Jaya Bahasa: Điểm luận Tagalau13

 * Bá Minh Truyền tại buổi ra mắt Hàng mã kí ức, 2011 – Photo Inrajaya.

Cách đây 12 mùa Katê (năm 2000), những văn sĩ người Chăm đã mang Tagalau (Tuyển tập Sáng tác-Sưu tầm- Nghiên cứu văn hóa Chăm) đến với cộng đồng số đầu tiên. Khởi động qua 2 số thành công, Tagalau bị chững lại một năm vì không có giấy phép tiếp tục được xuất bản ở Việt Nam. Nhưng trước nhu cầu thưởng thức văn chương, tìm hiểu văn hóa dân tộc và tin tức, các sáng lập viên phải nỗ lực hết mình bằng mọi giá để Tagalau sống lại. Đến mùa Katê năm 2003, Tagalau trở lại nưgar Chăm nhưng với tên gọi mới Văn hóa Chăm Katê mới (số 3/2003), Núi Trắng (số 4/2004), Nắng Panduranga (số 5/2005), Kraung Dung (số 6/2005) cho đến Tagalau 7 (năm 2006), Tagalau mới lưu trì được tên gọi ban đầu của nó.

Hơn 12 năm trôi qua, là khoảng thời gian đủ để Tagalau  trưởng thành thêm nhiều thế hệ mới, sẵn sàng nối tiếp truyền thống làm văn nghệ, văn hóa và nghệ thuật. Giá trị lớn nhất của Tagalau là được sự đón nhận và tin yêu của nhiều độc giả trong và ngoài nước. Và không biết từ bao giờ những ai quan tâm đến văn hóa Chăm đã tuôn trào cảm xúc vui buồn cùng vận mệnh của nó hầu mang nguồn giải trí, khoa học và tin tức đến từng palei Chăm để mỗi mùa Katê, Ramưwan thêm sức sống và nhiều hứng khởi.

Nếu như Tagalau 12 tạo được bản lề cho sự chuyển giao thế hệ thì Tagalau 13 đã có sự nhập cuộc chơi của thế hệ mới. Tuy nhiên, con số 13 là tia sáng của buổi bình minh hay nắng quái của buổi chiều tà khai tử vận mệnh phát triển của Tagalau trong tương lai! Bởi rằng, con số 13 theo quan niệm của nhiều người là con số báo hiệu sự kết chung. Nhưng, may mắn thay! con số 13 trong văn hóa Chăm là biểu tượng linh thiêng và trường tồn. Biểu tượng này nằm ở trên đền tháp Champa. Trong số những đền tháp còn lại ở miền Trung và Ninh Thuận thường có khối bình đồ vuông, chia làm 3 tầng càng lên cao càng thu nhỏ dần, ở mỗi tầng tạo thành 4 đỉnh chóp trên có 1 linga nhỏ. Như vậy, 3 tầng x 4 đỉnh chóp = 12 linga, nếu cộng thêm 1 linga ở đỉnh chóp của toàn ngôi tháp thì thành 13 linga đứng vững vàng hàng trăm năm qua mặc cho thời gian và lòng người có vô tình và quen lãng. Và như thế, không có gì phải lo lắng cho con số 13 của Tagalau. Đó là vấn đề tâm linh.

 

1. Sáng tác văn chương và phê bình.

Sáng tác vẫn là một thế mạnh của Tagalau, như các số trước, Tagalau 13 quy tụ được 27 tác giả với 47 tác phẩm thuộc các thể loại Thơ, Văn và Phê bình. Trong đó, thơ tiếng Chăm xuất hiện 5 tác giả với 13 bài thơ, thơ tiếng Việt có 15 tác giả với 26 tác phẩm. Riêng văn xuôi, có sự chuyển biến tích cực hứa hẹn nhiều sáng tác mới mang hơi thở của đời sống truyền thống và hiện đại với 6 gương mặt và 6 tản văn (Kể cả truyện ngụ ngôn). Thay cho phần văn học Chăm đang vắng bóng và còn bỏ ngỏ là những khỏa lấp của phê bình văn học trong nước, phân tích và giới thiệu sinh hoạt văn chương ở Việt Nam cùng với những thành tựu và hạn chế của nó.

