Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm được thành lập ở tỉnh Ninh Thuận ngày 19-01-1993, bằng quyết định số 126QĐ/UB-NT với tên gọi ban đầu là Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Văn hóa Chăm (TTNC&ĐTVHC), trực thuộc Sở Văn hóa Thông tin &Thể thao. TTNC&ĐTVHC có nhiệm vụ nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn, khai thác và phát triển nền văn hóa của dân tộc Chăm trong phạm vi tỉnh Ninh Thuận và cả nước.
Bên cạnh đó, đào tạo và phát triển những mặt tích cực của nền văn hóa Chăm tiếp cận với thời đại mới, tạo điều kiện cho dân tộc Chăm giao lưu với các tộc người khác trong cộng đồng đa tộc người ở Việt Nam. Sau hơn 15 năm đi vào hoạt động, TTNC&ĐTVHC được đổi tên gọi mới bằng quyết định số 6834/QĐ-UBND ngày 19-11-2008 thành Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm (TTNCVHC) trực thuộc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Là một đơn vị sự nghiệp TTNCVHC có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và tài khoản riêng, thực hiện chức năng nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa Chăm như kiến trúc, điêu khắc, công cụ lao động, văn hóa dân gian, tín ngưỡng, phong tục, sưu tầm, lưu trữ thư tịch cổ, phim, ảnh tư liệu, trưng bày và giới thiệu các giá trị văn hóa Chăm đến với nhân dân trong nước và nước ngoài.
Qua 20 năm hình thành và phát triển (1993-2013) TTNCVHC đã ấn hành nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, hoàn thành nhiều đề tài, chuyên đề nghiên cứu, tiến hành chụp hình, quay phim, ghi âm, phỏng vấn sâu về lễ hội văn hóa của tộc người Chăm và Raglai. Hiện nay, TTNCVHC đã xây dựng được 03 phòng chuyên môn là Phòng Hành chính Tổng hợp, Phòng Nghiên cứu Sưu tầm và Phòng Lưu trữ Trưng bày. Nhìn lại một chặng đường đã qua, khi mới thành lập chỉ có 08 cán bộ với trình độ 03 đại học, 05 trung cấp và sơ cấp, đến nay tăng lên 18 cán bộ với trình độ 03 thạc sĩ, 13 đại học, 2 trung cấp và sơ cấp. Trải qua các thời kì lãnh đạo là Đình Hy, Lê Minh Phong, Trương Hiến Mai và Đàng Năng Thọ, TTNCVHC đã đạt được một thành quả đáng trân trọng.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, thực hiện 20 đề tài cấp cơ sở, 66 chuyên đề nghiên cứu, đã công bố 6 công trình: Truyện cổ dân gian Chăm (2000) do Trương Hiến Mai, Nguyễn Thị Bạch Cúc, Sử Văn Ngọc, Trương Tốn biên soạn, dịch và tuyển chọn. Lễ Nghi nông nghiệp truyền thống tộc người Chăm và Raglai tỉnh Ninh Thuận (2010) do tập thể các tác giả Ths. Nguyễn Thị Thu, Thập Liên Trưởng, Phạm Văn Thành, Thành Ngọc Trãi, Phạm Xuân Nam Hải và Quảng Đại Tuyên thực hiện. Trong đó, có 04 công trình của cá nhân Hệ thống thủy lợi và lễ nghi nông nghiệp cổ truyền Chăm Ninh Thuận-Bình Thuận (2002) của tác giả Trương Hiến Mai và Sử Văn Ngọc. Nghề gốm cổ truyền của người Chăm (2001), Lễ hội người Chăm (2003), Nghề dệt cổ truyền của người Chăm (2003) của tác giả Trượng Văn Món (Sakaya).
Trong lĩnh vực sưu tầm, đã sưu tầm được 53 cuốn thư tịch cổ viết trên lá buông và thỏi tre, sao chụp 254 cuốn phim thư tịch cổ, đầu tư mua trên 500 đầu sách và tạp chí phục vụ công tác nghiên cứu và bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, là bảo quản và kế thừa một nguồn tư liệu, phim ảnh quý của Trung tâm Văn hóa Chàm trước năm 1975 còn để lại. Công tác trưng bày, quảng bá văn hóa Chăm ngày được hoàn thiện, đã xây dựng được 02 khu trưng bày trong nhà và ngoài trời, giới thiệu về hình ảnh các đền tháp, chân dung cuộc sống hàng ngày, trang phục, nghề thủ công, công cụ sản xuất, âm nhạc, lễ hội, vật dụng sinh hoạt, mô hình không gian tín ngưỡng, tôn giáo và nhà ở của người Chăm.v.v.
Để có được những thành tựu trên là cả một quá trình lao động nghiêm túc và miệt mài của tập thể và từng cá nhân, sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận.
Tóm lại, trải qua 20 năm hình thành và phát triển Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, sưu tầm được nhiều tư liệu, thư tịch bằng chữ Chăm Akhar Thrah quý hiếm của cá nhân, gia đình đang lưu trữ trong các palei Chăm. Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm còn là địa chỉ đón tiếp lãnh đạo Đảng và Nhà nước cấp Trung ương, Đại sứ quán các nước, các nhà nghiên cứu, sinh viên, nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan và học tập./.