Con người luôn xu hướng nắm giữ, bám chặt vào cái gì đó mà họ cho là quan trọng. Đạo sĩ Bà-la-môn ngược lại, buông bỏ. Ném tất cả sau lưng. Tên tuổi cõi còm này, công việc bề bộn này, chiếc ghế mỏng manh [nếu có] này, cơ ngơi nhỏ bé này, trách nhiệm nặng trịch này. Tôi, ôi cái tôi nhỏ bé thảm hại, luôn thèm khát quay lưng rời bỏ. Tagalau với “Tủ sách văn học Chăm” đồ sộ vô thường này. Với bao khuôn mặt, sự việc cùng muôn hệ lụy của chúng.
Lên đường, một cách nhẹ nhõm.
Bổn phận tôi có phải để vực dậy ngôn ngữ – văn chương Chăm đã khuất lấp đêm mờ lịch sử? Có phải để giải minh bao thắc mắc cạn cợt hay chống báng ngốc nghếch? Tôi sinh ra có phải để làm thơ, thêm món phê bình nhảm nhí này nọ nữa? Tại sao tôi phải nhăn răng cười khi tôi không có gì để cười, tôi phải thò tay ra bắt tay kẻ tôi không muốn nhìn mặt? Hay tôi là kẻ có tâm hồn cao thượng?
Tôi sợ phải có một tâm hồn cao thượng, – một nhân vật của Dostoievski nói thế. Tôi bị sốc khi lần đầu đọc nó vào tuổi mười bảy. Như một đoạn thơ Ariya Glơng Anak trước đó, hay của Rilke sau này. Ba mươi hai năm vèo bay như huyễn thuật, như hoa mắt.
Như sợi tóc vắt ngang màu mắt của Hạnh vào buổi tối vô nghĩa kia.
Đồng thanh đồng khí, trong chuyên luận về Dostoievski, Gide viết: “Với tình cảm tốt đẹp, người ta chỉ có thể tạo ra thứ văn chương rẻ tiền”. Vậy làm thế nào để có thể khuất phục thứ tình cảm tốt đẹp, vứt bỏ tâm hồn cao thượng kia? Làm sao có thể vượt qua nỗi nhảm nhí của thơ hôm nay?
Và, đâu là thể tính của thơ ca?
Inrasara, Hàng mã kí ức, 2011