Chân dung Cát 16: Tinh thần ẩn cư

Khuya, Văn Khâm một mình đón xe đò vào thành phố. Từ đó không ai còn nghe, biết anh sống hay chết ở đâu nữa. Thuman bảo đó là tự vẫn tinh thần không khác bao nhiêu với tự tử thể xác của Tuy – Tuấn Tú mà trí thông minh chịu đựng hết thấu tấm áo quá chật lại ướt do chính mình tự mặc. Hay Vang – Thành Tín mà bộ thần kinh nhạy không thích ứng nổi tốc độ vùn vụt của dòng sống mới qua nếp nghĩ mới cách làm mới của thế hệ mới ào ào tới xô tất cả suy nghĩ cũ rích như miếng giẻ rách của lịch sử vào hậu trường.

Dù triết lí tự tử được khai sinh tại Chakleng, tiếc là dân đất này chưa có mống nào chịu cụ thể hóa nó cả, tôi đùa Thuman, bụt chùa nhà không thiêng là vậy. Hắn nói một sáng tạo lớn không bị đánh đổ bởi thái độ nhạo báng mà bởi một sáng tạo lớn hơn, sâu thẳm hơn. Còn dân Chakleng à? Sống kiểu đó có khác gì tự tử, một tự tử tập thể, một đại tự tử. Chỉ kẻ có đầu óc bệnh hoạn mới gọi các đại biểu cộng đồng bệnh hoạn kia là những nghệ sĩ dân gian. Ôi, con quỳ lạy Chúa trên trời!

Nhạo thiên hạ (dĩ nhiên tôi là kẻ đầu bảng hắn nhắm tới), nhưng Thuman có đang tự vẫn không? Hay Trà Chân? Nếu mọi người cứ tìm cho mình cái chòi cô độc để chúi nhủi như loài ốc ma thì còn đâu trí tuệ xã hội được huy động cho công cuộc tái thiết. Những trang Bút kí triết học của Trà Chân để làm gì, dù nó không mất lòng ai và anh đã chịu hai mươi năm cày thuê nuôi vợ con ổn định đâu vào đấy mà đẻ ra nó? Hay các Ghi chú văn học lẩm cẩm của nhà đại chuyên gia mỗi ngày gánh trách nhiệm rặn ra cho kì được một cái mới Thuman? Những ý tưởng siêu đẳng kia có dám đối mặt với xã hội phức tạp và sôi động này không, hay chỉ để tự tố giác thói ích kỉ ở đẳng cấp khác của chủ nhân chúng?

Đàng John Thak đã đặt hàng loạt câu hỏi đó với tôi ngay lần gặp đầu tiên sau mười năm xa tại quán bia nằm ngay nách Sở Thú khi tôi thông tin chuyện Văn Khâm với vụ vài bạn học thời Pô-Klong đã tự cắt khẩu. Một chiều đáng làm lễ kỉ niệm. Hắn mời gần như tất cả anh em ra dáng ở Sàigòn. Cả mấy nữ sinh viên nữa – như chất phụ gia cần thiết cho buổi họp mặt tăng phần long trọng.

– Chúng ta đã mang cõng tinh thần ẩn cư truyền kiếp từ mấy chục thế kỉ nay rồi, có được con người như Thuman, Trà Chân đã là khá. Tôi nói, giọng nghiêm trọng với giả đạo đức đáo để.

Thế là hắn tấn công tôi bảo tôi bao che (tôi có quyền hành gì mà bao che) cho tư tưởng cầu an yếm thế, biện hộ loại hành vi của những kẻ đáng dẫn đi bắn bỏ. Nếu mấy thứ tư tưởng ru rú sợ phiêu lưu, sợ cái xa lạ bám rễ đầu óc chúng ta thì xã hội này ì ạch mấy chục năm nữa chưa nhấc đít nổi là cái chắc. Hắn hăng hái đến sùi bọt hai mép mà không chú ý lau nó đi.

– Như vậy làm sao thanh niên thôi mang tư tưởng cầu an yếm thế? Một sinh viên hỏi.

– Tuyệt đối cần thiết giáo dục tư tưởng mới cho thế hệ trẻ.

– Tư tưởng mới nào, thưa chú?

– Những tư tưởng tiên tiến.

– Ai sẽ đứng ra gõ đầu họ đây? Một đàn ông tôi không quen, hỏi. Trong khi giáo dục công dân là trách nhiệm của Nhà nước.

– Dzô đi! Vài giọng khác.

– Ừ, trăm phần trăm đi.

Chiều hôm đó, tư tưởng kiểu mới của Chăm kiều Đàng John Thak bị nhấn chìm trong dòng thác bia chính hắn bỏ tiền ra mua. Dòng thác này sáng hôm sau tiếp tục cuốn hắn trôi qua Thái Bình Dương giạt vào chân trời nào xa lắm.

Inrasara, Chân dung Cát, 2006

One thought on “Chân dung Cát 16: Tinh thần ẩn cư

  1. Anh Inrasara ơi. Em vừa gởi email đến anh (địa chỉ inrasara@yahoo.com) từ hộp thư của em (halkirkwa@gmail.com) . Em xin nhắn ở đây nữa để xác nhận là thư của em. Anh check nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *