Inrasara: ĐÊM CHÀM

* Bài thơ được viết hơn mười năm trước, TCP bình và đăng đã lâu. Nhưng với cộng đồng Cham hôm nay, trong nước lẫn hải ngoại, Kate bao giờ cũng linh thánh. Với kẻ tha hương, “đêm Chàm” trong những ngày Kate càng lung linh và cảm động hơn bao giờ. Xin đăng lại bài thơ với lời bình để cùng mik wa adei xa-ai ‘thức’ trọn mùa Kate đầm ấm, vui vẻ, và may mắn.

* Bạn Pô-Klong cũ trong đêm Giới thiệu sách Cham tại Ngày Hội Văn hóa Chăm – TP Phan Rang-TC, 10-2012.

 

ĐÊM CHÀM

 

Người nông dân nhô từ đồng nhiễm mặn

trồi từ đồi cát hanh

xuống từ núi đá trần

người nông dân bay từ phố sáng.

 

Về

đều bước về plây.

 

Cởi bỏ, rũ bỏ sau lưng quang gánh

Ginang, Baranưng giục về

từng chuyến mưa nồng nã Katê.

 

Với đêm nay rừng tháng Mười phát sáng

với đêm nay mắt họ bừng kiêu hãnh

tha hương bao nhiêu năm vẫn nhịp đề huề.

 

Baranưng vỗ dội bờ dĩ vãng

người nông dân buông mình vào mẫu số chung định phận

trong bập bềnh những thế kỷ Ginang.

 

Rồi mai bước đều về miền xa tít.

 

Lời bình – Trà Chay Pyang:

 

Trong lần nói chuyện về thơ, Inrasara đã làm cả Hội trường chưng hửng khi tự giới thiệu mình là nông dân, nông dân-thi sĩ, một nông dân thi sĩ Cham. Mà có lẽ đúng vậy. Tất cả chúng ta đều nông dân hoặc xuất thân nông dân, không cha mẹ ta cũng ông bà ta. Những người nông dân ấy 30 năm qua, vì nhiều lí do khác nhau, còn bám đất bám làng hay đang lưu lạc quê người: nơi đồng nhiễm mặn, trên đồi cát hanh, dưới núi đá trần hay giữa phố sáng: Paris, California, Saigon hay New York,…Suốt 360 ngày đắm chìm trong cõi mưu sinh, riêng chỉ có một mùa Katê, họ trở về: bình đẳng, hòa đồng và thân ái; đề huề – không phân biệt anh công nhân hay chú giảng viên đại học, chị bác sĩ hay cô hái bông mướn; ở Phanrí, Krong hay tận Tây Ninh , Châu Đốc,… chúng ta lặn lội tìm về; cởi bỏ đống gánh nặng cuộc sống, mấy lo toan giành giựt, bao sai lầm trách oán,…tất cả đều trút lại sau lưng, ở tận chân trời góc biển nào đó. Quên, quên tất!

Để trở về trong sạch và tinh khôi theo đúng nghĩa Về nguồn. Chỉ còn bàn tay, khuôn mặt, ánh mắt tìm nhau, nhìn nhau trong ánh sáng chói lòa của đêm Katê:

Với đêm nay rừng tháng Mười phát sáng

Với đêm nay mắt họ bừng kiêu hãnh

 

Hơn ba trăm ngày âm u để có một đêm định mệnh ngời sáng: tất cả Những đứa con của gió tự nguyện làm đứa con của đất buông mình vào mẫu số chung định phận: định phân dân Cham.

Mẫu số, đây là từ khóa của cả bài thơ. Nhà thơ rất thích từ này. Lần khác anh viết (bài Hơn cả nỗi chia xé): Từ đỉnh mây hư danh nỗi cô đơn ném tôi rớt về mẫu số. Dẫu anh thiên tài tới đâu, anh là thi sĩ nổi tiếng hay nhà học giả tài ba tới đâu nếu anh không cùng mẫu số với dân tộc, anh cũng chỉ sống trọn kiếp nô lệ và cô độc của anh. Sống và viết giữa cộng đồng Việt, hơn ai hết, Sara hiểu điều đó. Và anh phải trở về.

Trở về nằm chung mẫu số với định phận dân tộc.

Hiểu phận để yêu phận, yêu phận không phải để an phận mà là để dám chấp nhận mình; từ đó phấn đấu để khống chế và vượt qua định phận. Đó là ý nghĩa cao cường đồng thời là bức thông điệp tối hậu của bài thơ Đêm Chàm.

 

One thought on “Inrasara: ĐÊM CHÀM

  1. Đêm Chàm, hay quá anh Inrasara ơi!

    “Với đêm nay rừng tháng Mười phát sáng
    với đêm nay mắt họ bừng kiêu hãnh
    tha hương bao nhiêu năm vẫn nhịp đề huề.

    Baranưng vỗ dội bờ dĩ vãng
    người nông dân buông mình vào mẫu số chung định phận”

    Người Chăm “kiêu hãnh”, người Chăm bước vào “mẫu số chung định phận” trong “đêm Chàm”. Thì không còn chia rẽ hay đố kị nhau nữa. Đó là ước mơ chung của tất cả người Chăm.
    Tuyệt!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *