Bí mật Cham

Văn hóa Chăm là bí mật. Hôm qua, là bí mật tráng lệ ồn ào; hôm nay, tôi gọi nó là “bí mật câm”. Bí mật ngay khi nó còn hiện hữu hay đang sinh thành, bí mật cả khi nó suy tàn hoặc tiêu vong. Ngôi tháp tôi ưa ngắm hơn cả có lẽ là Tháp Ppo Rome ở Ninh Thuận được xây vào hậu bán thế kỉ XVII, khi Champa đã vào hồi chung cuộc. Một hấp lực ma quái, hấp lực của mong manh và suy tàn. Gắng gượng khẳng định sức mạnh lần cuối, dù không để làm gì cả!

Có bao nhiêu đứa con Chăm hôm nay biết trong kho cha ông có gì, nói chi nắm được linh hồn văn hóa Champa? Tôi nhấn: linh hồn văn hóa, chứ không phải sản phẩm lưu kho. Rất ít và có thể nói, cực ít! Từng mảng, từng mảnh bị đổ vỡ, vùi chôn. Đâu chỉ riêng các mảng lộ thiên như kiến trúc, điêu khắc không đâu, mà ngay các phần chìm như ca-múa-nhạc, văn chương, triết lí… cũng khuất lấp trong sương mờ lịch sử. Cả ngôn ngữ sống (không phải ngôn ngữ hàn lâm, ngôn ngữ của từ điển) hôm nay cũng vậy, lai tạp đến hơn phân nửa.

Tiếp nhận một cách thiếu khuyết và méo mó, nhưng họ hãnh diện biết bao về nền văn hóa đó, về mình là Chăm! Cao Xuân Hoang một chữ K đeo tai cũng không, nhưng rất nhiệt tình bảo vệ chữ truyền thống dân tộc. Là một bí mật nữa, và đó chính là thần hồn của tính cách Chăm! Như là một phần của triết lí hổng chân. Nhưng không phải tất cả Chăm đều vậy, vẫn có người tuổi trẻ hôm nay miệt mài lượm nhặt các mảnh vương vãi của văn hóa dân tộc để nhập kho lưu trữ.

Một câu tục ngữ – một dòng ca dao

nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ

tôi tìm và nhặt

như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ

(những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua)

để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở

lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế!

 

Tôi nghĩ, khi mỗi đứa con Chăm còn trang bị cho mình tinh thần như thế, họ sẽ không bao giờ bị đánh đổ trước bất kì làn sóng văn hóa nào, cám dỗ vật chất nào. Sẵn sàng thâu thái và sáng tạo.

Inrasara trả lời phỏng vấn báo Xã hội và Gia đình, 8-2006

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *