Trà Kha dịch
Con tôm nước ngọt đang ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản ở châu Á, nhưng cạnh đó người nông dân phải đối phó với các vấn đề liên quan đến sinh sản, bệnh tật và biến đổi khí hậu.
Subha Bhassu, nhà di truyền học và là giáo sư trợ giảng tại Trung tâm Công nghệ Sinh học của trường Đại học Malaya tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Malaysia, tin rằng – với sức mạnh nghiên cứu tập thể, trật tự gen có thể giúp giải quyết các vấn đề.
Từ năm 2009, Tiến sĩ và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu cùng với các nhà khoa học của viện Gen Bắc Kinh và Đại học Công nghệ Queensland ở Úc. Họ đã hoàn thành các báo cáo khoa học chung, hợp tác tham gia khóa đào tạo cán bộ và thực hiện trao đổi sinh viên. Năm nay, bà đã giúp thành lập một mạng lưới các nhà nghiên cứu thủy sản Đông Nam Á, với các nhà khoa học đến từ Bangladesh, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam cùng gặp mặt mỗi 3 tháng để chia sẻ công việc nghiên cứu và phát triển các chương trình trao đổi sinh viên cấp tiến sĩ. Cứ vài tuần một lần, liên hệ với các đồng nhiệm châu Á của mình qua công cụ chat trực tuyến Skype, Tiến sĩ khẳng định rằng cách tốt nhất để có được nguồn cung thực phẩm tốt và an toàn hơn là các bên biết hợp tác chia sẻ kiến thức và nguồn lực. “Vì sự nghèo đói, vì môi trường, vì sự phát triển bền vững, chúng ta phải cùng hợp tác” – bà nói.
Một nghiên cứu mới đây của Hội đồng Anh cho thấy các Đại học Châu Á có mức hợp tác nghiên cứu quốc tế cao. Các nghiên cứu sinh hợp tác xuyên quốc gia có xu hướng được đăng công trình nghiên cứu khoa học thường xuyên hơn. “Cùng với hội nhập kinh tế đang diễn ra ở châu Á, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà khoa học trong khu vưc đang được khuyến khích nhiều hơn”, – ông Gerard A. Postiglione, một giáo sư chuyên ngành giáo dục tại Đại học Hong Kong cho biết. Theo nghiên cứu từ Hội đồng Anh và Viện phân tích Scival thì Đông Nam Á đang là khu vực có sự gia tăng đáng kinh ngạc về số lượng các công trình nghiên cứu khoa học, rất nhiều nước có mức hợp tác quốc tế còn cao hơn mức bình quân trên thế giới.
Nghiên cứu tập trung vào Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam và các bài báo nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học trong năm năm qua về các lĩnh vực liên quan đến y học, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn.
Janet Ilieva, cố vấn giáo dục cao cấp của Hội đồng Anh, người đã trình bày nghiên cứu tại một hội nghị ở Hong Kong vào tháng trước, cho biết hơn một nửa số nghiên cứu từ Philippines và Indonesia là kết quả của sự hợp tác quốc tế. Hơn 90% các bài viết của các học giả Lào, vốn chỉ đóng góp một số lượng tương đối nhỏ công trình nghiên cứu, có sự tham gia của học giả nước ngoài. Điều này trái ngược với tỷ lệ hợp tác quốc tế 46% ở Vương quốc Anh. “Tôi nghĩ rằng các quốc gia có năng lực và trình độ nghiên cứu thấp có thể sẽ rất phụ thuộc vào sự hợp tác quốc tế”, – ông khẳng định.
Các Viện Nghiên cứu giáo dục cho biết các nhà khoa học thuộc nhiều nước châu Á đang làm việc với đối tác ở phương Tây và sự hợp tác sâu rộng đó cũng có thể giúp giải quyết một số thách thức lớn mà khu vực đang phải đối mặt, bao gồm cả quá trình đô thị hóa, các bệnh nhiệt đới và biến đổi khí hậu. “Nhiều người cộng tác với các nước ngoài ASEAN” – Tiến sĩ Ilieva thêm, đề cập đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. “Có một số hợp tác trong nội bộ ASEAN, nhưng hầu như chủ yếu là với một quốc gia từ bên ngoài ASEAN.” Ông cho rằng xu hướng này một phần là do năng lực nghiên cứu của phương Tây tốt hơn, và thực tế là nhiều nhà nghiên cứu châu Á đang được đào tạo ở nước ngoài.
“Tôi nghĩ rằng khi trở nước, họ sẽ mang theo các nghiên cứu cùng mối liên kết với viện nghiên cứu mà họ đã học tập”, – bà nói. “Ở giai đoạn này khá nhiều giảng viên ở Đông Á có bằng thạc sĩ đủ khả năng theo học tại một nước phương Tây, vì ở cấp học vị tiến sĩ, Đông Á vẫn còn xây dựng năng lực của họ”, – bà nói thêm. “Nhưng với sự phát triển năng lực, chúng tôi nhìn thấy sự hợp tác giữa các quốc gia trong nội bộ châu Á lớn hơn.” Khoa học nông nghiệp là một trong những lĩnh vực nhận được sự hợp tác lớn lao trong cộng đồng các nước châu Á.
“Đây có vẻ là sức mạnh của họ,” – Tiến sĩ Ilieva nói, và trích dẫn nghiên cứu về sản xuất lúa gạo giữa các quốc gia như Thái Lan và Việt Nam làm ví dụ. “Đó có lẽ là phản ánh về ưu tiên kinh tế từ 10 năm trước đây, bởi vì lĩnh vực nông nghiệp đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội của đất nước.”
Số công trình nghiên cứu của Malaysia đã tăng trưởng trung bình 38% mỗi năm trong vòng năm năm qua, so với mức trung bình là 3% của toàn cầu. Theo Tiến sĩ Ilieva, nước này đang cố gắng đa dạng hóa danh mục đầu tư nghiên cứu của mình vượt ra ngoài lĩnh vực nông nghiệp bằng cách tập trung hơn vào công nghệ, kỹ thuật và khoa học y tế. “Đây là chỉ báo cho một quốc gia đang tự xây dựng năng lực nghiên cứu của mình để một ngày nào đó sẽ trở thành một thế lực hùng mạnh”, – ông chia sẻ.
Tiến sĩ Postiglione, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Ching Wah ở Trung Quốc, cho rằng sự hợp tác giữa các trường Đại học hàng đầu của cả châu Á và phương Tây đã trở nên phổ biến, đồng thời sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu tốt nhất châu Á cũng đang được phát triển. “Chúng tôi biết có sự gia tăng hợp tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, và cả những nơi khác ở châu Á nữa”, – ông nói. Theo ông, Hồng Kông và Singapore là hai nước tiên phong của châu Á về hợp tác quốc tế. Vì thực tế tiếng Anh đã được sử dụng rộng rãi ở đây, và họ tuyển dụng rất nhiều học giả từ khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng đa phần hợp tác nghiên cứu của Hồng Kông là với Trung Quốc đại lục hay với các nước phương Tây. Trong khi đó, sự hợp tác giữa các trường Đại học hàng đầu châu Á và các trường kém quy mô hơn trong khu vực thì bị hạn chế. “Thật không may, điều đó đã không đưa ra được một lối đi chung,” – Tiến sĩ Postiglione nói thêm rằng, hội nhập kinh tế trên khắp châu Á đã không giúp gia tăng được sự hợp tác khu vực trong nghiên cứu giáo dục Đại học như mức mong đợi. Ông cho biết nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ châu Á vẫn còn xem các trường đại học hàng đầu ở Bắc Mỹ và châu Âu là đích ngắm của mình “vì các cơ sở nghiên cứu, các nhà khoa học nổi tiếng, sự tự do trong học thuật và trí tuệ, và sức sống”.
Theo họ, sự khác biệt về ngôn ngữ, sự thiếu năng lực nghiên cứu và thiếu nguồn tài trợ là một trong những rào cản hiện tại cho sự hợp tác lớn hơn trong khu vực châu Á.
Tiến sĩ Postiglione nói rằng công trình nghiên cứu nên được thực hiện bằng tiếng Anh để tạo được ảnh hưởng lớn nhất. Bởi sự thiếu một ngôn ngữ chung đã tạo ra những khó khăn trong các vùng của châu Á, nơi tiếng Anh không được sử dụng rộng rãi. Với khoảng cách giữa các trường Đại học được thành lập ở châu Á và Đại học từ nơi khác, thì việc tìm kiếm các trường có năng lực nghiên cứu tương tự cũng rất khó khăn. Cho dù có rất nhiều ưu đãi cho các nghiên cứu sinh châu Á để tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Nghiên cứu của Hội đồng Anh cho thấy rằng các bài viết bởi nhóm hợp tác quốc tế được trích dẫn nhiều gấp hai lần các công trình nghiên cứu thực hiện nội bộ. Tỷ lệ đối với một số quốc gia thậm chí còn cao hơn. Ví dụ ở Indonesia, các bài báo nghiên cứu có sự hợp tác của tác giả quốc tế được công bố nhiều gấp 6 lần. Còn Tiến sĩ Ilieva cho biết, các nghiên cứu khác cho thấy rằng số lượng công trình được trích dẫn tăng cùng với số lượng các quốc gia hợp tác.
Bà tin rằng các công trình hợp tác quốc tế hầu như có sức ảnh hưởng lớn hơn vì sự nhận thức các vấn đề toàn cầu đã được giải quyết tốt nhất bởi nhóm nghiên cứu quốc tế. “Chúng ta có thể thấy rằng có sự dịch chuyển từ các hình thức hợp tác song phương sang hợp tác đa phương vì chất lượng của công trình nghiên cứu tỷ lệ thuận với số lượng các nước tham gia”.
Mok Ka-ho, giáo sư trưởng ngành Chính sách so sánh tại Viện Giáo dục Hồng Kông, cho biết sự cộng tác giữa các trường Đại học và ngành công nghiệp cũng đã tăng lên. Ví dụ, các công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã mở cơ sở nghiên cứu ở Trung Quốc. “Điều này dẫn đến nhiều cơ hội hơn để tham gia vào các trường đại học ở Trung Quốc đại lục”, – ông nói.
Mạng lưới Nghiên cứu Chính sách xã hội Đông Á nơi Tiến sĩ Mok là chủ tịch được thành lập năm 2005 nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực như an sinh xã hội và tăng trưởng dân số. Hơn 300 học giả và nghiên cứu sinh tiến sĩ đến từ Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc và các nước châu Âu đã tham gia vào mạng lưới. Tiến sĩ Mok cho biết các nhà nghiên cứu nhận được hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu về các vấn đề ảnh hưởng đến khu vực. “Tôi nghĩ rằng đây là con đường hướng về phía trước”, – ông nói.
Theo Liz Gooch, The New York Times, 14-10-2012