Trà Vigia. Sinh cùng năm, đồng hương, cùng dòng họ, đồng môn, nhưng hơn nửa đời hư bạn thân nhất trần đời quàng vai gác chân hắn muôn năm chê tôi. Thế rồi bỗng chốc vào buổi tối tháng 3-2008 đẹp trời tại góc quán cóc nhà quê trong men bia chếnh choáng, hắn nổi hứng khen tôi một tiếng để đời: “Mình nghĩ khuôn mặt văn hóa Champa hôm nay sẽ ra sao, nếu trời không sinh ra Sara?”.
Ba năm nằm trại Thái Lan, tháng 6-1994, trại sắp đóng cửa, ai không đủ tiêu chuẩn sang nước thứ ba định cư sẽ bị trả lại. Tôi nhắn hắn: Bồ về đi, cùng làm tạp chí Chăm với mình. Hắn về và… nằm dài. Tôi thúc tới, vẫn không hề hấn gì. Tôi kéo hắn [cùng Trầm Ngọc Lan] vào nằm lì nhà tôi thuê tại Tân Bình trọn tuần bao cơm, cà phê, bia bọt, chữ nghĩa hắn mới chịu vọt ra. Thế là mấy năm sau đó liên tù tì hắn ném cho tôi bao nhiêu là thơ với truyện ngắn:
– Sara toàn quyền sử dụng!
Tội vậy chớ. Trầm Ngọc Lan hai mươi năm trước hay Trần Wũ Khang mấy năm qua đều xử sự với tôi vậy cả – một giuộc. Làm như tôi là thứ kho lưu trữ tuyệt tác [hay rác rưởi] họ không bằng! Đạo sĩ Bà-la-môn không xem tác phẩm nghệ thuật như một thành quả phala để hưởng thụ, danh hay lợi hoặc gì gì khác. Một bài thơ xảy ra như nó phải xảy ra. Nó đến và ở lại với đời hay biến mất khỏi trần gian cũng do cơ duyên. Nó cần có mặt như nó phải thế, đúng lúc, dẫu đó là giờ phút muộn màng. Chớ có khờ mà mang tâm thế bồn chồn, chộn rộn với bèo nhèo, khi tuổi đời ta còn chưa kinh qua ba cứu cánh “tam chúng”, nhất là khi ta tác thi chưa sạch nước cản!
Inrasara, Hàng mã kí ức, 2011