Tham luận tại Hội thảo “Văn học trung tâm/ ngoại biên: những vấn đề lí thuyết và lịch sử” tại Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 26-12-2012 của tôi dài 6 ngàn chữ. Ở hội trường, trong phạm vi mươi phút, tôi có bài phát biểu sau (thêm vài diễn giải để luận cứ rõ hơn).
1. Tôi là người thực hành. Làm thơ [hậu hiện đại] và viết phê bình thực hành [hậu hiện đại]. Đến nay, tôi đã “lập biên bản” trên trăm tác giả ngoại biên, ngoại vi (tác giả dân tộc thiểu số, nhà văn chưa là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cây bút ở vùng sâu vùng xa…) nhà văn hải ngoại, tác giả sáng tác ngoài lề, và cả ngoài luồng. Từ kinh nghiệm thực tiễn đó, tôi rút được vài bài học về lí thuyết.
Có nhà phê bình chỉ thấy đề tài lâu nay bị cấm kị như tính dục, đồng tính… được đề cập, thì cho rằng tác giả/ tác phẩm kia thuộc ngoại biên. Có người xét khía cạnh của đề tài: đời tư của anh hùng dân tộc chẳng hạn; thậm chí có người chỉ cần lẩy ra vài thủ pháp nghệ thuật khác biệt với lối viết truyền thống, đã kết luận đó là tác phẩm ngoại biên. Họ không sai, nhưng đó là lối nhận diện “ngoại biên” bất cập và chưa rốt ráo, nhất là trong hoàn cảnh văn học Việt Nam hiện nay. Hoàn cảnh văn học nơi ấy, Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội Văn học – Nghệ thuật địa phương là trung tâm thống ngự sinh hoạt chữ nghĩa; ở đó, cơ chế dù đã mở nhưng vẫn chưa từ bỏ ý hướng “định hướng” sáng tác của văn nghệ sĩ; và nhất là toàn bộ hệ thống in ấn và xuất bản vẫn còn nằm trong quyền kiểm soát của nhà nước. Hoàn cảnh đó, chỉ có trào lưu văn học hậu hiện đại mới mang tính “ngoại biên” đúng nghĩa và đầy đủ nhất của từ này.
2. Nhà văn hậu hiện đại mang cảm thức hậu hiện đại, từ đó dẫn đến hành động đẫm tính “ngoại biên”. Hành động này biểu hiện qua:
Tâm lí
Dù hậu hiện đại chủ trương phi tâm hóa, nhưng ở thời điểm hiện tại, nó luôn hướng về ngoại biên, về bộ phận thiểu số, thân phận bên lề. Nó luôn ở thế sẵn sàng đối kháng với văn học trung tâm ở nhiều khía cạnh. Đại đa số nhà văn hậu hiện đại không ý định vào hội đoàn chính thống các loại. Nhất là, văn học ngoại biên này không tham vọng đánh bật văn học trung tâm để chính mình trở thành trung tâm.
Cách viết
Nhà văn hậu hiện đại sử dụng nhiều thủ pháp chưa từng có mặt trong lịch sử văn chương tiếng Việt. Lắm lúc, vài thủ pháp cũ dùng lại chỉ với mục đích giễu nhại.
Cách xuất hiện
Vì đối kháng với văn học chính lưu, các nhà văn hậu hiện đại chọn mạng để xuất bản tác phẩm của mình, hoặc chọn in ở các nhà xuất bản ngoài luồng, hay tùy nghi. Cách công bố tác phẩm của Bùi Chát, Lê Vĩnh Tài, Tuệ Nguyên, Lưu Mêlan… trong mấy năm qua được xem là rất tiêu biểu.
Và hành động
Đại bộ phận nhà văn hậu hiện đại hành nghề tự do, không bám vào cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan có quan hệ với chữ nghĩa, thậm chí có bộ phận chấp nhận sống “vỉa hè”.
