Tuy nhiên những giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán trong sáng tác của Inrasara không phải chỉ nằm ở phần lưu giữ, bảo tồn của một thế hệ đi trước mà còn ở sự sáng tạo và phát triển. Như ông từng chia sẻ, dù được xem là “kẻ lưu giữ văn hoá Chăm” qua các công trình dày cộm, nhưng ông quan niệm bản sắc không như một cái gì bị đóng khung, khô cứng, tĩnh mà là một thực thể động, luôn luôn động. Cái chúng ta đang ra sức sáng tạo hôm nay, nếu hay, đẹp sẽ là bản sắc mới góp phần làm giàu sang văn hoá dân tộc ngày mai. Vì thế mà ta thấy những gì thuộc về văn hoá Chăm trong tiểu thuyết của Inrasara “Hôm qua. Là bí mật tráng lệ; hôm nay tôi gọi nó là “bí mật câm”” [44]. Nó có cái gì ma quái, hấp lực nhưng cũng mong manh và ít nhiều ẩn chứa sự suy tàn. Tuy nhiên Chăm quan niệm hủy phá và sáng tạo, huỷ phá để sáng tạo, huỷ phá trong sáng tạo (tinh thần thoát thai từ tư tưởng Shiva mà Chăm chịu ảnh hưởng). Cảm hứng về văn hoá Chăm trong tiểu thuyết của Inrasara vì thế là cảm hứng về linh hồn văn hoá chứ không phải cảm hứng về những thứ sản phẩm lưu kho, đông cứng. Con dân Chăm hôm nay không phải ai cũng biết và hiểu hết những giá trị văn hóa của cha ông nhưng họ hãnh diện vì điều đó. Như Cao Xuân Hoang, một chữ K đeo tai cũng không nhưng lại rất nhiệt tình bảo vệ chữ truyền thống của dân tộc. Bí mật nữa nằm chính ở thần hồn của con người Chăm trong tiểu thuyết của ông. Họ không chỉ là những người mang triết lí hổng chân mà trong số đó vẫn có người miệt mài lượm nhặt những mảng vương vãi của văn hóa cha ông, dù cuộc sống có bao nhiêu cám dỗ. Và ông cũng đang cố gắng, bằng những sáng tác của mình, dựng lại diện mạo văn hóa Chăm của cha ông, thực hiện tiếp vai trò sáng tạo và phát triển văn hoá Chăm. Inrasara tự nhận trong con người ông có cả bóng dáng của “con người giữ kho và kẻ sáng tạo” là vì lẽ đó.
Nguyễn Thị Thanh Bình, Luận văn Thạc sĩ, 2012