Sự phi tâm hóa mang tính quyết định chính là phi tâm hóa giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa bản thân nghệ sĩ và thế giới. Người ta đã từng biết đến văn nghệ xa-lông thuở lãng mạn, văn nghệ tháp ngà thời tiền hiện đại, tinh thần nhập cuộc của nhà văn hiện sinh; người ta đã từng kêu gọi văn nghệ sĩ phải ba cùng với giới lao động ở các cây bút hiện thực xã hội chủ nghĩa. Vân vân… Thế nào đi nữa, ở đó vẫn còn tồn tại ranh giới phân cách giữa nghệ sĩ và đối tượng tiếp nhận nghệ thuật, giữa người làm văn chương và thế giới khác-văn chương. Nghệ sĩ hậu hiện đại hoàn toàn khác. Không còn biên giới dù nhỏ nhất giữa nghệ sĩ và các phần còn lại. Họ là một với thế giới. Cho nên không lạ, khi nghệ sĩ hậu hiện đại là kẻ cực kì nhạy cảm với thời cuộc chính trị xã hội. Mới nhất và nóng bỏng nhất. Văn Giang, Bô-xít, và nhất là trước sự kiện đang tác động từng ngày đến tâm thức người Việt nội địa lẫn hải ngoại là Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa.
Biển kể về nhiều chuyện khác
lấn ở ải Nam Quan
cướp đất ở Hà Giang
giờ đến biển
vết dao cắt không lành
xanh màu xanh máu của người sốt rét
những người lính “nguỵ” đã chết ở đây
những người lính “cách mạng” đã chết ở đây
trời cao đất dày
với 16 chữ vàng
hảo hảo
cô bé quàng khăn đỏ đang tâm giao
cùng chó sói.
đêm chia nhau mồi ngon
dưới gầm bàn
những chiếc ghế đang diễn vai vua
vua đang diễn vai chim câu khờ khạo
thi sĩ
nếu câu thơ lặng im
là lặng im để chết
đôi mắt trừng trừng vào trời xanh
sau đó người vuốt tay lên mắt
như vuốt lên sự thật
sự thật đang khép lại
ngơ ngác những cuộc biểu tình
ngơ ngác bông hoa đang khóc
ngơ ngác đôi môi bám chặt
vào răng chó sói giữa khơi…
thi sĩ
giữa hai bàn tay người
những con chữ vẫn hay đùa cợt
về những điều không sao tin nổi
nhưng đêm nay con chữ đang rơi
nặng nề như đá. Làm chìm lỉm ngoài khơi
một con tàu với một vết thương thật lớn
thi sĩ
sau khi người thiếp ngủ
những chiếc ghế vẫn diễn vai vua
vua vẫn diễn vai chim câu khờ khạo
chỉ có một khoảng không ngoài biển khơi
là không sao tin nổi
duy có điều nó không lay người dậy
vì vở diễn này
nó tin rằng người đã biết
(Thơ Lê Vĩnh Tài)
“những chiếc ghế vẫn diễn vai vua
vua vẫn diễn vai chim câu khờ khạo”
Đời là thế, đời đang thế, đời còn thế. 38 năm rồi vẫn thế.Thế mới là…ôi cuộc đời!