Vấn đề Chăm hôm nay 01: Đại diện và nhân danh

Photo-Inrajaya02* Photo Inrajaya 02.

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, một nhà thơ dân tộc thiểu số lên phát biểu. Mào đầu, anh nói: “Tôi đại diện cho các nhà văn dân tộc thiểu số…”. Giờ giải lao, tôi đùa anh: Kì sau nếu có phát biểu, bạn có thể đại diện cho tất cả mọi người, nhưng hãy chừa tôi ra nhé. Bởi, bạn chưa được phép của tôi cho đại diện mà…

Vậy đó, chúng ta có thói quen “đại diện” hay “nhân danh”.

Một tờ báo, một trang web, hay một tổ chức bá vơ cũng kêu là đại diện cho dân tộc Chăm, rồi nhân danh cộng đồng Chăm gì gì đó. Cả các email kêu “đại diện đồng hương Chăm” hay “đại diện sinh viên Chăm” cũng thế. Tất cả không đại diện cho Chăm.

Theo tôi biết, ở hải ngoại, cộng đồng Chăm chưa có đại biểu do dân bầu cả. Cho nên, không có ai hay tập thể nào là đại diện chính thức. Nói đại diện [dân tộc] hay nhân danh [truyền thống văn hóa dân tộc] là nói liều. Ở trong nước, người đại diện chính thức của Chăm là Đàng Thị Mỹ Hương. Đơn giản, bởi chị được cộng đồng Chăm Ninh Thuận bầu lên. Mà ngay cả khi “được” bầu, nếu bạn không nói lên được tiếng nói của cộng đồng, bạn vẫn chưa xứng danh đại diện.

Cá nhân tôi, không ít nhà báo bảo: “Inrasara, nhà văn đại biểu dân tộc Chăm”. Tôi nói, tôi không đại diện cho ai cả. Tôi đại diện cho chính tôi thôi. Là chủ biên đặc san Tagalau, tôi có thể nói tôi đại diện cho đặc san này. Ngoài ra, không. Ngay cả đặc san Tagalau cũng không là tiếng nói đại diện cho cộng đồng Chăm nữa. Cho dù qua 13 kì, có đến non 200 tác giả Chăm tham gia viết bài. Mặc dù ở ngoài nước, ca sĩ Chế Linh và vài trí thức khác cho nó là “biểu trưng”. Hay trong nước, đại đa số bà con anh chị em Chăm – qua comment – tin yêu nó, chấp nhận đóng góp bài vở và tiền bạc nuôi dưỡng nó. Vậy mà Tagalau vẫn chưa là đại diện!

Như vậy, có hai loại đại diện: chính thức và không chính thức. Chính thức, khi ta được tập thể bầu lên. Hay khi cá nhân đại diện thảo đơn thư nào đó, bên dưới có những người được đại diện cùng kí tên. Không chính thức, khi tập thể lớn hay nhỏ nào đó, hoặc cá nhân ai đó – qua quá trình – đã tạo được uy tín với cộng đồng, được cộng đồng mặc nhiên công nhận là “tiếng nói đại diện”.

Ngược lại, chưa là gì cả mà nói “đại diện, nhân danh” là nói ăn gian. Còn nếu ta nhân danh “đại diện” dân tộc để tấn công cá nhân hay nhóm, tập thể nào đó, thái độ ăn gian càng lộ rõ.

Vô duyên!

 

Kì 2. Vấn đề Chăm hôm nay 01: Bằng cấp & khả năng

10 thoughts on “Vấn đề Chăm hôm nay 01: Đại diện và nhân danh

  1. Bài viết ngắn, đọc ngẫm nghĩ thấy thật thâm thuý vô cùng và đặc biệt rất đúng với bối cảnh xã hội, văn hoá dân tộc Chăm chúng ta đương thời. Hiện nay cả trong và ngoài nước có quá nhiều đại diện tự xưng là cơ quan, tổ chức, cá nhân đại diện cho dân tộc Chăm bé nhỏ đáng thương và chịu nhiều đau khổ này ” Cả dĩ vãng là chuỗi mồ vô tận/Cả tương lai là chuỗi huyệt chưa thành/Cũng đương chôn lặng lẽ những ngày xanh”. Tôi mong quý vị đừng nhân danh đại diện cho chúng tôi để xuyên tạc, hạ bệ, chụp mũ cộng đồng mình nữa. Đừng vạch áo cho người ta xem lưng, những chuyện cá nhân quá tầm phào – bằng giả, bằng thực, tiến sĩ này tiến sỹ nọ, mâu thuẫn, bất đồng quan điểm,… cũng đưa lên mạng cho thiên hạ đọc. Những chuyện này chỉ mang tính cá nhân và những cá nhân này cũng chẳng đại diện cho ai cả nên các cá nhân liên quan tự đóng cửa giải quyết. Cộng đồng Chăm chỉ muốn nghe và trân quý những việc làm có ích, mang tính xây dựng cộng đồng nhằm đưa dân tộc Chăm thoát khỏi cảnh đói nghèo, nâng cao dân trí, xã hội đoàn kết, tiến bộ sánh vai cùng với các dân tộc trên thế giới của tất cả con dân Chăm.

  2. Đề tài tưởng đơn giản “đại diện và nhân danh” mà Sara vẫn có chuyện để viết. Sara viết rất đơn giản mà thâm thúy đến lạ lùng. Nói nhẹ nhàng như vậy mới thấm. Cãi cọ to tiếng thì chỉ mình nghe thôi. Điếc tai người ta bỏ chạy hết. Nhà văn lớn là vậy.
    Hình ảnh đưa lên cũng có ý nghĩa. Quý bà người Chăm van lạy mấy ông trí thức chớ có to tiếng, om xòm nhau. Xấu hổ lắm. Không ai mời mình làm đại diện mà mình đại diện bừa thì là vô duyên quá cỡ.
    Karun Sara

  3. Bài này cei Inrasara viết để nói về quan điểm của mình, một bài viết có thể đã nói lên được tình hình chung của một số tổ chức hay hội đoàn Chăm… trong nước và hải ngoại. Gần đay tôi cũng thử đọc một số bài viết trên Champaka.info, Inrasara.com.v.v. Tôi thấy một số vị dùng từ ngữ hơi quá đà và không nên có trong phần trao đổi hoặc comment, có lẽ chăng do chúng ta chuyển ngữ từ Chăm sang Việt??? những từ ngữ mà tôi chỉ thấy ở ngoài đường ngoài chợ chứ không ngờ đây lại là những từ mà các vị có thể thốt ra được, nên tôi mạo mụi đặt thêm câu hỏi nữa, Phải chăng do ít đọc sách, báo… nên vốn từ vựng không đủ để diễn đạt??? Trao đổi bình luận hay góp ý, ngay cả những góp ý có sai lệch, không đúng đi nữa thì một người gọi là có học chúng ta phải biết cách trả lời sao cho có văn hóa nhất là đưa lên mạng có nhiều người đọc, chứ phải đâu đưa ra những từ ngữ không tốt đẹp nhục mạ nhau thì mới thỏa??? người đọc sẽ nghĩ mình là người như thế nào? Còn đại diện hay nhân danh ai cei Inra đã có nói trong bài tôi không bình luận gì thêm, tôi chỉ đau đáu một nỗi niềm là trí thức Chăm của mình hãy thương yêu nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và đặc biệt hơn trí thức trẻ chăm khi đọc bài viết của tác giả nào nên phân tích tháo đáo vấn đề rồi hãy bình luận gióp ý chứ vội vội vàng vàng là sẽ không hay lắm như comment của japluai ở trên là không ổn rồi, bởi sao Các bà đang lạy và cầu nguyện tổ tiên rất thiêng liêng trong ngày hành lễ tại nghĩa trang nhân dịp Ramuvan mà japluai dám nói là lạy mấy ông trí thức Chăm, như vậy có ổn không? Đôi lời mạn đàm về mấy việc đã lướt qua các trang WEB Chăm, mong rằng trang Inrasara.com có những bài viết hay và các bài bình luận đáng đọc và bớt đi những comment cay cú. Cuối cùng chúc cei Inra và mọi người luôn khỏe. Thân ái

  4. Bạn Loimek thân mến
    Cảm ơn bạn đã có ý kiến cần thiết. Bạn viết “Gần đây tôi cũng thử đọc một số bài viết trên Champaka.info, Inrasara.com.v.v. Tôi thấy một số vị dùng từ ngữ hơi quá đà…” . Xin trao đổi như sau:
    – Bạn thấy có bài nào “ng từ quá đà” trên Inrasara.com, xin cho biết nhé. BBT hứa sẽ sửa, biên tập hay cắt bỏ, nếu cần.
    – Riêng ở mục “phản hồi”, tôi tôn trọng tối đa tính dân chủ của độc giả, nên rất ít sửa hay bỏ đi. Nhiều phản hồi tốt, cần đăng. Trong bài đó, khi có từ ngữ nặng nề, tấn công cá nhân, hay gây chia rẽ dân tộc, tôi sẽ biên tập. Comment nào quá lắm, thì tôi cắt bỏ. Tôi cho rằng các độc giả trao đổi với nhau ở web này vẫn biết tôn trọng nhau. Còn nếu chỗ nào bạn thấy chưa hay lắm, xin góp ý cụ thể.
    – Câu Japluai chú thích về ảnh, tôi thấy đó chỉ là cách đùa nghịch”hậu hiện đại”, nên vẫn lưu, mà không cắt bỏ.
    Về phần mình, tôi xin không có ý kiến về các web của cá nhân hay tập thể người Chăm khác.