Về thơ tiếng Chăm, có sự gia tăng về mặt số lượng là tín hiệu tốt làm tiền đề cho sáng tác mới xuất hiện. Các bài thơ chuyển tải nhiều cảm xúc và giàu hình ảnh quê hương, lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp. Tuy nhiên, các tác giả đã phá cách gieo vần, nhịp thơ truyền thống của văn học Chăm. Ngay cả tác giả Inrasara với bài ariya Mưlơm Cam, Mưnwix palei pala, Mei paka pađiak crih. Hiện tượng sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ theo phong cách thơ tự do xuống dòng, phân đoạn, ngắt câu của thơ đương đại đã thâm nhập vào hồn thơ  Chăm.

Về thơ tiếng Việt, các tác giả đã phản ánh chân thật về đời sống  xã hội, sử dụng hiện thực của không gian Chăm làm chất liệu thi ca. Tuy nhiên, cũng cần đưa ra nhận thức viết cho ai? Viết cái gì? Viết như thế nào? để phù hợp với đặc tính, chức năng tuyển tập về sáng tác Chăm. Bài thơ quá dễ dãi về ngôn từ, nhịp thơ vô truy và tự do cắt đứt, kéo dài, xếp hình ý thơ. Bởi rằng sáng tác thi ca cần có sự trau chuốt kĩ lượng về ngôn từ, chặt chẽ về ý thơ, nhịp thơ, hình tượng phải có sự chọn lọc. Để thơ trở nên thơ, câu hỏi được nêu ra là mỹ học nào của tác giả Chăm vận dụng trong sáng tác và độc giả đã trang bị lí luận gì để thưởng lãm thi ca?  Dù sao đi nữa, ngoài giá trị nội dung thơ cần đạt tới giá trị nghệ thuật.

Về văn xuôi, văn học là tiếng nói của thời đại, là bức tranh hiện thực sinh động của đời sống con người trong xã hội, là tiếng nói không thể nói ra được. Nếu trào lưu hiện thực phê phán và trữ tình lãng mạn là một thành tựu quan trọng trong văn học Việt Nam thời kì cận hiện đại thì đối với các tác giả Chăm vẫn chưa tìm đâu lối đi để khẳng định, đánh dấu một bước tiến trong sáng tác Chăm đương đại.

Về phê bình, nhận định về văn học Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa là một cái nhìn vượt trước. Bởi rằng toàn cầu hóa vẫn còn đang tiếp diễn, đi cùng với toàn cầu hóa về kinh tế là toàn cầu hóa văn hóa, trong đó có sự góp mặt của văn chương. Các tác giả có thể, dễ dàng học hỏi, copy phong cách nhau tiện lợi và nhanh chóng nhất nhờ sự phá vỡ không gian. Sự hội nhập của tác giả người Chăm là tất yếu, nhưng họ có những đóng góp gì vào nền văn học Việt Nam?

 

2. Nghiên cứu.

Tagalau 13 công bố 5 đề tài nghiên cứu của 5 tác giả thuộc các lĩnh vực khác nhau. Các tác giả đã có sự đầu tư nghiêm túc, làm chủ được nguồn tư liệu phong phú thể hiện sự chuyên sâu vào lĩnh vực nghiên cứu.

Tác giả Nguyễn Lục Gia với bài khảo cứu lịch sử Champa mang tên “Từ Hồ Tôn Quốc  đến tiểu vương quốc Ariyaru”. Tác giả đã trình bày về tiểu quốc Ariyaru có tính chất độc lập nằm ngoài tiểu quốc Kauthara qua các thời kì Lâm Ấp, Hoàn Vương và Champa cho đến năm 1611 khi Champa mất chủ quyền lãnh thổ ở tỉnh Phú Yên. Đây là bài khảo cứu chuyên sâu và nghiêm túc dựa trên một khối sử liệu phong phú nhằm mục đích chứng minh tiểu quốc Ariyaru nằm trong vùng thung lũng sông Ba và sông Cái bị chắn bởi hai dãy núi hiểm trở là Cù Mông và Đại Lãnh tồn tại với tư cách là một tiểu quốc độc lập. Quan niệm này, dựa trên yếu tố nhà nước Champa được hợp nhất theo hình thức liên bang từ nhiều tiểu quốc. Trong đó, mỗi tiểu quốc có một số dân cư nhất định, sinh hoạt độc lập và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Tuy nhiên, nếu Ariyaru là một tiểu quốc độc lập, trước hết nó phải có tiềm lực về mặt kinh tế, chính trị và quân sự hay ít ra nó phải có mối quan hệ với các tiểu quốc khác như thế nào? Mặt khác, các tiểu quốc của Champa thường được đặt tên bằng tiếng Phạn còn Ariyaru hoàn toàn mang âm hưởng Chăm để chỉ về một vùng đất hoặc một đơn vị cư trú.

