Cho dù vụ lùm xùm quanh Tiếng trông Paranưng đã đi đến hồi kết, nhưng đây là bài viết có lối nhìn tương đối mới qua sự phân tích khả dĩ trao đổi được, Inrasara.com xin đăng để rộng đường dư luận.
Inrasara
Những ngày này, cộng đồng người Chăm trên thế giới đang “dậy sóng” vì bộ phim Tiếng trống Paranưng. Phim của đạo diễn Trần Đình Thu, biên kịch Vũ Mạnh Tư hợp tác sản xuất bởi Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu và Hãng phim Thanh niên. Dậy sóng theo nghĩa phản ứng gay gắt, vì phim đã được truyền thông trong nước giới thiệu, công bố trên các trang mạng giải trí để thăm dò dư luận. Mặc dù phim “chưa có giấy phép phổ biến”, theo lời ông Khuất Duy Tân, Trưởng phòng Phổ biến phim Cục Điện ảnh, trả lời email cho một trí thức người Chăm phản đối phim này. Được biết phim sản xuất mục đích tham dự liên hoan phim sẽ diễn ra ở Hải Phòng tháng 10 tới.
Bình cũ rượu mới ?
Nội dung phim xoáy quanh câu chuyện tình ái tay ba, cùng những khó khăn, trở ngại trên lộ trình đi tìm hạnh phúc của những nhân vật chính. Những tình huống giành giật người yêu, những pha đánh đấm, súng đạn bắn giết, những cảnh hãm hiếp sống sượng, nóng bỏng ở nhiều phân đoạn cao trào nhằm mục đích thương mại. Kiểu mô típ này ngày nay tràn lan trên thị trường phim Việt. Bội thực, ngán ngẫm và rẻ tiền.
Đứng trước khối lượng lớn nhu cầu thực tế, khả năng sáng tạo có thể vơi cạn, nhưng công chúng không thể chấp nhận kiểu tái tạo tác phẩm như vậy. Để kịp thời níu giữ số lượng ít ỏi khán giả trung thành còn sót lại, anh không thể bê nguyên xi mô típ hoặc tìm mọi cách thay đổi khẩu vị, chỉ bằng trang phục khác, nền văn hoá khác.
Có thể lạ mắt thật, nhưng tếu táo và coi thường đạo đức nghề nghiệp của chính mình. Đổ “rượu mới” vào cái “bình cũ” mốc meo, quá đát, ai cũng có thể làm được, nếu đủ tiền. Có khi còn làm hay. Với cái mô típ đó, có thể thay đổi ở bất kì nền văn hoá nào cũng được, chẳng hạn như thay bằng nền văn hoá Ê Đê, Khơ Mer, Tày, Nùng…
Vì sao vậy? Có người nhận xét, hình như phim chỉ đi thuê mướn áo quần mặc vào khuôn nhân vật có sẵn, vì không thể hiện được gì là kết tinh văn hoá, minh triết và bối cảnh số phận đương thời của người Chăm. Nếu quả thế, cách làm như vậy, ứng xử với tác phẩm nghệ thuật toan tính nghiêng hẳn về lợi nhuận, vô hình chung đâm ra tệ và hỏng rồi. Phim Tiếng trống Paranưng được dựng lên như một thí dụ sáng rõ nhất.
Chỉ cần khéo léo đẽo gọt một tí, khoác chiếc áo mới và nương tựa vào sắc màu văn hoá Chăm, bí ẩn và quyến dụ, anh có ngay một bộ phim.Nhưng cũng chỉ dừng lại ở dạng thức là bình cũ rượu mới.
Tuy thật khéo léo, nhưng nhiều phân đoạn là khập khiểng, bôi bác và hạn chế do sự khác biệt văn hoá. Làm phim về một nền văn hoá không phải là nền văn hoá mẹ đẻ của mình, cần thiết phải có cố vấn giỏi về phong tục tập quán, thấu hiểu tâm lí cộng đồng. Tuyệt đối không nên khinh suất vì sẽ ảnh hưởng biện chứng, sẽ thiệt hại và làm chỉ dấu cho buồn bã. Thậm chí đỉnh điểm là phản cảm và hiệu ứng ngược, như đã thấy dư luận mấy ngày gần đây.
Khập khiểng với cuộc sống
Câu chuyện tình ái tay ba, dọn vào bối cảnh và văn hoá Chăm, nếu anh thực sống thực yêu, anh sẽ có một bộ phim hay, giá trị, lấy đi nước mắt của không chỉ một tộc người. Vì phim ảnh cũng gần gũi với âm nhạc. Âm nhạc thì cảm nhận bằng tai rồi rung lên. Phim ảnh thì cảm nhận bằng mắt rồi cũng rung lên. Nhưng rõ ràng thực tế, đã không diễn ra như vậy. Chỉ vì phim lỡ vướng phải nhiều hạt sạn lớn.
