Inrasara & Apsara Vũ nữ Cham 01

Trong sáng tác văn chương, vài hình ảnh, ngôn từ thường trở đi trở lại với tôi: Đất, tháp Chàm, Glơng Anak, Pauh Catwai, cha, con đường, cây xương rồng, Hàm Bộ, anh Đạm, Trà Vigia…  Apsara Vũ nữ Cham nằm trong số đó. Xin trích các đoạn, bài thơ liên quan.

 1.

… Trong điệu vũ khơi vơi

Apsara phô phang đường cong diễm ảo

Những đường cong chạm vào vĩnh cửu

Vĩnh cửu xoay trong lốc vô thường

(Trích trường ca “Quê hương”, trong Tháp nắng, viết năm 1984)

 

2.

APSARA – VŨ NỮ CHÀM 1

 

Ngủ quên trong kiếp đá

Bàn tay nghệ sĩ hoài thai

Trăm năm làm một thuở

Nỗi mơ nung nấu ngàn đời chưa nguôi

 

Cựa mình ra lòng đá

Nụ cười phiêu lãng trên môi

Mang hình hài vũ nữ

Qua miền cuộc lữ rong chơi đất trần

 

Mai trở về cõi đá

Đường cong diễm ảo khơi vơi

Sát-na thành thường trụ

Cho nhân gian nửa đất trời nhớ thương.

(trong Tháp nắng, viết năm 1996)

 

 

3.

APSARA – VŨ NỮ CHÀM 2

 

Những vòm ngực căng phồng ban mai

Những vòm ngực nung trầm suy tưởng

Hôm qua và ngàn sau

 

Nhảy múa giữa hoàng hôn

Đường cong bay bay chiều vụn nát

 

Bóng đêm tràn dài thung lũng khát

Nhảy múa gọi bình minh

Baranưng miệt mài ngàn năm vỗ

 

Chợt trang nghiêm nắng viện bảo tàng

Chợt kiêu sa choáng cao ốc Sài Gòn

Nhảy múa

Nhảy múa

Nhảy múa

 

Nung vòm ngực căng phồng ban mai

Vỡ đường cong cuộn trào suy tưởng.

(trong Hành hương em, 1999)

 

___________

 

Chú thích:

Bài thơ “Apsara Vũ nữ Chàm 1” được nhạc sĩ Amư Nhân và Khánh Vinh phổ nhạc. Khánh Vinh giữ đúng nguyên tác .Còn ca khúc của Amư Nhân dù giai điệu rất bay, nhưng anh đã thay đổi vài lời thơ không tương thích:

Mang hình hài vũ nữ” thành “Hồn mở ra vóc dáng hình hài”: ca từ không có nghĩa, ngược hẳn ý thơ. Riêng “Nụ cười phiêu lãng trên môi” thành “Trên môi cười điệu nghệ” thì, xin dành cho các nhà thơ, nhà ngôn ngữ phán định.

 

3 thoughts on “Inrasara & Apsara Vũ nữ Cham 01

  1. Với con mắt nghệ sĩ lớn, nhà thơ Inrasara đã nhìn thấy ở Apsara đường cong diễm ảo, vĩnh cửu, nụ cười phiêu lãng, nhảy múa gọi bình minh, những vòm ngực nung trầm suy tưởng. Tất cả để thăng hoa đời sống, làm đẹp tâm hồn con người.
    Tuyệt vời, trên cả tuyệt vời…
    Còn với con mắt thô lậu, thì tất cả đều trở thành thô lậu, dâm ô…

  2. Nụ cười phiêu lãng trên môi” mà sửa thành “Trên môi cười điệu nghệ” thì quá ư bậy bạ. Không hiểu điệu nghệ là gì, cũng không hiểu phiêu lãng là gì.
    Tôi phân tích như sau:
    Cái “cười điệu nghệ” nhạc sĩ đem gắn lên “trên môi” Apsara là từ ngoài vào. “Điệu nghệ” là chịu khó luyện nhiều mà thành, có cái gì đó là GIẢ TẠO.
    Còn “nụ cười” là tự nhiên, cái có sẵn rồi. “phiêu lãng” là tự nhiên như nhiên, vừa ngây thơ vừa trong sáng đến là linh thiêng, tự do tự tại.
    2 chuyện này hoàn toàn khác nhau. Chính tại chỗ này, nhạc sĩ giết chết thi sĩ.

  3. Những vòm ngực căng phồng ban mai
    Những vòm ngực nung trầm suy tưởng

    Đúng rồi, đấy là ấn tượng đầu tiên, đẹp đẽ, mê đắm ở người vũ nữ… Và đó cũng là hình ảnh đẹp mà anh Sara đã mang được vào trong thơ mình. Cả thơ và vũ nữ đều đẹp một vẻ thanh khiết, tinh khôi như ban mai mà không một chút sượng…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *