Theo con số được công bố thì Việt Nam có tới gần 400 trường đại học, cao đẳng thuộc các ngành nghề, các viện tương đương… nhưng tệ hại thay không có trường nào lọt vào danh sách 500 trường đại học danh giá trên thế giới. Đã gọi là các nhà trí thức là tiến sĩ, giáo sư thì tiêu chuẩn đầu tiên là công trình nghiên cứu khoa học hằng năm và quy chuẩn nhất là các nghiên cứu này được đăng ký bằng sáng chế tại Mỹ.
Tình hình này ở Việt Nam ta ra sao? Với 33.000 nhà khoa học nhưng giai đoạn 2000-2006 nước ta vẻn vẹn có 19 bằng sáng chế. Giai đoạn 2007-2010 Việt Nam chỉ còn 5 bằng sáng chế. Năm 2011 số bằng sáng chế của Việt Nam ta đăng ký tại Mỹ lại là con số 0 tròn trĩnh. Cũng trong năm 2011 chưa nói đến các nước có trình độ kinh tế hiện đại, tri thức tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc… Mà chỉ so sánh trong khu vực thì vùng lãnh thổ Đài Loan với 23 triệu dân có tới 8.781 bằng sáng chế. Còn các nước vùng Đông Nam Á thì năm 2011 cũng là năm bội thu về số lượng bằng sáng chế đăng ký tại Mỹ. Singapore với 4,8 triệu dân có tới 647 bằng. Malaysia với 27,9 triệu dân có 161 bằng, Thái Lan với 68,1 triệu dân có 53 bằng….
Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn này do đâu? Nước ta hiện nay ra ngõ không chỉ gặp nhà thơ mà còn gặp giáo sư, tiến sĩ hay thạc sĩ. Nhưng trong đội ngũ giáo sư, tiến sĩ đó thì có đến hơn 70% không dính dáng gì đến nghiên cứu khoa học, thậm chí cả đời không viết một bài báo nào có tính khoa học
Nguyễn Hiếu, Petrotimes.vn