Lớn nhất là còn nhiều hạn chế về văn hoá Chăm mà cố gắng lao vào làm phim về đề tài người Chăm, hoặc chủ quan quá tự tin với vốn hiểu biết của bản thân. Cụ thể là hạn chế hiểu biết về tôn giáo và chế độ mẫu hệ của cộng đồng nhỏ bé này.
Thứ nhất, việc sử dụng hình ảnh thật của vị Sư cả Bà-la-môn vào phim giải trí, có nhiều hình ảnh tươi mát, nóng mắt là không phù hợp và xúc phạm tôn giáo của người Chăm. Dù là xuất hiện ở phân đoạn nào trong phim đi chăng nữa, cũng nên tránh. Với người Chăm, Sư cả Po Adhia là chức sắc cao nhất của Bà-la-môn giáo, vị lãnh đạo tinh thần tối cao và nhận được sự kính trọng bậc nhất.
Thứ hai, xã hội Chăm hiện nay, tuy đã trở thành một bộ phận hoà nhập trong đại gia đình Việt Nam, nhưng phong tục tập quán họ còn nâng niu, gìn giữ, chế độ mẫu hệ mãi mãi còn chi phối đậm nét đời sống. Người phụ nữ trong xã hội Chăm từ xa lắc mấy thế kỉ trước, hay láng giềng ở xã hội hiện đại, thì vai trò và ảnh hưởng của họ vẫn vô cùng to lớn và quan trọng. Hình ảnh cô gái bán bia ôm, ăn chơi sa đoạ, hãm hiếp và tống tình người đàn ông là chi tiết đơm đặt, lôi kéo công chúng một cách không trong sáng và có phần phỉ báng hình tượng người phụ nữ Chăm vì mục đích vụ lợi.
Thứ ba, luật pháp Việt Nam không cho phép công dân tàng trữ vũ khí. Cộng đồng người Chăm luôn luôn tuân thủ nghiêm ngặt. Nhưng trong phim, vẫn thấy dùng súng đạn để giải quyết mâu thuẫn tình ái cá nhân là chi tiết phạm luật, không đúng với thực trạng cuộc sống. Hay bộ phim đưa tình tiết này vào, ngoài dụng ý câu khách ra, còn có dụng ý cổ vũ cho công dân sử dụng vũ khí giải quyết mâu thuẫn cá nhân chăng?
Ba hạt sạn to tướng này, nếu cắt bỏ và bổ sung vài ý tưởng mới, phù hợp văn hoá, thì đoan chắc rằng phim sẽ hay và giá trị hơn.
Dù phim chưa ra công chúng nhưng với hình ảnh phản cảm đăng các trang mạng trong thời gian qua về Văn hoá Chăm cũng cho thấy rằng sự thiếu thờ ơ của cơ quan văn hoá, chính quyền trong việc giữ gìn phát huy văn hoá dân tộc…theo đạo diễn Trần Đình Thu hình ảnh trên các trang mạng do các diễn viên tự chụp và post lên chứ không phải là hình ảnh thật, phải chăng người Chăm đã ngăn chặn kịp thời đoạn phim phản cảm trên và đạo diễn đang trấn an dư luận…Cảm ơn nhà thơ trẻ.
Amuviya: … “cho thấy rằng sự thiếu thờ ơ của cơ quan văn hoá, chính quyền trong việc giữ gìn phát huy văn hoá dân tộc…”
“Thiếu thờ ơ” nghĩa là không “thờ ơ” hay ít khi “thờ ơ”. Vậy thì có gì để nói nhỉ?
dù khai thác ở đề tài nào văn hóa nào, người làm nghệ thuật đều có quyền thể hiện nó ở nhiều khía cạnh khác nhau. Nếu chỉ biết đến văn hóa Chăm ở những giá trị dù đẹp, thiêng liêng rồi quy chụp đó là mô típ mà ai muốn khai thac đều phải tuân thủ thì còn gì là sáng tạo nữa? Điều gì cũng có mặt này mặt khác chứ thuần khiết quá sao trở nên đậm đà? Huống chi TIẾNG TRỐNG PARANƯNG chẳng có điều gì đơm đặt. Chỉ là đem đến một cái nhìn mới, một hơi thở mới cho một nền văn hoá cũ thôi. Nếu cứ cố giữ những lề thói cũ mà đánh giá thấp thành qủa lao động cuả họ thì chẳng những k bảo toàn dk giá trị vh dân tộc mà còn lâu mơí theo kịp điện ảnh thế giới