Sau bài này, Inrasara ra Hà Nội dự Hội thảo Việt Nam học, Inrasara.com tạm nghỉ Đông 1 tuần.
Kajap karo thuk siam!
1.
Cái xóm nhỏ quê tôi đang yên đang lành, bỗng một tối không trăng kia, vài ba gia đình có vẻ danh giá nổi đình nổi đám chửi nhau. Tiếng la hét quá xá quà xa. Đổ máu tới nơi rồi. Thế là cả xóm nháo nhào chạy tới. Thêm mấy chục cư dân ở làng bên cũng đổ đến xem. Một người biết chuyện lên tiếng can:
– Thôi các bác cho tụi em xin…
Tưởng yên. Vài hôm sau trận cãi vã lại nổ ra, dường to cồ hơn. Bao nhiêu lời lẽ dơ dáy, bao nhiêu phân rác họ ném bừa vào nhau, tung tóe sang mấy nhà kế cận.
– Toi rồi, bà con ơi, chết tới nơi rồi…
Mọi người chạy trờ tới. Lại can gián. Rồi thêm món dọn dẹp vệ sinh. Người lớn réo đám trẻ lánh xa ra, chớ có lởn vởn mà dính đòn. Ngày thứ ba, ngày thứ tư… Cứ thế. Người tới xem thưa dần rồi vắng ngắt. Cũng chả có ma nào thèm can nữa. Mạnh ai nấy cắn răng nghiến lợi lo dọn rác nhà mình.
– Thôi thì chịu vậy. – Một lão chăn cừu thuê, nói.
– Nhưng làm sao đây? Bao nhiêu mùi thối hoắc bay sang nhà ta, lan sang cả xóm ta mà cụ bảo im sao đặng?
– Thì cứ bịt mũi, nhét bông gòn vào lỗ tai là xong thôi mà…
À, cái lão rọm kia nói vậy lại nghe được. Thế là cả xóm cứ thế mà làm.
Ba năm trôi qua…
Một chiều thu nọ, có thằng bé làng bên sang chơi, thấy lạ, nó kêu lên:
– Sao cả xóm lại đi bịt mũi, còn hai tai thì nhét đầy cái bông gòn vậy cà?
– Thối… thối… – Vài tiếng rên khịt khịt.
– Có mùi gì đâu? – Nó la lên.
Mấy bà hứ lên vài tiếng, nhưng cũng thử rút mớ bông gòn ra…
– À, có mùi gì đâu! – Họ nói sau vài cái hít hà…
Mấy ông trí thức ra vẻ cẩn thận hơn, nghe mấy mụ nói quá cũng chịu… rút. Lạ quá hà! Mùi tiêu biến đâu hết rồi? Té ra, ba cái nhà kia ném nhau găng quá đến hết trơn trọi đám phân, thế là họ lượm phân khô, phân cũ mà ném vào nhau. Mà phân khô từ năm nảo năm nao rồi có cho tiền cũng không tài nào phát ra nổi nữa cái mùi thối…
2. Chuyện cắc cớ là trong cái xóm nhỏ kia có một anh chàng nghe đồn võ nghệ hơi bị… cao. Thế là vài tay mới học lóm võ Tây về đòi thách đấu. Chàng kia làm kiêu không chịu. Hắn bảo:
– Đấu thì phải đồng hạng mới ra trò. Chớ hạng ruồi mà thách đấu với hạng nặng, thì cả WBO lẫn IBF có mọc sừng tamuh take cũng không dám. Hội Nhân quyền quốc tế kiện có mà chạy mất dép. Vậy mà mấy tay kia cứ một mực đòi thượng đài…
– Ừa thì thượng… Nhưng các ngươi phải đi tẩm sâm bổ lượng sao cho tăng cân ngang ngang ta mới đặng chớ.
Thế là cả bọn vét túi rủ nhau sang tận xứ Cao Ly tọng vào bao nhiêu là thứ… Sau bốn năm chẵn tẩm bổ, họ đồng loạt lên được hạng bán… lông.
– Chưa được. Ít ra cũng phải siêu nhẹ. Bởi thời gian các ngươi tẩm đó thì ta đã lên siêu… nặng mẹ rồi. Làng xóm chê ta hèn thì ta cũng chịu, chứ đánh nhà ngươi bẹp gí, có mà đi tù.
Vẫn chưa chịu. Mấy tay kia chấp nhận kí giấy bảo đảm đánh chết bỏ. Cuối cùng, không thể lảng tránh mãi được, chàng ta liền nghĩ ra một mánh hơi bị độc. Hôm thượng đài, làng trên xóm dưới kéo nhau tới xem như xem Lệ Thủy hát vọng cổ. Và kết cục bất ngờ nhất đã xảy ra: Nhà vô địch siêu nặng đầy kiêu ngạo kia đã bị cái tay bán… lông cho đo ván ở cuối hiệp một.
Ngụ ngôn tới đây là hết. Nhưng Chay Mala tôi cứ khoái chú thích thừa. Nói là thừa, vì người sáng dạ tí ti cũng bắt bài cái mánh độc kia, miễn nói thêm. Số là, ở giữa hiệp, mới bị đấm trúng cái lưng mà võ sĩ siêu nặng cao ngạo đã xiểng liểng, buộc trọng tài đếm. Đến cuối hiệp, vừa dính đòn vào bả vai thì anh chàng đã gục rất có bài. Trọng tài quyết định rung chuông dừng trận đấu và tuyên nhà bán lông thắng nốc-ao kĩ thuật.
– Đánh giả, đấu giả… – Sáng hôm sau bà con hiểu ra, kêu lên oi ỏi.
Mặc WBO mở cuộc điều tra, võ sĩ bán lông vẫn tự tuyên bố vô địch bằng PHÉP THẮNG LỢI TINH THẦN [theo môn phái hậu Chí Phèo].
Sau vụ đó, xóm nhỏ tôi có còn ai đòi thách đấu với ai nữa không thì Chay Mala hổng đoán biết được. Chỉ thấy là từ đó võ sĩ siêu nặng nhà ta bị bà xã cấm thượng đài vĩnh viễn, vì đã dám lừa… vợ.
Mùa Katê. Thực tế văn hóa Chăm mai một đi nhiều quá. Vẫn còn may có một người con ưu tú của vương triều một thủa lừng danh. Nhưng nhà thơ ơi… cứ cái đà làm con dân của một nước nhược tiểu xuống cấp tinh thần yêu nước như hôm nay, có lẽ chẳng bao lâu dân Viêt cũng giống như dân Chămpa mà thôi. Đến lúc ấy nhà thơ Inrasara đi về phương nam giữa trưa hè nóng như đổ lửa mà hét lên rằng… một con ngựa đổi nửa vương quốc ai có chấp nhận không…