Thiếu sáng tạo đích thực bắt nguồn từ thiếu cảm thức mới, cảm thức bùng nổ khả năng làm thay đổi cách nhìn hiện thực, chuyển đổi cả cách sống lẫn cách viết của nhà thơ. Cảm thức mới làm bạo động xô đẩy nhà thơ đối mặt với sự khủng hoảng của cuộc sống hiện tại cùng nỗi khốn cùng của đám đông nhân loại. Thiếu cảm thức đó, thơ trẻ tự bịt mắt và bó tay để hạn định mình viết ra những gì có thể được đăng, được in, được thế hệ đàn anh đàn chị xoa đầu, vỗ vai. Tất cả dẫn đến hệ quả tệ hại mà cả nhà phê bình lẫn người đọc đang lên tiếng báo động, rằng: thơ nhàn nhạt, thơ đang bế tắc, thơ xa rời hiện thực, thơ có mặt bằng mà không có đỉnh cao, vân vân… vẫn chỉ là những báo động giả. Bởi cả người làm thơ lẫn cơ quan trách nhiệm đều giả vờ không nhìn ra điều thật nhất trong các điều thật: thơ đang lãng tránh sự thật. Thế nên, cho dù có bao nhiêu hội thảo – từ địa phương, khu vực cho đến trung ương – bày ra, vẫn là những hội thảo và luận bàn vô bổ.
Cuối cùng, đâu lại vào đấy. Thơ ngày càng xa rời quần chúng là điều không thể tránh.
Inrasara, 2012