Tiểu thuyết có khả năng biến tất cả những gì nghiêm túc thành hài hước. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuốn Tiểu luận này Kundera thường xuyên nhắc tới Cervantes, Rabelais và Kafka. Đó là những bậc thầy của nghệ thuật cười. “Tiểu thuyết sinh ra không phải từ tinh thần lý thuyết mà từ tinh thần hài hước. […] Nghệ thuật bắt nguồn cảm hứng từ cái cười của Thượng Đế” Kundera phát hiện ra rằng Rabelais sợ nhất là những kẻ agélaste, những kẻ không biết cười. Kundera phân biệt cái hài hước như là một phát kiến của tiểu thuyết với cái cười chế giễu, châm biếm. Ông nhắc lại phát biểu của Octavio Paz: cái hài hước chỉ hình thành cùng với Cervantes, chỉ hình thành cùng sự ra đời của tiểu thuyết. Cái hài hước khác với sự châm biếm đả kích ở chỗ: nó khiến cho tất cả trở thành nhập nhằng nước đôi. Cái hài có thể tạo ra tiếng cười sảng khoái nhưng cũng có thể gắn với nỗi buồn mênh mông. Kundera đã đọc Kafka để thấy rõ “cái hài của nỗi buồn” như một sản phẩm đặc biệt của chất Kafka. Ông thấy những cảnh tình dục ở Kafka đều hài hước và đều rất buồn.
Nguyễn Thị Từ Huy, “Tinh thần tiểu thuyết”