Trường Trung học Pô Klong là cái nôi giáo dục của người Chăm trước năm 1975. Sau khi đất nước được thống nhất hai miền Nam-Bắc, chính học sinh của Trường Pô Klong là lực lượng nồng cốt trong hàng ngụ nhà khoa học, nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư, họa sĩ, nghệ sĩ, công chức của người Chăm trong các cơ quan nhà nước hiện nay. Tác giả Bá Minh Truyền đã tái dựng lại lịch sử hình thành và phát triển của Trường Pô Klong qua bài viết “Trường Trung học Pô Klong xưa và nay”. Trong đó, tác giả tập trung đề cập, phân tích hoàn cảnh ra đời, hình thức tuyển sinh, phương châm giáo dục, việc dạy và học tiếng Chăm của Trường Pô Klong qua các giai đoạn lịch sử. Đặc biệt là những khuyến nghị xây dựng sự nghiệp giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số qua loại hình trường dân tộc nội trú.

Tác giả Bá Văn Quyến với đề tài nghiên cứu “Hệ thống chức sắc tín ngưỡng dân gian Chăm ở Ninh Thuận”. Bài viết làm sáng tỏ hệ thống các chức sắc dân gian trong sinh hoạt tín ngưỡng-tôn giáo của người Chăm. Đây là những chức sắc có vai trò quan trọng trong việc điều phối thực hành các nghi lễ tín ngưỡng. Họ làm việc thiện nguyện và không có bất kỳ chế độ lương bổng nào. Tác giả đã phân loại chức sắc dân gian ra làm 2 nhóm chính. Đó là: Nhóm chức sắc phụng sự trong các nghi lễ Rija và nhóm phụng sự trong các nghi lễ hỏa táng và nhập Kut. Bài viết sẽ hoàn chỉnh và đầy đủ nếu tác giả khảo sát  thêm các chức việc phụng sự trong cộng đồng Chăm Bini và Islam.

Tác giả Quảng Văn Sơn với bài viết “Về những bức tượng đồng Champa trong bảo tàng lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh” đã liệt kê 11 hiện vật bằng đồng của Champa có niên đại khoảng thế kỉ IV-XI. Tác giả đã miêu tả về các hiện vật, xác định niên đại và xuất xứ của các pho tượng. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật, tác giả đưa ra kết luận rằng, đời sống sinh hoạt, tôn giáo, phong tục, tín ngưỡng của người Chăm được thể hiện trong từng bức tượng.

Tác giả Quang Cẩn qua bài “Chữ Chăm Akhar Thrah của Ban Biên soạn sách Chữ Chăm có trong từ điển Aymonier-Cabaton là di sản của tổ tiên” trình bày về thực trạng chữ Chăm Akhar Thrah và đánh giá thành tựu hoạt động của Ban Biên soạn sách Chữ Chăm (BBSSCC) nhằm mục đích khẳng định giáo trình giảng dạy tiếng Chăm trong nhà trường hiện nay là di sản của tổ tiên người Chăm. Trong lịch sử, chữ viết người Chăm đã được nghiên cứu và giảng dạy từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, việc dạy và học tiếng Chăm trong hệ thống giáo dục bậc tiểu học và phổ thông chỉ mới tiến hành sau năm 1975 kể từ khi BBSSCC được thành lập vào năm 1978. BBSSCC là đơn vị duy nhất của ngành giáo dục có chức năng mở lớp đào tạo giáo viên và soạn thảo giáo trình dạy tiếng Chăm ở Việt Nam. Khi việc học tiếng Chăm được sự quan tâm của dư luận và các nhà khoa học thì từ năm 2007 xuất hiện nhiều ý kiến, quan niệm trái chiều nhau trong phương pháp giảng dạy và soạn thảo giáo trình của BBSSCC. Tác giả Quang Cẩn đã bác bỏ các giả thuyết, ý kiến trái ngược đó và khẳng định rằng “Chữ viết của BBSSCC là di sản của tổ tiên”.

 

3. Xã hội.

Tagalau 13 trình bày 3 vấn đề của 3 tác giả liên quan trực tiếp đến xã hội Chăm.

