(cảm tác từ Australia)
Sau hàng chục năm thoái thác và tránh né và chần chừ
thủ tướng đã đọc lời xin lỗi
trong mưa
về câu chuyện một thế hệ bị đánh cắp
giữa khoảng rỗng của đất trời và của lịch sử
trước sự có mặt của gần 1.000 người bản địa
chú ý 1.000 không số lẻ
có cả phụ nữ và trẻ em
“Chúng tôi xin lỗi đến những người mẹ và người cha, người chị và người anh, đến những gia đình và cộng đồng bị li tán”.
“Chúng tôi đặc biệt xin lỗi về hành động tách rời trẻ em bản địa ra khỏi gia đình, cộng đồng và đất nước họ. Vì nỗi đau đớn, niềm thống khổ và sự tổn thương của những thế hệ bị đánh cắp, con cháu họ và gia đình bị bỏ lại sau lưng, chúng tôi xin lỗi”.
hơn hai thế kỷ kể từ khi người da trắng đặt chân lên Úc
qua 11 năm của chần chừ và thoái thác
của toan tính đo đếm cân đong
cho
bốn phút của sáng 13-2
không có số lẻ của giây thừa hay thiếu
một lời xin lỗi quốc gia đến những người bị ảnh hưởng
kim giây chả là gì cả cho thời khắc trọng đại này
cho
lời xin lỗi muộn màng này
đến mấy thế hệ của một thế hệ bị đánh cắp
không đưa ra khoản tiền bồi thường
nhưng
thủ tướng cam kết sẽ giảm thiểu tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tỉ lệ mù chữ và chết sớm ở người bản địa trong một thập niên tới. Chính phủ cũng có kế hoạch cải thiện nhà ở cho người bản địa, công nhận họ về mặt hiến pháp là những người làm chủ nguyên thủy của nước Úc
cho
khoảng 460.000 người bản địa sinh sống ở Úc, chiếm 2% dân số
cũng không số lẻ
trong bài diễn văn dài 20 phút đọc sau khi xin lỗi
4 phút của sáng 13-2 trước vô cùng thời gian và vô tận không gian
về những thế hệ sắp bị đánh cắp
Dọc suốt chiều dài lịch sử của những đất nước
còn bao nhiêu thế hệ bị đánh cắp
trên mỏng mảnh mặt đất này?
Ai biết?
bên kia lời xin lỗi là gì
phía sau lời xin lỗi là gì
sau lời xin lỗi còn gì.
_______________________
Chú thích:
Các chữ in nghiêng là phần copy từ báo Tuổi trẻ, 14-2-2008: “Úc chính thức xin lỗi người bản địa”.
Bài này hay quá, anh Inrasara ơi!
Anh cắt dán như vậy mới xứng đáng. Cut and paste rất khác loại cắt dán kiểu vài nhà thơ hậu hiện đại học đòi. Cắt dán mà không nói lên được ý nghĩa giá trị gì. Bài này thì rất tuyệt. Bài thơ gợi về một thế hệ thổ dân bị “đánh cắp”. Thời gian rất lâu sau Thủ tướng Úc mới đứng ra xin lỗi và bồi thường.
Hỏi bao giờ chính phủ Việt Nam xin lỗi con dân Chăm và giúp đỡ tận tình người dân nghèo khổ ở quê Chăm? Giúp thật tình chứ không phải đầu môi.
Tôi lấy làm ngạc nhiên sao độc giả Chăm không ai bình luận bài thơ rất HAY nay!!!
Nhà thơ viết:
Dọc suốt chiều dài lịch sử của những đất nước
còn bao nhiêu thế hệ bị đánh cắp
trên mỏng mảnh mặt đất này?
Ai biết?
bên kia lời xin lỗi là gì
phía sau lời xin lỗi là gì
sau lời xin lỗi còn gì.
Câu hỏi không chỉ cho đất nước Úc châu, mà cho cả thế giới. Chú ý chữ “những đất nước“. Thơ lay động tim chúng ta và nó đòi hỏi chúng ta suy nghĩ về câu hỏi đó. Thơ rất ít chữ mà nói được rất nhiều điều là vậy.