Trong Chân dung Cát và Hàng mã kí ức mênh mông những câu chuyện kể và được kể lại bằng một cách thể hiện mới lạ, khá rắc rối nhưng lại giúp con người nhận ra và trải nghiệm nhiều điều trong cuộc sống, không chỉ là với Chăm mà là của con người ở mọi nơi. Có thể nói, với tiểu thuyết, ở chừng mực nào đó, Inrasara đã làm được cái điều mà ông từng tuyên bố: “Hãy viết như công dân thế giới”. Tức là: “Phá bỏ bức ngăn văn chương ngoại vi với văn chương (lâu nay được cho là) trung tâm. Là chặt đứt thứ tư duy chật hẹp như thể quyết một lần cho mọi lần bước ra khỏi ao làng chật chội từng gò bó lối viết ta. Là từ bỏ mặc cảm nước nhược tiểu, mặc cảm ngôn ngữ nhược tiểu, phức cảm tự tôn, tự ti dân tộc. Chúng ta học tập thế giới và sẵn sàng cống hiến trở lại cái tinh túy nhất của chúng ta cho văn chương thế giới”. Như vậy, tiểu thuyết của Inrasara nói riêng và sáng tác của Inrasara nói chung nhằm cố gắng xóa nhòa ranh giới giữa văn chương dân tộc thiểu số với văn học Việt Nam, cũng thể hiện tư tưởng hội nhập của ông với văn chương thế giới…
Trong dòng chảy của văn học dân tộc thiểu số, Inrasara đã và đang nổi lên như một hiện tượng độc đáo. Ông là một tài năng nhiều mặt. Và ở thể loại nào cũng tạo được hiệu ứng với dư luận. Không chỉ thể hiện ý thức bảo tồn bản sắc dân tộc, văn hóa dân tộc thông qua hoạt động trước tác (nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật) mà ông còn luôn nỗ lực trong việc phát huy và làm phong phú vốn văn hóa truyền thống ấy của cha ông bằng các sáng tác của mình ở các lĩnh vực phê bình văn học, thơ và tiểu thuyết. Ở thể loại tiểu thuyết, với một quan niệm mới mẻ, Inrasara đã có những thể nghiệm trong kĩ thuật viết theo xu hướng hậu hiện đại mà trước hết là ở hình thức tổ chức tác phẩm nhằm chuyển tải tư tưởng trong tư duy nghệ thuật của ông: làm mới chính mình và làm mới tiểu thuyết để đưa tiểu thuyết dân tộc thiểu số hòa nhập với văn học của cộng đồng dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam và vươn ra tầm thế giới.
Nguyễn Thị Thanh Bình, Luận văn Thạc sĩ, 2012
Bác Inra mới ra có 2 cuốn tiểu thuyết thôi mà đã có luận án thạc sĩ về nó rồi cũng là rất đáng. Đọc truyện của bác Inra người ta không thấy cả một câu chuyện dài mà là những chuyện rất lẻ, rất nhiều kiến thức sâu rộng, cùng với những nhận định sâu sắc tinh vi. Xâu chuỗi lại 3 điều trên ta mới thấy nó rất thống nhất. Cho nên tôi cho rằng đó là tiểu thuyết. Không thể gọi nó là thể loại gì khác.