Sợ hãi! Ông Than Kon đã thấy nó, phía trước, phía sau, bên trên, bên dưới, xung quanh ông. Ông nhận mặt nó ngay chính diện, bề ngang, chiều sâu, mặt trái. Nó tiến gần hay lùi xa. Lúc ông ăn, ngủ, đi, đứng, nằm, ngồi, ỉa, đái nó có mặt. Ông đối mặt nó, chạm vào nó, quay lưng hay hèn nhát chạy trốn nó. Nó đuổi theo ông, vờn ông, doạ nạt hay mơn trớn vuốt ve ông. Nó cười tình, áp sát, vồ chụp, ôm hôn dồn dập ông. Sợ hãi dồi tung hay nâng đỡ định mệnh con người, hình thành hay hủy phá cấu trúc tư tưởng, triết học, ý thức hệ… Nó khiến Pơ Ngang mới ngoài ba mươi mà đã trầm trọng chứng đau lưng bởi luồn cúi mỗi ngày dăm bảy bận. Nó xúi ngài giáo sư Trần Hùng khệnh khạng ưỡn bộ ngực lép rất siêu thực omega trước đám đông trí thức Chăm. Ông nhìn thấy nó trên khuôn mặt của ông của tôi của Thuman của Dhan Than của tất cả con người đã từng đi vào và đi ra Chakleng, hằng ngày. Nụ cười thoảng qua hay nét lo âu in đậm. Chiếu bệnh hay giường đẻ, cổng nghĩa trang hay giàn lửa. Trong đám đông và trong cô đơn. Trẻ, già, đàn ông, phụ nữ, thậm chí nhập nhằng hai giới. Đập phá, quay lưng, muốn lên núi tu, không làm gì cả hoặc làm tất cả; nhập thế, xốc vác xã hội, đọc sách, viết lách, đấu tranh cho chính nghĩa, hy sinh, bổn phận… nó cứ có đó. Lù lù khệnh khạng hay mờ mờ sương khói. Như đợt sóng lớp này tiếp lớp kia, ồn ào hay câm lặng, lộ diện hoặc giấu mặt, nhưng không bao giờ biến mất. Giữa ban ngày, trong vui sướng ngất trời cả lúc đớn đau tuyệt vọng đến không thể sợ hãi nổi nữa – nó vẫn có mặt. Như cái bóng ông, cái bóng của cái bóng ông bởi nó có mặt cả trong đêm tối thăm thẳm của trời đất lẫn định mệnh ông…
Như một đêm kia, trong trận đột hứng cuồng nộ Than Kon đã đập vỡ bình trà chạy vào trời mưa gió lồng lộng hét lớn: các người đang mang bệnh sợ hãi, càng lúc càng sợ hãi một cách bệnh hoạn hỡi các người bệnh hoạn kia! Các người đang sụp đổ tàn phế hỡi các người sợ hãi đầy bệnh hoạn kia… Ông tiếp tục chạy và hét, hét to hơn nữa, hét cả bài thơ kinh buổi tận thế Dhan Than từng đọc trước lúc nhập định: Di ong nưmas sibac kayong… Ni swattik sidhik… AUM… Tiếng hét ông xuyên mưa gió dội vào thành đêm, vang to đến nỗi tay đốt than tận núi Cabbang cũng nghe được – đồn thế. Ngay sau đó ông ngã quỵ trong mưa, cấm khẩu nguyên một năm trời mới chết. Sau đám thiêu, dân Chakleng còn nghe hãi khi nhìn thấy cái bóng to kềnh của ông hiện về lồ lộ ba đêm liền cạnh bìa rừng mới chịu đi hẳn.
Inrasara, Chân dung Cát, 2006