Buổi chiều Hamutanran đã tàn, ánh nắng Parang gay gắt yếu dần dưới chân đồi. Dưới những lùm lá xum xuê không còn le lói những tia nắng ban trưa nữa và những đàn chim chóc kêu ríu rít kéo nhau về tổ… là lúc Ja Thắng vội bước lùa đàn cừu về chuồng trú ngủ sau một ngày du phương mệt mỏi.
Hình ảnh một cậu trai đội nón tai bèo với bộ đồ lao động rách rưới và nẹp sau lưng những cuốn sách theo sau đàn cừu – cứ mỗi sáng sớm hay chiều tối đã quen thuộc với người dân aKok ribaong canh* này hơn năm năm nay rồi. Nhưng họ không hết lời ngợi khen cậu trai hiếu học lại siêng làm.
Cứ mỗi buổi học về Ja Thắng lại lẹ chân đạp xe cho kịp buổi chiều chăn cừu. Ánh nắng Panrang hanh hao đã ăn sâu vào da thịt ja Thắng, nước da nâu săn chắc của cậu con trai Chăm chịu thương chịu khó, dáng vẻ hao gầy của con người lao động và suy tư.
Cuộc sống quá đắng cay nhưng có bao giờ Ja Thắng chịu bó tay trước thời cuộc. Giữa đồi hoang ja Thắng vẫn thường cất cao tiếng hát:
“Bà mẹ Chăm lặn lội,
rét run người đầu đội gạo đường xa,
nắng táp mưa sa mẹ già lê bước…”
và đàn cừu vẫn bình an gặm no cỏ.
Giữa rừng hoang- từng trang sách cứ lật mở đón chào Ja Thắng vào đời – con mắt ấy cứ mong về một vùng trời xa xăm tươi sáng. Nổ lực của cuộc sống đã chiến thắng hoàn cảnh cay nghiệt của em. Có bao giờ Ja Thắng than phiền một lời nào nơi trần cuộc đắng cay. Dù mệt mỏi đến đâu đắng chát cỡ nào trên môi Ja Thắng vẫn nở nụ cười tươi với người mẹ già cặm cụi âu lo, mái tóc cha ngày thêm điểm bạc.
Cứ mỗi lần lạc mất cừu, Ja Thắng cố sức đi tìm, tìm đến khi nào mặt trời chẳng còn nữa trên sườn núi và màn đêm buông chụp xuống khu rừng tối mịt Ja Thắng mới chịu về. Lúc tìm được, lúc không. Tìm được thì chẳng nói gì, hẳn là khuôn mặt Ja Thắng tươi tỉnh lên và bắt đầu với một đêm học bài thản nhiên và thoải mái. Còn không… ôi! Sao mà tội cho em tôi, nửa chén cơm Ja Thắng chẳng nuốt được, một giọt nước chẳng uống cho xong. Một màn đêm dài dặc lại đến, có lẽ trong bài học Ja Thắng ẩn hiện hình dáng của những con cừu lạc mất kêu “bê, bê”, Ja Thắng gắng gượng quên đi nhưng sao nó cứ hiện về -mong cho màn đêm trôi đi thật nhanh để sớm tinh mơ khi giọt sương vẫn còn rơi rớt buốt lạnh Ja Thắng cùng với amư đi tìm cừu cho kịp buổi học sáng nay.
Đã rất nhiều lần như vậy, nhưng đàn cừu hơn ba trăm con của người ta không mất con nào hơn năm năm nay. Chủ cừu thường hay khen đùa:
– Ja Thắng giống như máy đếm vậy đó, chỉ lép nhép cái miệng, chỉ tay nọ nọ kia kia mà đã đủ ba trăm con chẳng thiếu con nào.
Thật đúng vậy, Ja Thắng đếm cừu rất nhanh. Chăn cừu đã vậy nhưng học thì khỏi phải nói, cả trường Trung học phổ thông An Phước ai chẳng biết tên em “đứa chăn cừu lại học giỏi”. Đã ba năm liền đạt thành tích học sinh tiên tiến với số điểm rất cao các môn tự nhiên.
Ngày tháng trôi đi, cuộc đời đã không phụ bạc em – kì thi tốt nghiệp phổ thông, em đạt điểm rất cao và bước qua kì thi Đại học với một sức mạnh vượt bậc (tất nhiên so với một số người đạt điểm cao nhưng có điều kiên học tập thì khác), em đã đậu hai trường Đại học và một trường Cao đẳng đạt điểm tối đa. Cả ba ngành đều là ngành của bao nhiêu người mong mỏi mà không thể với tới. Một niềm vui lớn đến với cả gia đình, cuộc đời rộng mở vòng tay đón nhận một nhân tài. Ja Thắng chọn trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp bước cho cuộc đời mình, với hy vọng sẽ làm thay đổi được cảnh đời khó khăn.
Nhưng niềm vui có bao nhiêu thì nỗi buồn tràn trề.
Ja Thắng nhìn vào mắt mẹ – một niềm vui rạng ngời nơi ấy và cũng nơi ấy có một nỗi lo lớn lao sâu thẳm va buồn rầu. Ja Thắng hiểu mẹ, yêu thương mẹ nhưng biết làm gì đây. Hình như hôm nay Ja Thắng mới thấy rõ mái tóc mẹ đã điểm màu sương, khuôn mặt mẹ hằn sâu những nếp chân chim lõa lồ, thân mẹ gầy lắm. Nước mắt ja Thắng ứa mờ đôi mắt như muốn nói rằng “con thương mẹ nhiều lắm”.
Hãy nói lời yêu thương khi mẹ còn sống
mẹ đi rồi con biết nói với ai.
Còn mẹ, đôi mắt thâm sâu lại ưa ứa nước mắt – tội vì con vất vả trăm bề, thương vì nghèo chẳng đủ tiền nuôi con. Mẹ biết tính Ja Thắng nên cũng chẳng dám than vang. Con đường đại học đắng cay lắm, nhưng mẹ vẫn ráng, dù đắng cay hơn nữa bà cũng quen rồi.
Bữa tiệc đạm bạc tiễn Ja Thắng đi học. Gia đình, bạn bè chúc tụng chân cứng đá mềm đường xa dài dặc.
Lần trở về ôi! Sao mẹ gầy quá, bộ đồ trước đây mẹ mặc nay chẳng vừa – nó lớn thòng lòng mà thân mẹ càng teo. Mái tóc cha thêm bạc, đôi tay sần sùi của cha nay gầy hẳn đi.
Cha mẹ lắng lo năm canh dài chẳng ngủ
Ôi! Cuộc đời sao đắng thế người ơi.
Ja Thắng lại đi, lần ra đi của một lần trở về. Cuộc hành trình trên trang giấy trắng lại thúc giục ước mơ Ja Thắng.
Con đường đại học còn xa và dài lắm, Ja Thắng sẽ vượt qua nhưng chỉ sợ mắt mẹ thêm sâu, tóc mẹ thêm bạc… và thân cha gầy guộc làm sao.
Ja Thắng mang theo niềm yêu thương nơi cha mẹ già lo lắng để lần trở về thắp sáng tương lai.
______
Akaok ribaong Can: Một vùng địa danh ở làng Hamu Tanran (Hữu Đức) làng Chăm tỉnh Ninh Thuận.