“Tuần lễ SEA Write Award tháng 10-2005, trong buổi giao lưu với Hội Nhà văn và sinh viên văn chương Thái Lan, tôi nêu lên câu hỏi khiến hội trường ngạc nhiên không ít: Có ai trong chín vị SEA Write Awardees năm nay – chín khuôn mặt [được coi là] đại diện xuất sắc nhất của văn chương nước mình – quen biết nhau, đọc của nhau hay thậm chí, biết đến tên nhau? Không ai cả! Văn chương khu vực này mãi đến hôm nay vẫn còn đóng cửa với nhau, là vậy. Nhà văn Đông Nam Á không quan tâm đến nhau, không cần nhau, nếu không muốn nói – xem nhẹ nhau và, xem nhẹ chính mình. Chúng ta có học (dịch thuật, nghiên cứu, hội thảo) là học người khác chứ không học tập ta. Tâm lí hậu thuộc địa còn trì nặng nơi tâm thức sáng tạo của mỗi người viết Đông Nam Á. Bóng đá Đông Nam Á bị xem là vùng trũng của thế giới. Đó là chuyện không cần bàn cãi. Dẫu kinh tế hay thu nhập đầu người của các nước Châu Phi hay Nam Mĩ có thể nghèo, thấp hơn rất nhiều so với một số nước Đông Nam Á, nhưng bóng đá họ so với ta: vượt trội. Điều này có thể đổ lỗi cho nhỏ, yếu của thể tạng dân Đông Nam Á. Nhưng tại sao văn học, chẳng dính dáng gì đến cơ bắp hay chiều cao lại phải chịu chung số phận?
Inrasara, 2007