Ở phương Tây, nổi tiếng gây quá ư phiền toái. Márquez thẳng thừng rằng nổi tiếng làm trở ngại mọi sinh hoạt, ngoại trừ tư thế chính trị của ông. Nổi tiếng hủy hoại siêu sao bóng đá Maradona, đẩy công nương Diana vào cái chết bi thảm và, nổi tiếng khiến cái chết kia càng trở nên nổi tiếng hơn. Camus than phiền nổi tiếng khiến thiên hạ không thèm đọc ông mà chỉ đọc những gì nhà báo không chuyên viết vội vã về ông. Từ đó méo và mó. Có kẻ chuyên sống bằng giai thoại về nhà văn nổi tiếng như loài kí sinh – Nerval trăm năm mươi năm trước nói thế! Nhưng giai thoại không ngừng được sáng tạo xung quanh tên tuổi, ngày càng nhiều hơn, sương khói, lãng đãng hơn đến nỗi người ta yên tâm rằng mình hiểu Rimbaud, có thể nói về Rimbaud thậm chí viết bài về Rimbaud dù cả đời chưa hề đọc bài thơ nào của chàng, chưa hề nhìn thấy mặt mũi tập thơ Une Saison en Enfer nó mỏng dày ra sao.
Đó là bản chất của phần đông nhân loại: muốn dòm qua khe cửa đời tư nhân vật. Và tán. Càng là hiện tượng nổi trội của thời đại chúng ta. Kundera bảo các cuốn sách viết về Hemingway, Goethe thực ra còn hấp dẫn người đọc hơn cả Mặt trời vẫn mọc, Giã từ vũ khí hay Faust, Tình sầu của chàng Werther nữa. Chúng lôi cuốn quần chúng quá cha cuộc đời sôi động (thực) của Hemingway hay Goethe. Rốt cùng, chỉ có nhà chuyên môn mới chịu tìm đọc văn bản (đã không ít “nhà” tự nhận chuyên gia lanh trí bỏ qua thao tác này). Còn thì độc giả văn chương luôn được nuôi dưỡng bằng câu chuyện ngoài lề từ giai thoại hay, mù mờ hơn, huyền thoại.
Âu Mỹ đã thế, phương Đông hay Chăm cũng chả hơn gì, dù biểu hiện hay tác động của nó lên tinh thần cá nhân hoặc cộng đồng có khác, nhưng bản chất vẫn vậy.
Nỗi khuyết danh của tác phẩm cổ Chăm như một phản ứng. Bỏ qua khiêm tốn của tác giả, ám ảnh hãm hại của kẻ thù ngoại bang hay kẻ đố kị cùng máu mủ, thậm chí cả truyền thống văn hóa Chăm chỉ muốn coi chúng như tặng phẩm của thần thánh chứ không phải sáng tác của người phàm trần; hoặc giả sự vụ thiếu tinh thần lưu thủ đan tâm của tu sĩ Bà-la-môn đã dẫn tới tình trạng này, cái đáng nói là: tác gia Chăm muốn thế hệ tới đọc chính văn bản, tác phẩm chứ không phải những gì bao phủ xung quanh nó, cả kẻ mang nặng đẻ đau nó. Lí này của Chế Khan càng vững hơn khi hầu hết sáng tác của thi sĩ Chăm mới đầu thế kỉ XX này như của Mưdwơn Jiaw, Po Thien… nay cũng đã khuyết danh, vô danh rồi. Hôm nay, hắn hành xử hệt vậy: hắn không chịu kí tên mình ở trang bìa cuốn tiểu thuyết (ngài giáo sư Trần Hùng đã sai hết sức sai khi dùng nguyên bút mực đỏ ghi tác giả: Chế Khan).
Tác giả Chăm muốn tác phẩm mình thay vì chính mình sống, cái sống chắc chắn rất mù mờ trong màn sương giai thoại, huyền thoại.
Nhưng đầu óc ngoan cố của quần chúng không chịu thua ý chí một cá nhân dẫu uy tín tới đâu: họ thêu dệt giai thoại bao quanh tác phẩm trong đó tác giả đương nhiên trở thành thứ chất liệu dễ nhào nặn nhất, cấu thành bộ phận gay cấn nhất.
Có lẽ chỉ cần đo mức độ hấp lực của huyền thoại đối với một dân tộc cũng phần nào hiểu được dân tộc tính của dân tộc đó. Công chúng Đức khá thờ ơ với văn hóa dòm khe cửa nên vụ vợ chồng Beckham hay các bức ảnh chộp bắt hoàng gia Anh không đủ lôi cuốn họ, nhanh chóng gây thất nghiệp cho nhà báo lá cải. Dư luận Pháp cũng dễ bỏ qua xì căng đan như Monicagate từng là điểm nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ thời gian dài.
Bên cạnh Ariya Glơng Anak và Pauh Catwai, Ariya Bini – Cam là tác phẩm được bao bọc bằng nhiều lớp huyền thoại nhất. Chính hấp lực của nó đã bứt Chế Khan khỏi gốc rễ Pangdurangga để đuổi theo bóng ma ám hắn vào một tối Katê định mệnh kia, không cưỡng lại được.
Inrasara, Chân dung cát, 2006