Vấn đề hôn nhân ngoại tộc của người Chăm đã được tác giả Chế Vỹ Tân nhận diện qua bài “ Thử tìm hiểu cuộc hôn nhân giữa hai nam nữ thuộc mẫu hệ và phụ hệ”. Đây là đề tài xã hội khá nhạy cảm, bởi rằng trong quan niệm hôn nhân của người Chăm với ngoại tộc còn có những rào cản, vách ngăn vô hình “cho đi cũng không muốn nhận về cũng không cần”. Tác giả đã đặt ra giả thuyết người con trai, con gái Chăm khi kết hôn ngoại tộc đều chịu thiệt thòi về mặt văn hóa và quyền làm chủ gia đình. Tuy nhiên, quan niệm này quá đặt nặng yếu tố truyền thống, trong thực tế, khi quá trình toàn cầu hóa lan tỏa không gian sống và làm việc được mở rộng thì vấn đề hôn nhân cũng biến đổi theo. Phải chăng, chúng ta nên sẵn sàng chuẩn bị sống chung với nó hơn là cương quyết đối phó một cách miễn cưỡng như hàng loạt các cặp hôn nhân ngoại tộc đã phá rào.

Vấn đề khác của xã hội Chăm trong thời gian gần đây đang tạo ra dư luận là tiếng nói và chữ viết người Chăm. Thế những, bàn luận thì vẫn còn là bàn luận, tiếng Chăm vẫn phát triển trong cộng đồng theo phương thức độc đáo của nó. Những đề xuất cần sớm thống nhất trong ngôn ngữ Chăm có cần thiết không? Tác giả Inrasara với mục “ Tiếng Chăm của bạn” nêu lên vai trò của tiếng Chăm trong cách nhìn nhận của xã hội, vấn đề chính tả, ngữ pháp, đến các nội hàm và ngoại diện của một số từ vựng có nghĩa mở rộng. Qua đó, có thể nhận định: chữ Chăm có quá trình phát triển đặc thù riêng, tùy mọi người tự chọn lấy cho mình lối viết. Hơn thế nữa, tình trạng bất nhất trong chữ viết Chăm là hệ quả của di sản lịch sử phát triển tộc người để lại.

 

Kết luận:

Những chặng đường phát triển của Tagalau nhằm mang tri thức, thông tin và nguồn giải trí đến cộng đồng Chăm đã in đậm nhiều ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, Tagalau cũng không ngừng ươm mầm, tím kiếm, phát hiện và khơi dậy những tiềm năng mới. Tuy rằng, sáng tác văn chương chưa tạo được một phong cách, trường phái hay trào lưu riêng trong sinh hoạt văn chương Việt Nam nhưng hứa hẹn nhiều bút lực mang hơi thở độc đáo. Nếu như sáng tác có phần nổi trội thì ngược lại chuyên đề sưu tầm văn học đã không được chú ý, quan tâm đúng mức. Độc giả vẫn chưa được thưởng lãm tác phẩm mới nào trong dòng văn học Chăm cổ điển.

Phần nghiên cứu tạo được sự cân đối, nội dung ngày càng đi sâu đi sát vào các đề tài cấp thiết của xã hội. Các tác giả có sự đầu tư nghiêm túc, chọn được chủ đề mới lạ và hấp dẫn. Các vấn đề xã hội tuy không đề cập nhiều nhưng vấn đề đưa ra tiệm cận với nỗi băn khoăn của dư luận. Mối quan hệ giữa hội nhập và phát triển vẫn còn là một bài toán chưa có lời giải cuối cùng trong xã hội Chăm.

Tóm lại, Tagalau là một thành tố trong văn hóa Chăm, là môi trường để giao lưu, học hỏi và khám phá cho tất cả những ai yêu mến văn hóa tộc người bản địa. Sự đón nhận đầy hứng khởi của độc giả trong và ngoài nước hơn thập niên qua là những ghi nhận đáng trân quý, góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Chăm ở Việt Nam.

 

 

 

2 thoughts on “Jaya Bahasa: Điểm luận Tagalau13

  1. Viết chững chạc, rất có tình và khái quát được vấn đề. Càng ngày tôi thấy tác giả trẻ này viết càng chắc tay. Hi vọng nhiều lắm.
    Dù sao tôi thấy anh vẫn còn e ngại, do bài viết năm ngoái chăng? Chưa dám bình nhiều…

  2. Bài giới thiệu Taglau khá chi tiết và bổ ích cho đông đảo người xem. Chỉ xin chủ nhà tăng size chữ để dễ đọc hơn. Cám ơn nhiều.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *