Chân dung Cát 19: Ông Malâm

Inrajaya-21

Không phải ông Châu Văn Mỗ người lập nên Hội bảo trợ Văn hóa Chàm được coi như cha đỡ đầu lứa trí thức đầu tiên những năm 60, sau đó làm đến Thứ trưởng Bộ phát triển sắc tộc, về hưu trước hòa bình mấy năm, rồi khi vào vai hội trưởng Hội bảo thọ Mỹ Nghiệp ở tuổi 72 còn cựa quậy làm thay đổi vài hủ tục, nhất là tổ chức thống nhất được lịch Chăm bốn vùng Panrang – Kraung – Parik – Pajai là điều lắm vị đều nói đều bàn mà chưa ai làm được;

không phải ông dân biểu Từ Công Xuân người truyền bá Islam vào Ninh Thuận đầu thập niên 60, sau đó tỏa rộng nhanh chóng đến các plây Chăm Bàni một thời gây xôn xao xã hội Chăm tù đọng;

cũng không phải ông giáo sư Pháp văn trẻ tuổi hào hoa Lưu Quang Sang cháu ruột cụ Dương Tấn Phát ông Huyện nổi tiếng vùng Chăm thời Pháp thuộc, hiệu trưởng nhiệm kì hai thay ông Thành Phú Bá khi Trường trung học An Phước mất an ninh chuyển từ Phú Nhuận xuống Phanrang để hai năm sau ra tranh và đắc cử dân biểu;

không phải ông Thiên Sanh Cảnh học giả duy nhất có sách, bài viết được in, người chủ trương Nội san Panrang được 8 số thì đình bản;

cũng không phải ông Lưu Quý Tân sau này, người đăng mấy chục tiểu luận bay bướm về văn hóa Chăm trên tạp chí trung ương, sau đó đành đứt gánh bởi cái chết oan uổng; hay cụ Bố Thuận trước đó, là Chăm đầu tiên đi vào nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc bài bản với công trình là bản thảo đến 200 trang Từ Vựng Chăm quý giá gần thế kỉ vẫn chưa được chào đời;

không phải ông Thiết Ngữ dân Chakleng tập kết năm lên mười, Phó Ty giáo dục Thuận Hải (đồn rằng nếu ông khéo ngoại giao thì đã nắm chức vị to cao hơn nhiều lắm) kiêm Trưởng Ban biên soạn liêm chính về hưu ở Hậu Sanh có giàu sang gì không chắc ai cũng biết rồi;

không phải ông Quảng Đại Cường chiến sĩ cách mạng kiên trung, khôn ngoan lanh lợi đến Ngô Đình Diệm treo giá 500.000 đồng cho cái xác và gấp đôi cho ai bắt sống ông, tập kết ra Bắc, học giỏi, thơ hay, nhưng giờ này đang thân tàn ma dại ở quê nhà chẳng ai quan tâm an ủi;

không phải ông Thành Phú Bá, Nguyễn Văn Tỷ, Đàng Năng Quạ… nhà giáo công đầu đào tạo mấy thế hệ trí thức ra lò từ trường Pô-Klong là niềm tự hào của Chăm ở Ninh – Bình Thuận trước đất nước thống nhất;

cũng không phải ông Lâm Gia Tịnh, Bạch Thanh Chạy, Lâm Nài, Nguyễn Ngọc Đảo… cán bộ nghiên cứu nồng cốt cần mẫn của Ban biên soạn, mỗi năm hai tháng đạp xe cà tàng khắp 34 làng Chăm mang hạt giống chữ vãi gieo vào miền đất trắng để 20 năm sau xóa mù chữ cho mấy ngàn trẻ em;

không phải Chế Linh ca sĩ năm xưa hay Amư Nhân nhạc sĩ hôm nay; không phải Thành Văn Sưởng điêu khắc hay Đàng Năng Thọ họa sĩ;

không phải Po Dharma tiến sĩ giảng viên Đại học Sorbonne bên Pháp hay Thành Phần tiến sĩ đầu tiên mà luận án được trình ở Liên Xô hay Bá Trung Phụ ở Việt Nam;

không phải Thuman nông dân-thi sĩ hay Pathit  nhà kinh tế tầm vĩ mô hoặc Jaklan nhà ngôn ngữ học cấp xã, càng không phải Cao Xuân Hoang  kẻ vô thần sa đọa vỗ ngực hãnh diện mình sa đọa; không phải nhà yogi Dhan Than hay con tương cận khác là Chế Khan; không phải ngài giáo sư Trần Hùng hay nữ phó tiến sĩ Hà Vân; không phải nàng Hathaw xinh đẹp hay Đàng John Thak Chăm kiều tốt bụng cả lo luôn trang bị bộ mặt đầy ưu tư cho tiền đồ mơ hồ nào đó;

càng không phải J’Man tôi, kẻ tưởng mình dàn xếp bố trí định mệnh các nhân vật không ngờ bị nhân vật mình hành hạ và sai khiến;

MÀ ÔNG MALÂM LÀ NHÂN VẬT CHÍNH CỦA TIỂU THUYẾT NÀY.

Chính xác hơn, ông đã chọn tôi để qua chữ nghĩa chấp vá của tôi, có mặt và tung hoành. Không phải bởi các nhân vật kia kém cạnh ông, ngược lại là đằng khác – ở lời nói, tính cách, hành động, sự nghiệp. Chẳng phải các nhân vật này đã từng làm thay đổi bộ mặt xã hội Chăm 50 năm qua? Ít hay nhiều, ngẫu nhiên hay chủ định, nông/ sâu, hẹp/ rộng, nhất thời/ lâu dài, theo chiều hướng tốt hay xấu, vì mục đích cá nhân hay cộng đồng…  họ đều đã có góp phần. Thế nhưng, trên Con đường vô tận (tôi đã lấy tít này đặt cho cuốn tiểu thuyết ở bản thảo lần viết đầu tiên) của dân tộc, hành trình đi về vô tận ở thế kỉ XX này (đa phần là hậu bán thế kỉ), ông Malâm là khuôn mặt thơ mộng lồng lộng nhất, phiêu bạt ngang dọc đồng thời thực tế hiệu quả nhất, đã lay động xã hội Chăm từ nền tảng, 40 năm qua và cả sau này.

Inrasara, Chân dung Cát, 2006

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *