Đỗ Hương thực hiện
Báo Phụ nữ Việt Nam, số Tết 2013
Ngay khi rời quê nhà vào Sài Gòn làm việc, nhà thơ Inrasara đã nuôi ý tưởng và lên kế hoạch chi tiết cho dự án xây dựng Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm giữa cộng đồng. Ông tâm sự:
Giống như một bảo tàng nghệ thuật tư nhân – “không gian văn hoá Chăm thu nhỏ” cũng chính là tư gia của tôi ở Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Nếu xem văn hóa có 4 vòng, tính từ ngoài vào trong, là: 1. Vật dụng sinh hoạt thiết yếu, 2. Phong tục tập quán, 3. Khoa học, nghệ thuật và văn chương, 4. Đạo lí và minh triết, thì Nhà Trưng bày chủ yếu nhấn vào vòng ngoài cùng. Đó là những cái gần gũi nhất và dễ nhận ra nhất ở một dân tộc. Dựng Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm là điều khó khăn. Khó khăn đầu tiên vẫn là… tiền đâu? Thế là vợ chồng tôi phải nghĩ cách làm ra tiền. Tổ chức phục hồi dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc đang nguy cơ thất truyền, một công được đôi ba việc. Chúng tôi vừa góp công phục hồi một mảnh văn hóa dân tộc, gia đình vừa có cái ăn, và Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm được thực hiện theo đúng kế hoạch. Nhà trưng bày khai trương vào mùa Katê 2010. Tôi lấy tên bà xã đặt tên cho nhà trưng bày, đúng phong cách chế độ gia đình mẫu hệ Chăm: Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani. Đến nay, ba khu đã hoàn thành, riêng “Tủ sách Cộng đồng” còn dang dở. Đã có 5.000 bản sách, đã có tủ đựng, nhưng nhà đọc thì chưa.
Ông sẽ tiếp tục truyền tải văn hoá Chăm đến những dân tộc anh em bằng văn học nghệ thuật hay còn là các hình thức truyền thông hiện đại khác như: tổ chức các sự kiện, tour du lịch gắn với đời sống văn hoá, tín ngưỡng của đồng bào Chăm?
Tạm xong vòng nhất, tôi bỏ qua vòng hai (phong tục tập quán Chăm – đã có nhiều nhà nghiên cứu ngoài Chăm và trong cộng đồng Chăm chuyên về lĩnh vực này) để dấn vào vòng ba: ngôn ngữ, văn học và sáng tác văn chương. Ba cuốn Từ điển song ngữ Việt – Chăm, Tự học tiếng Chăm đã xong; bộ Văn học Chăm 10 tập tạm ổn; mươi tập thơ và tiểu thuyết cũng đã ra đời. Nhưng lẽ nào nhắc đến văn học Chăm mà quanh đi quẩn lại mỗi Inrasara!? Thế là tôi và vài trí thức Chăm bày ra đặc san Tagalau. Làm đất cho cỏ mọc. Sau 13 kì đặc san, khi mươi cây bút tài năng đã đủ lông cánh, tôi chuẩn bị bàn giao cho thế hệ trẻ, để dấn vào vòng trong cùng của “văn hóa” dân tộc: Minh triết Chăm. Thật ra, cuốn khảo cứu này đã xong từ hai năm trước, nhưng tôi chưa vội in. Ba năm nữa, có lẽ, sau khi cho nó ra đời, tôi sẽ “về hưu” ở quê nhà. Dành tất cả thời gian và tháng ngày còn lại cho tiểu thuyết. Cộng đồng Chăm có mênh mông câu chuyện để kể với thế giới, mà chưa có ai kể. Tôi tự giao cho mình trách nhiệm đầy hứng thú đó.
Còn tổ chức các sự kiện văn hóa ư? Inrajaka, con lớn của tôi, đang đảm đương khá tốt. Du lịch văn hóa, chẳng hạn. Sáng sớm, đoàn khoảng 20-30 người từ Sài Gòn thuê xe ra miền Trung. 3 giờ chiều tới Chakleng – một làng dệt nổi tiếng của Chăm. Đoàn tự làm cơm và dùng bữa chiều trong làng. Tối, nghe già làng nói chuyện về văn hóa, và thưởng thức tiết mục múa, hát dân ca do Hani cùng phụ nữ trong làng biểu diễn. Ngủ lại các nhà dân trong làng. Sáng, đi thăm các khu di tích và vài làng Chăm tiêu biểu. Ăn trưa tại bãi biển. Tối trở về thành phố.
Thật khâm phục khi nhìn vào khối lượng vạm vỡ những công trình sách, bài viết nhà thơ đã xuất bản, cũng như vô số đầu việc “bếp núc” để phát triển Nhà Trưng bày văn hoá Chăm trong năm 2012. Bên cạnh một tài năng thiên phú, hẳn ông phải duy trì kỷ luật làm việc?