Thấm nhuần phương châm hậu hiện đại: “Suy tư toàn cầu, hành động địa phương”, văn nghệ sĩ “sống” cùng hiện thực đất nước, thời đại. Tạm nêu ví dụ: Trước Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa kì 1, chỉ có nhà văn hậu hiện đại nhập cuộc, nhà văn chính thống thì không. Đến kì 2, khi nhà văn chính thống – sau khi được phép – chỉ “dám” chống Trung Quốc, thì chính văn nghệ sĩ hậu hiện đại phơi bày những hành vi dọa nạt, trấn áp ở ngày trung tâm thành phố Hà Nội, Sài Gòn mỗi cuối tuần.
Ví dụ khác. Trong Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu, năm 2007, nhà thơ hiện đại Dương Tường đã quấn giấy vệ sinh khắp người trình diễn trên sân khấu, để một nhà thơ nữ cởi từng vòng giấy cho lộ nguyên hình hài nhà thơ, một nhà thơ như thực, không trang trí, không mặt nạ. Quá ư là lãng mạn.
Hay! Nhưng đó là cái hay hiện đại. Nghệ sĩ hậu hiện đại Lê Anh Hoài qua tác phẩm Cắt (1-6-2011) đã rất khác. Khác biệt ở bốn điểm chính. Thứ nhất, nó không diễn trên sân khấu được cấp phép mà tại không gian phá cách của nhóm Khoan cắt Bê tông (quận Thủ Đức, TP. HCM). Thứ hai, tác phẩm được gợi hứng từ hiện thực cụ thể ngay sau sự kiện tàu hải giám Trung Quốc cắt dây cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam. Cũng bằng những cuộn giấy các loại [có cả giấy vệ sinh], thân mình người nghệ sĩ bị khống chế, bị trói buộc, bị vây bọc nằm quằn quại đau đớn, để những người tham dự bắt đầu “cắt” cho đến khi anh hoàn toàn trần truồng, cho lộ ra bản đồ Việt Nam với lấm chấm đảo Hoàng Sa và Trường Sa đầy máu me loang lổ. Qua đó, thứ ba, người nghệ sĩ trình diễn Cắt không làm “nghệ thuật thuần túy” mà động đến hiện thực chính trị xã hội đương thời – một hiện thực nhạy cảm nhất, chắc chắn thế. Cuối cùng, tác phẩm “diễn ra” chỉ trong nửa tiếng đồng hồ rồi tự hủy. Không hao tốn đồng xu tiền thuế của dân, không họp hành, không lên kế hoạch, không kiểm điểm…
So sánh hai tác phẩm Bay cùng Vili của Vi Thùy Linh (tối 1-12-2012) và Tôi là cột điện cũng của Lê Anh Hoài (chiều 14-6-2008), ta càng nhận rõ hơn sự nhảm nhí và phù phiếm của tác phẩm “hiện đại” trên, một đối trọng không thể tiêu biểu hơn khi đặt bên tác phẩm đẫm chất hiện thực của một nghệ sĩ hậu hiện đại.
3. Trào lưu hậu hiện đại Việt Nam [đại biểu xứng đáng của văn học ngoại biên hôm nay] chẳng những làm đa dạng hóa văn học Việt Nam đương đại, nó còn thúc đẩy văn học chính lưu thay đổi. Đồng thời, qua tinh thần phi nghiêm cẩn (non-seriousness), hậu hiện đại còn trao cho văn học Việt Nam cơ hội cắt đứt mọi trịnh trọng, để đùa nghịch. Hơn thế, nó tạo niềm tin cho kẻ sáng tạo, nhất là những người mới vào cuộc; họ tự do viết, tự do thể hiện tư tưởng mình, có điều kiện in ấn, xuất hiện… là điều thiết yếu thúc đẩy quyền tự do tối thượng của kẻ sáng tạo. Từ đó, trào lưu hậu hiện đại góp phần đánh thức ý thức tự do, dân chủ và trách nhiệm công dân nơi mỗi nghệ sĩ sáng tạo. Cuối cùng, hậu hiện đại chấp nhận Cái Khác The Others, và đòi hỏi những Cái Khác cần được đối xử bình đẳng với cái vốn được xem là chính thống, trung tâm. Tôi gọi đó là Đức lí hậu hiện đại.
______
Chú thích:
Hai ảnh trên lấy từ “Đi xem Lê Anh Hoài diễn Cắt – Cut”, Soi.
Hai ảnh trên lấy từ Vanchuongviet.org.