Chính nhờ theo học môn võ yoga của Dhan Than mà tôi biết ơn ngài giáo sư Trần Hùng về khái niệm tinh thần ẩn cư Chăm. Mấy lần nhìn tôi luyện quyền thiếu lâm học lóm trong thời gian trôi giạt Nha Trang, ông ngắt nhỏ tôi hỏi chuyện và nói cái ý định muốn truyền môn võ bí truyền cho tôi. Tôi sửng sốt. Như để gây tin tưởng, ông xuống tấn bảo tôi song phi (đây có lẽ ngón ruột ông trình làng về cái tôi của ông mà tôi biết). Không cần thực hiện, nhìn ông đứng tấn, tôi hiểu đây là bậc đại võ sư chính hiệu. Dù là ông họ nội lâu nay tôi gọi ông, nhưng từ hôm nhập môn tôi phải gọi ông bằng Gru (dĩ nhiên chỉ riêng thầy trò biết với nhau – tuyệt mật). Ông đưa cho tôi tờ báo cũ viết về võ sư Hồ Ngạnh thầy dạy võ Thái tử Quang Toản, bảo tổ sư của ông cùng môn phái với ông này. Ngọn roi dài bảy sải (thứ roi mây chỉ đất Bình Định mới có) đánh giải vây hay làm tiêu hao sức lực đối thủ trong không gian rộng, ví roi bị chặt cụt thì nó lại rất thích hợp với lối đánh một chọi một trực diện lợi hại. Các cú đá bắt chước loài bò mà vùng tiếp xúc giới hạn từ hông trở xuống. Đòn tay điểm huyệt. Lối thở quái dị… Suốt năm ròng tôi bị hành hạ như thế lặp đi lặp lại hoài hủy bằng lối dạy quá ư phản khoa học. Cho đến khi ông bắt tôi uống thứ nước tiểu sản phụ trộn với nước rễ cây hôi rình thì tôi hết chịu nổi. Quỳ gối trước tô dung dịch có quỷ mới hiểu nó là quái gì này, để chuẩn bị cho buổi nhập môn bí ẩn và long trọng, liếc thấy ông lơ ý, tôi liền bỏ chạy.
Năm đó tôi đúng 22 tuổi, cũng là năm ông bỏ làng ra đi. Tôi hiểu môn võ yoga kia thất truyền ngay bước chân đầu tiên của ông bước khỏi làng Chakleng quá ư lắm sự này. Cùng ra đi với ông là hòm gỗ chất đầy bản chép tay cổ gồm mấy chục bài phù chú dài riêng ông có, hình vẽ các thế võ, bài chữa bệnh bằng lối đọc mẫu tự từ dưới ngược lên, tên và tính cách (không kê tiểu sử) các võ sư thuộc môn phái, từ vựng thần bí hay kiêng kị, các bài thơ trời ơi, vân vân và vân vân. Chúng ra đi không để lại dấu vết. Và vĩnh viễn. Không ai biết chúng từng có mặt bởi mớ tạp nham ấy đã hay mãi không là nhu yếu phẩm tinh thần của quần chúng Chăm hiện đại. Cả lúc có mặt, chúng còn vô danh hơn cả di sản văn hóa Champa đã mất: cách đóng tàu, phép tính phương hướng cho tàu viễn dương, toán học và vật lý học, hóa học và y học… là thứ luôn gây hứng thú đồng thời làm đau đầu giới nghiên cứu.
Ngài giáo sư Trần Hùng gọi ông là Arhat quái dị. Con người lý tưởng của Bà-la-môn là đạo sĩ lánh đời, trốn đời và thoát khỏi đời khi đạt giác ngộ. Văn hóa Champa bú mớm từ nguồn sữa tinh thần này nên bị đánh cho tan tác bởi văn hóa Đại Việt chủ yếu hun đúc bằng tư tưởng Khổng Mạnh mà con người lý tưởng là kẻ sĩ dấn thân, Đại trượng phu gánh vác việc đời hay ở bậc “thấp hơn” – Bồ tát của Phật giáo Đại thừa nhập thế cứu độ chúng sinh khốn khổ. Các tri thức tinh túy nhất của tài năng Chăm (tài năng thực thì luôn hiếm) không được phổ biến rộng trong quần chúng mà chỉ truyền dạy cho rất ít người hay như Dhan Than, sống để lòng chết mang lên giàn lửa đã đốt cháy thi thể còn săn chắc ông vào một trưa nắng năm xưa cùng ít giọt nước mắt nuối tiếc của tên đồ đệ duy nhất là cái thằng tôi trót phản bội lý tưởng ông bất đắc dĩ.
Nhưng đây chưa phải là hạt giống Arhat cuối cùng. Ông chết, Chế Khan đã là một kẻ kế vị xứng đáng.
Inrasara, Chân dung Cát, 2006