Tài năng thì tôi không biết, chỉ biết rằng tôi là người thích thú làm việc và đam mê công việc. Tôi coi công việc như là một cách chơi. Cuối năm 2001, sau khi thành lập Cty TNHH Dệt may Thổ cẩm Chăm, giao tất cả cho bà xã điều hành, tôi lao vào công cuộc chữ nghĩa. Hết mình cho nó. Đọc, viết, đi, và vài năm qua thêm mục… nói. Tôi ngủ sớm: 9 giờ tối, thức sớm: 4 giờ sáng. Vừa cà phê sáng vừa lướt web xem tin buổi sáng, sau đó bắt tay vào viết. Trong khi nhiều bạn văn chuẩn bị vào ngày mới, thì tôi coi như đã xong một buổi làm việc. Sau điểm tâm, tôi tiếp tục đến 11:30 giờ, là nghỉ. Chiều làm thêm 4 tiếng nữa, như thể khoản phụ. Đều đặn ngày qua ngày, hệt công chức mẫn cán vậy. Chỉ trừ những khi về quê hay công tác tỉnh thành xa (nói chuyện, hội thảo…), thời giờ sinh học của tôi đại khái như thế. Không nên gọi đó là kỉ luật, mà là thói quen. Thứ thói quen thành nếp, khó bỏ. Thêm, chuyển hệ với tôi cũng không là vấn đề. Từ thơ sang tiểu thuyết, từ nghiên cứu sang phê bình… Thay đổi đề tài hay thể loại như một cách nghỉ ngơi tích cực.
Phong cách thơ Inrasara mang đậm tính triết luận – triết luận nghiệm sinh, phảng phất giáo lý nhà Phật. Xin hỏi ông có dành sự quan tâm đối với kinh pháp? Những cảm nhận của riêng nhà thơ trong lĩnh vực Phật học?
Cha tôi hiền như… Phật. Tôi thì không được như cụ. Nhưng có lẽ kiếp trước duyên nợ gì đó với cửa chùa, nên cuối năm nhất Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, tôi bỏ ngang giảng đường, xuống tóc lên chùa tu. Đọc kinh với niệm Phật. Toàn kinh “khổ” không à. Hoa Nghiêm, Lăng Già, Bát Nhã… Được năm tháng, vị sư trụ trì gọi tôi lại, bảo: Con còn nặng nợ đời lắm. Hoàn tục đi con. Biết đâu cơ duyên, vài chục năm sau thầy trò mình lại tái ngộ. Thế là tôi “xuống núi” để làm… thi sĩ. Thêm, Ariya Glơng Anak – tác phẩm cổ điển Chăm đẫm tư tưởng Phật Đại thừa mà ông ngoại tôi thường ngâm, ngâm đến tôi thuộc lòng từ khi còn chưa cắp sách đến trường, đã ảnh hưởng sâu đậm đến tâm hồn tôi.
Tôi không xem Phật giáo như một tôn giáo, mà tư tưởng. Tôn giáo dạy và buộc người ta theo, Phật ngược lại: giải – phá – từ bỏ. Từ bỏ trói buộc, giải sân hận, phá chấp… Sau này, tiếp nhận hậu hiện đại, tôi như được chắp thêm cánh.
Xin nhà thơ chia sẻ những ước nguyện tốt đẹp của ông trong năm mới 2013?
Con người bớt tập trung vào bản thân, mà hãy nhìn ra ngoài nhiều hơn. Học biết tha thứ, cảm thông và chia sẻ.
Xin cảm ơn ông!
Bài này nhiều ý Inrasara đã viết đâu đó rồi. Chỉ duy có đoạn này mới và đáng đọc nhất của bài phỏng vấn:
“Tôi không xem Phật giáo như một tôn giáo, mà tư tưởng. Tôn giáo dạy và buộc người ta theo, Phật ngược lại: giải – phá – từ bỏ. Từ bỏ trói buộc, giải sân hận, phá chấp… Sau này, tiếp nhận hậu hiện đại, tôi như được chắp thêm cánh.
… Con người bớt tập trung vào bản thân, mà hãy nhìn ra ngoài nhiều hơn. Học biết tha thứ, cảm thông và chia sẻ.”
Hay!
Xin nhà thơ cho biết, nhà thơ tu ở chùa nào? Sao gọi là còn nặng nợ đời? Xuống núi có gặp lại ông sư kia không?
Đua karun
Đó là vào mùa xuân năm 78, tôi lên đồi Hải Đức ở Nha Trang học Phật non tháng. Sau đó tôi về Phan Rang làm quen với Thầy Nghiêm ở Khu Tam Giác (hiện nhà Thầy vẫn còn đó). Hai chúng tôi lang thang gần như tất cả chùa chiền ở Phan Rang. Đến hè, tôi về Ninh Chữ ở nhà bà Hai Mót (bà với mẹ tôi là bạn cũ). Mẹ tôi mỗi tuần đội gạo lứt muối mè nuôi tôi. Tôi ăn Oshawa mất 9 tháng trời (kiểu số 7). Ăn tại nhà bà nhưng lên chùa nhỏ tu. Nhớ, mẹ tôi đã rưng rưng nước mắt khi thấy tôi cạo trọc đầu. Rồi bà khóc. Bà nói tôi bị ma nhập, dẫn tôi qua ông thầy Pháp người Yuon đuổi tà ma cho tôi.
