Toàn cầu hóa, trào lưu hậu hiện đại Việt Nam được trao cho cơ hội. Và nó đã nắm được cơ hội đó. Chẳng những làm đa dạng hóa văn học Việt Nam đương đại, nó còn thúc đẩy văn học chính lưu thay đổi. Đồng thời, qua tinh thần phi nghiêm cẩn (non-seriousness), hậu hiện đại còn trao cho văn học Việt Nam cơ hội cắt đứt mọi trịnh trọng, để đùa nghịch. Hơn thế, nó tạo niềm tin cho kẻ sáng tạo, nhất là những người mới vào cuộc; họ tự do viết, tự do thể hiện tư tưởng mình, có điều kiện in ấn, xuất hiện… là điều thiết yếu thúc đẩy quyền tự do tối thượng của kẻ sáng tạo. Từ đó, trào lưu hậu hiện đại góp phần đánh thức ý thức tự do, dân chủ và trách nhiệm công dân nơi mỗi nghệ sĩ sáng tạo. Cuối cùng, hậu hiện đại chấp nhận Cái Khác The Others, và đòi hỏi những Cái Khác cần được đối xử bình đẳng với cái vốn được xem là chính thống, trung tâm. Đó là Đức lí hậu hiện đại.
Thời Tiền chiến, tiếp nhận trào lưu lãng mạn và hiện thực Pháp, các cây bút Việt Nam đã làm nên cuộc cách mạng lớn trong văn học. Hôm nay, thời đại toàn cầu hóa, qua tiếp sức của internet, các nhà văn hậu hiện đại có thể làm nên cuộc cách mạng văn học tại Việt Nam?
Inrasara, 2012