Đọc Rừng cổ tích, trường ca của Đặng Bá Tiến, NXB Hội Nhà văn, 2012
* Inrasara, Đặng Bá Tiến, Trần Can, Lê Vĩnh Tài – chụp tháng 2-2013 tại Ban mê.
Rừng cổ tích, tác phẩm văn học hiếm hoi của một nhà báo gạo cội đang cư trú đất Tây Nguyên – Đặng Bá Tiến – là một trường ca. Trường ca gồm chín “khúc” với một “vĩ thanh” bố trí theo trật tự thời gian: hồi tưởng quá khứ, cái nhìn hiện tại và viễn cảnh tương lai. Nghĩa là khá cổ điển. Thế nhưng với con mắt hiện đại, Đặng Bá Tiến đã ban cho trường ca đầu tay của mình những cái nhìn phản tỉnh đáng trân trọng.
“Rừng” Tây Nguyên như cổ tích trong tâm thức của nhà thơ. Rừng với những nhân vật trở thành huyền thoại, với tiếng kể “khan”, với những nhà dài, với “từ lễ thổi tai đến mùa bỏ mả”. Rừng với đại ngàn Bản Đôn nơi quần tụ hàng trăm con voi, hàng ngàn con trâu bò rừng, hàng trăm đàn công… Rừng làm nên cái nền của văn hóa Tây Nguyên với vài chục dân tộc anh em sở hữu văn hóa vừa chung vừa riêng vô cùng độc đáo.
Với Đặng Bá Tiến, rừng – “ấy là những đêm hành quân”, “ấy là nơi/ sau đêm đi đánh giặc”, “ấy là những tháng ngày”, “ấy là những chiều”, “ấy là những đêm”… lúc càng cụ thể hơn, chi tiết hơn. Đến nỗi anh gần như thuộc lòng rừng. Tất cả hình thành trong anh “vùng kỷ niệm” sâu đậm. Làm nên một phần của đời anh, không thể tách rời. Thế nên, rừng buộc “anh tự dặn mình phải trở lại nơi đây”.
Và ngay khi đất nước yên tiếng súng, Đặng Bá Tiến đã trở lại. Và trụ lại nơi ấy để làm công dân-rừng. Như một nhà báo, anh lên tiếng vì rừng và cho rừng. Rồi, như một nhà thơ, anh nói tiếng nói ân tình với rừng và của rừng. Bởi hôm nay, “rừng” đang thành “cổ tích”. Khong phải nguy cơ nữa, mà đã là cổ tích hiện thực.
Cổ tích từ nhát cuốc nông trường đầu tiên bổ vào mảnh đất Tây Nguyên trong giấc mơ chung, đến cổ tích qua những bước chân di dân đầu tiên với giấc mơ riêng:
những người anh em, những người đồng chí
từ Lạng Sơn, Bắc cạn, Hà Giang…
từ những núi đá tai mèo đói nghèo truyền kiếp
bỏ quê hương đi tìm manh áo bát cơm…
Khác với Đặng, họ không có tình thương rừng. Chính xác hơn, họ không hiểu rừng, bởi chưa từng biết đến sự đùm bọc vừa thực tế vừa linh thiêng của rừng. Rừng với họ chỉ là đối tượng khai thác trục lợi. Đơn và thuần. Để rừng làm cổ tích…
Cổ tích được đẩy nhanh và quyết liệt hơn, với lũ sâu mọt lâm tặc. Đủ kiểu “lâm tặc”:
chúng ngấu nghiến ăn rừng trong bóng tối
ăn rừng giữa bạch nhật, thanh thiên
chúng nuốt cả cây gỗ dài như sợi bún
chúng ngủ mơ cũng thấy gỗ chập chờn
chúng bán, mua cả rừng gỗ giản đơn
bằng những dự án đỏ lòm con dấu…
Rừng thành cổ tích cùng “các hệ thống sông bị băm nát bởi thủy điện”. Nói như Lê Vĩnh Tài:
rừng thành chật chội bước chân của người…
rừng bỏ chúng ta đi…
Rừng đã chết. Bạt ngàn thiết mộc cổ thụ khóc, hàng trăm đàn voi, trâu khóc, trùng trùng “dòng sông khóc”, rồi người dân tộc thiểu số khóc – tiếng khóc không thầm thành tiếng. Mới hôm nào rừng còn nguyên sơ, mở mắt ra “rừng đã thành huyền sử”, “rừng đã thành tĩnh vật” (Lê Vĩnh Tài).
Và cuối cùng, đất nước mất rừng Tây Nguyên. Khắp nơi đang kêu cứu! Nhà văn Nguyên Ngọc đặt câu hỏi: “Có phải đối với Tây Nguyên, về nhiều mặt đã vượt qua một cái ngưỡng không còn khả năng quay lại được nữa, hoặc đã mấp mé ngưỡng đó?” (“Tây Nguyên, đã vượt ngưỡng”, tham luận tại Hội thảo Phát triển bền vững Tây Nguyên, 27-11-2012, Buôn Ma Thuột).
Đó là câu hỏi lớn, đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách tầm vĩ mô, và – nói như Đặng Bá Tiến, câu hỏi còn dành cho tất cả những ai còn “thao thức nỗi rừng”. Tôi, anh, chúng ta. Để lần nữa ta còn nuôi hoài vọng. Cho:
Đêm
ai thả đàn chiêng ngân dài xa lắc
tiếng chiêng bay qua chín suối mười đèo
tiếng chiêng cười
tiếng chiêng hát
tiếng chiêng reo
mời người bốn phương về dự hội…
Hội như là hội. Để người Tây Nguyên trở lại tắm trong không khí lễ hội Tây Nguyên giữa điệp trùng rừng Tây Nguyên. Chứ không phải lễ hội bỏ túi mang tính trình diễn màu mè. Trên sân khấu, trên màn ảnh nhỏ…
Rừng cổ tích là một trường ca. Và như đại bộ phận trường ca hiện đại, nó không có cốt truyện, nên thiếu hẳn mấy tình tiết li kì. Các nhân vật vừa không tuổi tên vừa không lộ rõ khuôn mặt hay tính cách. Nếu có, thì nhân vật chính, đó là RỪNG. Ở đó cốt truyện là cảm trạng xuyên suốt của nhân vật “anh” trong/ qua/ từ và với “rừng”. Nhận mặt trường ca như thế, tôi có thể nói: với trường ca Rừng cổ tích, Đặng Bá Tiến đã ghi một điểm sáng trong nền văn chương đương đại Việt Nam.
Phan Rang, 2-3-2013
Tham luận tại Hội thảo
“Phát triển bền vững Tây Nguyên” của nhà văn Nguyên Ngọc:
Các bạn nên đọc để…bàng hoàng về thực trạng Tây Nguyên:
http://www.diendan.org/viet-nam/tay-nguyen-vuot-nguong