Lúc đó tôi chỉ đọc Phật, Heidegger và làm thơ. Sức sáng tạo tràn bờ. Ông sư chỉ đọc đến Kinh Pháp Cú là cùng, tôi đọc kinh Đại Thừa cao cấp. Tôi mới 21 tuổi, mà đọc kiểu đó là rất có hại. Tôi nghĩ có lẽ đó là lí do ông cho tôi “xuống núi”. Sau đó tôi không còn quay trở lại chùa đó nữa.
Tặng bạn Y-Yin 2 bài thơ ngắn làm thời gian đó.
1.
Về phơi tóc khói giữa bao la
Hồn cỏ rơm còn nhớ đến ta
Nằm lắng kiếp sau trong tĩnh dạ
Xóm xa vọng tiếng chó tru ma.
2.
Đạn bom biên giới đạch đùng
Ôm lưng em ngủ giữa vùng sao rơi
Nay mai nắng đổi mưa dời
Mồ sương đó hẹn chôn đời trâu hoang.
Lẽ nào đó là nguyên nhân, anh Inrasara? Có điều gì khuất tất không? Tôi cũng rất tò mò muốn biết chuyện này lắm. Cám ơn nhà thơ trước.
Bạn Nguyễn Anh Thy và bạn đọc thân mến
Xin phép tôi kể dông dài xíu. Thuớ ngồi ghế nhà trường, tôi chưa bao giờ là học sinh ngoan cả.
1. Ở Đại học, tập đặt câu tiếng Anh “Bởi vì… cho nên…” thay vì làm như mọi người, tôi viết: “Bởi vì đất nước ta vừa trải qua chiến tranh, nên chúng ta còn hạn chế về tự do”. Cô giáo bảo: Em sai rồi, tôi nói: Em đúng mà cô. Thế là trưởng lớp thọc mạnh cây thước vào hông tôi, nạt: Ngốc, sai là sai quan điểm. Chán vậy đó. (Chuyện này tôi đã kể rồi). Năm 2000 họp lớp cũ (lần đầu tiên và duy nhất tôi họp lớp cũ), kể chuyện này ra, cô giáo rất ngạc nhiên sao tôi nhớ dai thế.
2. Về chuyện “xuống núi”. Thuở ấy, hai lần tôi và sư tranh luận kịch liệt về Phật pháp. Sau này tôi biết sư nghĩ tôi quá kiêu ngạo về cái biết của mình (đúng, ngu vậy đó), nên ở lại chùa không tiện lắm. Tôi đã lỗi đạo, vì tranh luận với người tu hành thuần thành như sư là không nên. Buồn là tôi đã không có cơ hội nào chuộc lỗi. Tôi đi mất tiêu.
3. Thuở lớp 7 (Đệ Thất) tôi có lỗi tày trời khác. Cô Nguyễn Vân Như Ý qua lớp chúng tôi dạy Việt văn (thay thầy Ngũ?). Vào lớp, cô có thói quen nói: “các em ngồi xuống”. Cô nói giọng Huế rất khó nghe. Tôi ngồi bàn trên cùng, bắt chước cô, nói: “các em ngồi xuống”, và nhe rằng cười.
Một lần cô bảo cả lớp đứng dậy. Cô nói: “Ai đã NHẠI cô, tự nguyện đứng lên đi?”. Không ai tự nguyện cả. 2 phút, cô bảo nửa lớp bên kia ngồi xuống, nửa còn lại vẫn đứng yên. Rồi 3 bàn trên. Rồi bàn trên cùng có ba người. Vẫn không có ai giơ tay tự nguyện. Thế là cô bảo ba đứa ra ngoài (tôi, Xoài và Đảo), viết vào tờ giấy tên mình. Không ai cả. Thế là cô cho vào. Tôi nhớ đôi mắt cô hôm đó buồn rười rượi. Cô giảng bài qua loa rồi cho chúng tôi nghỉ. Từ đó cô không còn dạy lớp chúng tôi nữa.
Mãi 1977, vào Sài Gòn ở chung trọ với Triết bạn học người Huế, tôi mới hiểu ra Nhại tức là NHÁI. Từ đó mỗi lần nhớ đến cô tôi vô cùng ân hận. Lúc đó tôi hoàn toàn không hiểu chữ NHẠI là gì.
Kể chuyện này ra, tôi rất muốn nói lời xin lỗi cô giáo tài năng và yêu thương học sinh Chăm ấy. Và nếu may mắn hơn, ở đâu đó cô có đọc được dòng chữ này, cô hiểu được sự ngu ngốc vô tâm của tôi. Và nhận lời xin lỗi muộn màng này.
Chính vì lí do đó, tôi không muốn nói tên chùa và tên vị sư nơi tôi đã tu. Chuyện tế nhị. Vả lại có lẽ bây giờ vị sư ấy cũng đã nhập niết bàn rồi. Cầu bình an cho linh hồn sư!