    Karun – Thuk siam
    Inrasara

  5. Bài này cei sara viết hay, sao có người trách cei hén!
    Tui thấy viết như thế là ngắn gọc, súc tích và rất có tâm.
    Đừng đưa web Champaka.info vào đây mà so sánh nhé.
    Hay!

  6. Cảm ơn a.Sara, một bài viết rất xúc tích, thiết phục và mang tính thực tiễn cao.
    Chúc anh sức khỏe và mọi điều an lành.

  7. Hồi chiều tôi có ghé đọc trang này và vấn đề anh Inra nêu ra tôi không bàn cải và những comment tôi không có ý kiến gì tôi chỉ có thắc mắc một điều thôi. Thú thực tôi cũng học chút ít nhưng từ nhỏ tôi cũng đi ” chém cỏ trên mộ” hay tảo mộ gì đó và xem làm lễ tại nghĩa trang nhưng tôi thấy các bà mẹ Chăm đưa tay lên đầu khấn vái cầu phúc cho con cháu, gia đình dòng tộc luôn được ơn trên, ông bà phù hộ, chứ chưa thấy họ lạy ai bao giờ. Chổ anh Inra giải thích tôi thấy chưa tháu đáo, đùa nghịch dù ở đâu đi nữa dù quá khứ, hiện tại hay tương lai dù hiện đại hay hậu hiện đại cũng không nên, đùa nghịch có chổ có nơi không phải muốn sao cũng được nhất là lễ giáo, phong tục, đạo giáo càng không nên . Hình ảnh đưa lên không tương thích với chủ đề và nội dung bài viết chổ này nên xem lại. Tôi cũng xin nhắc nhẹ thôi : Bà mẹ Chăm chỉ lạy ông bà tổ tiên, những người đêm lại hạnh phúc no ấm cho gia đình, dòng tộc ngoài ra không lạy ai cả.(một điều đứa con Chăm nào cũng phải biết: bà mẹ Chăm luôn luôn có lòng vị tha vô bờ bến dù con mình có sa ngã, có gì đi chăng nữa họ vẫn nặng lòng yêu thương vỗ về). Có vài lời vậy thôi, chúc Inra và gia quyến luôn mạnh khỏe

  8. Bạn đọc. mik wa và adei xa-ai ranam
    Xin hiểu cho một điều tuy nhỏ nhưng khá quan trọng: ảnh dùng trong bài viết có 2 mục đích:
    – minh họa cho bài viết
    – thuần túy trang trí. Ảnh ở bài “Đại diện” (Thành kính trước vong linh tổ tiên“), hay trước đó ở bài “Sợ hãi” (Nhà Chăm cổ) chỉ giúp trang trí là vậy.
    Tôi vừa nhận được của Inrajaya hơn trăm ảnh nghệ thuật (thu nhỏ), để dùng vào trang trí trang mạng khá thích hợp. Nó làm nhẹ đi không khí căng thẳng của vấn đề.
    Ranam

  9. Ý của Tuthu và Loimek là rất tốt. Tôi xin có ý kiến về 2 bạn đọc Tuthu và Loimek như sau:

    1/- Viết lời bình về hình ảnh không phải nhà văn Inrasara mà là Jabeh. Khi các bà mẹ Chăm lạy GHUR, tôi thường nghe có mấy lời khấn như thế này:
    – Cầu ông bà phù hộ con cháu, sức khỏe…
    – Cầu con cháu đoàn kết, không chia rẽ… Và nhiều nữa.
    Có lẽ dựa vào ý này mà Jabeh viết lời bình vui như thế (cầu ông bà can thiệp sao cho trí thức Chăm đừng cãi cọ nhau). Nhưng anh này viết theo giọng của mình nên có vẻ đùa cợt. Tôi không thấy có vấn đề gì trầm trọng cả.

    2/- Loimek đừng so sánh Champaka.info và Inrasara.com. Tôi không dám ý kiến về mạng trên, mà chỉ biết mạng nhà văn Inrasara chưa bao giờ mang cá nhân ai ra phê phán cả. Các tác giả viết ở mạng này chỉ đưa vấn đề ra bình luận thôi. Mà không vi phạm vào đời tư cá nhân.

    Chúc 2 anh vui vẻ

  10. Cei Inrasara và anh Thuận kính mến!
    Cháu thích trang Inrasara.com là vì lẽ đó, không đưa đời tư ra bình luân, một điều nói lên người biên tập rất bản lĩnh và cẩn thận. cháu viết lên vài ý nghĩ của mình là mong mọi người khi trao đổi và comment góp ý tích cực hơn để cung cấp các thông tin mình còn chưa biết, chứ không có ý so sánh trang nào cả, mục đích của cháu cũng nhằm làm giảm bớt các comment không hay trên trang đáng đọc này. Còn các trang web khác mọi người cũng sẽ đọc, phân tích bình luận và cảm nhận suy ngẫm cháu không có ý kiến. Chúc chú và anh luôn khỏe

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *