Hành vi, cử chỉ, cuộc đời Dhan Than vừa làm xa lạ đồng thời lôi cuốn và gây cho tôi nỗi hứng thú đau đớn. Không phải ở bí ẩn hay kì lạ đến quái lạ của nó mà là ý hướng vô danh, vô danh đến không còn manh mún nào có mặt.
Không một ai hiểu ông. Có lẽ ông cũng không cần ai hiểu mình, chia xẻ cái mình sở đắc hay tin tưởng. Con người có hành vi như thế hoặc hắn quá hèn nhát hoặc phải bản lĩnh chai lì. Không ít kẻ tu kín xuất thế luôn để lại chứng minh thư. Sự khuếch trương bản ngã kín đáo ấy chỉ có thể dọa được kẻ yếu bóng vía trong khi nó không đáng Dhan Than nhếch mép. Với thế hệ con cháu Glang Anak hôm nay, ông ném cái nhìn trên ngó xuống. Kiến thức chỉ trở thành tài sản khi nó có khả năng khống chế, điều động xã hội. Trong khi cái ông biết là thứ vô bổ nhất trong các thứ vô bổ. Đã không ai hiểu ông.
Khi hành vi, lối xử sự của ông bị thế hệ đàn anh lứa chúng tôi những năm 60 đưa lên sân khấu nhà quê bỡn cợt (sự vụ gây cho mẹ tôi không ít tủi hổ) hay khi Cao Xuân Hoang tự tuyên đồ đệ chân truyền của ông qua khoa xem gò bàn tay hướng nghiệp, họ cũng không tí ti nào hiểu ông. Cả khi vào mùa xuân năm 1979 ông bỏ ra miền Trung lang thang ăn xin cho đến khi thân tàn ma dại trở về tháng 11 năm 1981 để chết vào cuối năm đó, cũng không một ai hiểu ông. Chắc chắn đây là hiện tượng siêu cá biệt trong xã hội Chăm. Mẹ, các dì tôi đã khóc và tức tốc chạy tiền xe giục ba ông anh họ tôi lục tìm ông khắp mọi xó xỉnh mấy tỉnh thành đến khi bắt gặp và cho ông biết ý định thì bị ông cầm roi mây dài đến bảy sải đuổi chạy thấy ông bà.
Ăn mày! Đấy là khái niệm gây kinh hoàng, nghĩ tới thôi cũng đủ khiến chế độ mẫu hệ Chăm tái mặt chứ đừng nói làm. Mà ông lại là Thầy pháp cao đạo của một dòng họ lớn nhất làng. Tại sao? Quần chúng Chakleng đã không tự hỏi mà vội quy kết. Chăm không còn khả năng cảm thông nhau. Xã hội cũ như một cộng đồng đã vỡ tan từng mảnh trong lúc xã hội mới chưa hình thành. Khái niệm xã hội Chăm xơ cứng như khối u giữa trán tạo buồn cười. “Chăm mà có xã hội à?”, Cao Xuân Hoang đã phát ra câu hỏi kia với nụ cười khinh khỉnh. Cũng như cách đây ba mươi năm, khi ông từ chối đến gặp tiến sĩ trẻ Trần Hùng hồn còn tràn nhiệt tâm với văn hóa Chăm gợi ý vào Sàigòn cộng tác viết sách và làm việc. Không ai hiểu ông, chỉ lo cáo buộc ông ngông cuồng vô lối. Chính ngài giáo sư Trần Hùng nhận định Chăm mang tinh thần ẩn cư, gần như khuynh hướng tự hủy. Tự hủy khả năng mình, sự nghiệp và chính con người mình. Đào ngũ không chỉ Văn Khâm, Dhan Than; đào ngũ còn là kẻ chúi nhủi vào “nghiên cứu”. Ngài giáo sư đã nói qua một lần rồi, Việt ẩn cư là để chờ thời hay, sau khi cống hiến sức lực tài trí cho cộng đồng để nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo, còn Chăm thì ẩn cư từ tổ kén, khi mở mắt nhìn mặt trời đến lúc xã hội nuôi cho to cẳng cồ vai lại chực chạy trốn xã hội. Không phải chín tháng mười ngày mà phải mất 60 năm mới làm nên một con người, Malraux nói, để cuối cùng tốt hơn cả là ông hãy chết quách đi. Bao nhiêu mồ hôi phấn đấu, nước mắt khổ ải, bao nhiêu té ngã và gượng dậy để rồi biến khỏi mặt đất, không để lại dấu vết.
Inrasara, Chân dung Cát, 2006