Kiều Dung: Một cuộc đời

Truyện ngắn             

Trời đã xế trưa. Những tia nắng trắng bạc trên mái nhà để rộ xuống nền vài chùm nắng qua khe hở của tấm gạch đen sạm cũ kĩ. Bà cảm thấy đói. Bà nhìn hai người cháu bên cạnh thấy… tụi nó cũng đói… thật tội nghiệp.

Muk Mabbah – tên của bà, cái tên đã gợi lại sự cơ cực. Và quả vậy bà cơ cực từ nhỏ. Bà sớm mồ côi cha mẹ. Bà phải sống nhờ nhà cô bác. Sự chăm sóc của cô bác làm sao sánh bằng cha mẹ ruột? Khi rằng, thời đó người ta còn phải một sớm một chiều để đi làm, gom từng lon gạo. Bà thừa hiểu điều đó nên không trách ai. Thời đó, cả làng đều sống khổ cực chứ đâu chỉ riêng mình bà; nhưng hôm nay đời sống của họ đã khá hơn, còn bà vẫn thế… Khổ hơn, bà không có người đàn ông đỡ đầu.

Tuổi đã già dễ đuối sức khi đói. Hôm nay gạo bà đã hết. Bà ngồi lưỡng lự… thôi đành đi mượn gạo nhà hàng xóm vậy. Gọi là “mượn” nhưng sự thật là bà đang yêu cầu sự san sẻ từ phía bà con láng giềng. Người ta cũng không hẹp hòi đến mức đòi lại số gạo ít ỏi này từ một cụ già nghèo khó. Bà thừa hiểu điều đó nhưng vẫn muốn dùng từ “mượn”.

Bà lom khom bước sang nhà hàng xóm, nhà Jabauk… Đây là việc bất đắc dĩ.

Thật tình bà không muốn làm phiền người khác, kể cả… con cháu của bà. Bà có hai người con. Đứa con trai đầu lòng, Jamit, đã được vợ cưới đi. Nó sống bên họ hàng nhà vợ và chí ít cũng đưa vài lon gạo cho bà nấu cơm. Nhưng hỡi ôi… con nào cũng thế, cho mẹ vài đồng cũng kêu ca rồi nói to nói nhỏ. Mẹ nuôi con lớn lên nào có kể công chút gì, đến khi con nuôi mẹ…

Người con trai cũng có lí do để biện minh. Từ nhỏ nó đã sống khổ cực đến khi lấy vợ thì chẳng được tiền hồi môn. Mọi của làm ăn nó đều dựa vào vợ, và … dĩ nhiên là vợ quản lí. Nó đâu có dư dả của ăn của để mà đưa cho mẹ một số tiền lớn nào.

Đứa con gái là một thiếu phụ, Mamah, đã có hai người con. Hình như số phận của đứa con gái này cũng như bà. Sống trong một gia đình nghèo khổ người con gái muốn lấy được chồng tốt thì rất khó. Ông trời cũng bóp nẹp đến đường cùng. Khi còn trẻ, cô là một đứa con gái khá xinh nên nhiều chàng trai cũng để ý. Cô cao ráo, nước da trắng hồng dễ bắt mắt các anh chàng đối diện. Cô dễ dàng lấy được chồng.

Đối với cô, cưới được chồng là dễ nhưng làm sao giữ chân được chồng đây? Đàn ông ham thích phụ nữ đẹp nhưng cũng rất cần sự nghiệp. Người ta dễ dàng đắm chìm trước vẻ đẹp của cô nhưng sẽ cảm thấy sợ hãi khi nghĩ về tương lai. Mai đây, hai vợ chồng sẽ ăn gì? Ôm nhau rồi nhịn đói ư?  Đàn ông có mấy người dám tự lực gánh vác việc nhà nghèo khó? Đàn ông thông thường khi lấy vợ sẽ được họ hàng nhà vợ cho công cụ vốn liếng làm ăn. Còn Mukbbah, bà đã có gì cho đứa con gái? Gia cảnh nghèo khó mấy ai được hạnh phúc, hai vợ chồng không tránh cãi vã nhau. Rồi một ngày chồng cô bỏ cô ra đi… để lại hai người con cho cô lo lắng.

Hôm nay cô đi làm xa, đành nhờ mẹ già chăm sóc cho hai đứa cháu. Bà rất thương con, thương cháu. Đang vo gạo nấu cơm, nhìn các cháu bà nhỏ lệ xuống nồi gạo. Khi còn sức khỏe bà đã không để cho các cháu phải chịu đói thế này.

Trước đây bà làm rất nhiều việc. Bà thường đi mót những bông lúa còn sót lại hay đốt rơm rạ ngoài đồng để quét dọn lấy hạt lúa còn sót lại trong ruộng đã gặt xong. Bà cũng lượm phân trâu để bán với giá năm ngàn đồng một bao. Bà được một đứa trẻ chăn trâu Jabauk thương mến. Jabauk thường giúp bà gom lấy các đống phân trâu và phơi khô các đống phân này. Jabauk rất thích nghe bà kể chuyện. Dưới bóng râm mát cạnh mương nước, bà thường kể cho nó nghe qua các câu chuyện cổ tích, các chuyện thời xa xưa…

Mỗi lần bán được số phân trâu nào, bà thường dành cho nó vài ngàn đồng. Vài ngàn đồng cũng giúp nó mua được vài ly chè. Chè là món ăn yêu thích của nó. Nó càng yêu quý bà hơn. Nhà Jabauk cũng ở cạnh nhà Muk Mabbah, nó thường hỏi thăm bà.

Jabauk bây giờ đã trưởng thành. Nó mang dáng dấp nhỏ bé nhưng khuôn mặt tỏ rõ sự khôi ngô của một người có học vấn. Nó đã là sinh viên của một trường đại học. Jabauk cũng biết hoàn cảnh của cụ, nó mong muốn cho bà nhiều lon gạo để bà nấu cơm.

Cánh tay của bà đã teo lại, nếp nhăn xúm lại trên khuôn mặt, đôi chân thấy rõ các mạch gân. Bà vừa sửa soạn bữa các cháu vừa nghĩ ngợi… mai mốt này hai đứa cháu sẽ ăn gì? Cả bà nữa, nói thật không ăn, bà còn mệt meo nữa là các cháu nhỏ.

Rồi một ngày, số gạo người hàng xóm cho bà cũng hết. Mamah chưa về, các cháu đang đợi. Bà mở hũ gạo, may quá vẫn còn chút ít. Bà vội vàng nấu cơm. Một chút cơm làm sao đủ ăn? Thôi bà đành nhịn cho hai đứa cháu ăn vậy.

Bụng bà đang đói. Nếu như bà sang nhà hàng xóm người ta cũng sẽ cho bà mượn vài lon gạo. Bà là người hiền hậu nên nhiều người yêu mến. Nhưng bà không muốn làm phiền họ, không muốn bị thương hại. Bà có lòng tự trọng. Tối nay bà nhịn ăn… hay nói đúng hơn bà không muốn ăn…

Jabauk biết thế trăn trở mãi… đêm nay anh không ngủ…

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *