ý nhất là của độc giả Thiên Sầu tại Phan Thiết, rằng: “Tagalau các kì trước có chiều sâu hơn, từ Tagalau 8 trở đi, chất lượng bài vở hơi xuống”. Ý độc giả này muốn nhấn về hàm lượng văn hóa Cham trong Tagalau giai đoạn sau. Nhưng có phải thế không? Dùng phép so sánh, ta có cái nhìn sòng phẳng hơn. Ở đây xin bỏ qua thể loại Thơ là mục có tiến bộ thấy rõ qua từng kì Tagalau. So sánh Tagalau 7 với Tagalau 8:

Tagalau 7

Truyện ngắn 3: Trà Vigia – Chăm H’ri, Inrasara – Tàn một giấc mơ, M’Halan – Cái chết của con họa mi.

Tiểu luận phê bình 3: Inrasara – Nhà thơ cần biết sợ thơ, Guga – Tình ca người xa xứ, Chế Vỹ Tân – Những suy nghĩ tản mạn về nếp sống văn hóa Chăm.

Nghiên cứu 1: Nguyễn Văn Tỷ – Giáo dục – đào tạo và sự phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội vùng dân tộc Chăm.

Sưu tầm: Pauh Catwai

Tagalau 8

Truyện ngắn 2: Trà Vigia – Ăn chữ, Niê Thanh Mai – Về bên kia núi

Tiểu luận phê bình 4: Inrasara – Văn chương ngoại vi/ trung tâm, từ một góc nhìnVăn học nghệ thuật Chăm, một chặng đường, Yamy – Tâm hồn Chăm, Nguyễn Phạm Hùng – Văn học Champa đang ở đâu?

Nghiên cứu 3: Nguyễn Văn Tỷ – Những nét đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc Chăm, Bùi Khánh Thế – Trên Chăm trên sóng điện và các vấn đề ngôn ngữ học, Tagalau – 7 năm nhọc nhằn và kiêu hãnh

Sưu tầm: Jaya Bal Riya (thơ Chăm) – Ariya khik twei jalan adat

 

Ta thấy phần tiểu luận – phê bình và nghiên cứu ở Tagalau 8 nổi trội hẳn. Nhất là bài Yamy – Tâm hồn Chăm và Nguyễn Phạm Hùng – Văn học Champa đang ở đâu? là rất quan trọng. So sánh Tagalau 5 với Tagalau 10, người đọc cũng thấy như thế. Dĩ nhiên phản biện của Thiên Sầu có thâm ý của anh.

 

3. Tagalau có làm “khoa học” không?

Trích đoạn Văn học Chăm khái luận (NXB Văn hóa Dân tộc, 1994):

Tôi không phải làm khoa học thuần túy, nên sẽ không có một kết luận rõ ràng minh bạch nào cho một vấn đề được nêu ra. Và theo chúng tôi nghĩ, cũng không nên khuôn định tâm hồn Chăm vào cái khung cứng ngắt của từ ngữ hay của khái niệm trừu tượng.”

Dù tác phẩm được giáo sư Lafont xem là “công trình có giá trị lớn về khoa học”, nhưng tôi vẫn KHÔNG làm khoa học. Không có chuyện khiêm tốn ở đây, mà là quan niệm.

Nếu khoa học được coi là nền tảng của phát triển văn hóa, thì triết học chính là nền tảng của nền tảng đó. Và nghệ thuật – ở đó thơ được coi là tập đại thành của mọi loại hình nghệ thuật – phải là thần hồn của nền văn hóa kia. Chỉ có nghệ thuật mới nói lên đủ đầy tâm hồn và đời sống tinh thần của một dân tộc. Nói một cách hình tượng, nếu triết học là nền đất, thì công trình nghiên cứu khoa học [xã hội] chỉ nên được xem là chất mùn, trên đó cây nhân sinh nghệ thuật phát lộ tinh hoa. Nghiên cứu về dân tộc nào đó không cứ gì phải là người của dân tộc đó, mà người ngoài vẫn có thể viết xuất sắc. Còn sáng tạo văn chương thì ngược lại. Và một công trình khoa học dù xuất sắc đến đâu vẫn bị thế hệ sau bỏ qua. Nghĩa là chúng không có hân hạnh được đọc lại, mà chỉ được tóm tắt hay rút tỉa vài kết luận cần thiết. Còn tác phẩm nghệ thuật thì khác, càng cổ điển càng tốt. Và luôn mời gọi sự đọc [xem…] lại nguyên tác [bản gốc].

 

Thường thì các người làm nghiên cứu khoa học [rởm] ưa mang mặc cảm với kẻ sáng tạo. Mặc cảm, nên họ tự nâng giá trị của khoa học trước mắt công chúng, để tăng giá; trong khi ở sau lưng, họ thậm thụt tập tành “sáng tạo”. Thậm vô ích. Hãy đứng nơi mình đang đứng, và làm tốt phần việc của mình, đã là có ích cho cộng đồng rồi.

 

Tagalau thế hệ mới hội tụ đa số tinh hoa sáng tạo trong cộng đồng Cham hiện nay. Họ đang hướng về sáng tạo, dĩ nhiên không bỏ quên nghiên cứu khoa học.

Tôi tin vào thế hệ Tagalau mới, thế hệ tràn tố chất nghệ sĩ. Bạn có thể in ba, bốn hay mười tập thơ, bạn vẫn cứ không trở thành nhà thơ. Trong khi chỉ cần một bài thơ hay thậm chí một vài câu thơ, nhà phê bình thông minh vẫn có thể nhận ra phẩm chất thi sĩ ở người viết ra nó. Những câu thơ làm nên thi sĩ là vậy…

Trà Vigia với ý và tứ: Ginong, ô bih ginong di hatai/ Ginong ô bih adei di xa-ai… là một sáng tạo từ đồng dao Cham. Câu thơ và tứ thơ đưa bài thơ nguyên bản chuyển hẳn sang hướng khác, sâu thẳm hơn ý nghĩa của bản gốc.

Jalau Anưk cùng vài bài thơ chưa in tập của anh, hay Đồng Chuông Tử qua bài “Thán tụng” bộc lộ đủ đầy phẩm chất thi nhân của họ.

Tuệ Nguyên bằng câu: “Tôi đang sống cùng thời đại với họ/ nhưng khi họ cứ mải mê dò từng bước để đi thì tôi lại nằm một xó tập bay” đậm chất thi sĩ.

Kiều Maily với bài “Nhảy” hay câu: “Có khi em chợt quên bẵng khuôn mặt anh/ … Có khi bất chợt em quên rất nhiều khuôn mặt” cũng vậy.

 

Đứa con của Đất hiện tại yêu và hãnh diện về kho tàng văn hóa ông bà, thì hẳn rồi. Không dừng lại ở đó, họ muốn sáng tạo ở hôm nay để con cháu họ yêu và hãnh diện về họ, ngày mai.

 

Pangdurangga, mùa Katê 2013

6 thoughts on “Inrasara: Các điểm nhấn xung quanh Tagalau 14

  1. Nhà thơ Inrasara luôn luôn thâm hậu:
    Đứa con của Đất hiện tại yêu và hãnh diện về kho tàng văn hóa ông bà, thì hẳn rồi. Không dừng lại ở đó, họ muốn sáng tạo ở hôm nay để con cháu họ yêu và hãnh diện về họ, ngày mai“.
    Ý này anh đã diễn đạt qua thơ đã hay:
    Để nuôi ta, ta rút tinh chất từ cha ông
    Thì phải cất cho đời sau – dòng nhựa

    Nay nhà thơ dùng để kết bài viết này càng sáng lên ý nghĩa.
    Kate tốt đẹp!

  2. mở to mắt mà đọc đoạn này nè…
    Khai trương Tagalau 1, chỉ có 14 tác giả hội tụ trong buổi tiệc đạm bạc. Sau đó Tagalau đi suốt 9 năm lận đận, âm thầm. Mãi Katê 2009, cùng “Hành trình 10 năm Tagalau “, buổi họp mặt lần thứ hai mới tái diễn. Tagalau tập hợp được 60 người đến chung vui; trong đó non phân nửa là người ngoài Cham. Đó là điểm nhấn duy nhất. Rồi Tagalau tiếp tục hành trình lặng lẽ…”

    âm thầm lặng lẽ, vậy mà Tagalau có chết đâu! Chớ hôm nay cánh trẻ Tagalau ba buổi mà 300 cuốn bán hết veo, thì mấy ai đó nặc danh ném đá giấu tay cầu cho Tagalau chết, thì đừng hòng nhé. Hay nhỉ! Mấy người ném vào đầu mình thì có. Xấu hổ chưa, lêu lêu lêu…

  3. Nghiên cứu khoa học hay sáng tạo nghệ thuật, nếu được công nhận và có ích đối với cộng đồng, đều đáng phải trân trọng cả. Mỗi lĩnh vực đều có cái giá trị nhất định của nó. Mỗi người đều là độc nhất vô nhị, cần gì phải lãng phí thời gian ghen tị với người khác? Chúng ta cần có một lòng ngực mở, vừa nhìn nhận được ưu điểm của mình, lại có thể thừa nhận sở trường của người khác.

    Hy vọng các số Tagalau tiếp theo sẽ tốt hơn.

    Katê vui và đoàn kết.

  4. Bác Inra viết:
    Hãy đứng nơi mình đang đứng, và làm tốt phần việc của mình, đã là có ích cho cộng đồng rồi.

  5. Một điều tôi thắc mắc và khó hiểu với Inrasara: Anh luôn bận tâm và rạch ròi với thư nặc danh. Giả như một ngày anh nhận được 100 bài nặc danh thì anh trả lời hết sao?. “Cây ngay không sợ chết đứng”. Tagalau vững bước và tiếp tục trên hành trình dài…..

  6. Cảm ơn bạn Lộc! Xin “giãi bày” như sau:
    – “Ẩn danh” Nguyenvantuan từng “yêu và tài trợ” cho Tagalau, và chỉ “giãi bày tâm sự”, nên tôi cần trả lời cho “mạnh thường quân” ấy. Khéo người đời cho Inrasara với tư cách chủ biên Tagalau “ăn cháo đái bát”.
    – Tôi trả lời để “minh oan” Tagalau (2 lần, lần trước với Vicha Phong – bút danh) chứ không bảo vệ mình. Chỉ khi quý “nặc danh” công phá Sara qua Tagalau, mình mới trả lời. Chứ có khá nhiều “nặc danh” tấn công cá nhân Inrasara đăng trên Champaka.info hay nơi này nọ, tôi… câm. Tôi “nghe nói” và bỏ qua. Hoặc tôi nhận được email gửi tập thể có tít bài, và tôi delete.
    – Vì 2 lí do trên, tôi miễn cưỡng trả lời “nặc danh” đầu tiên và duy nhất, chứ không bao giờ trở lại lần thứ hai.
    Đơn giản như vậy, bạn nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *