Kiều Maily sinh năm 1985 tại Pablap – làng Chăm tỉnh Ninh Thuận. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Đã có thơ đăng trên đặc san Tagalau, báo Văn nghệ trẻ, báo Văn nghệ TPHCM, Tiền Phong Chủ nhật, tạp chí Văn hóa Dân tộc, báo Đà Nẵng cuối tuần… Đây là khuôn mặt thơ mới. Một số bài thơ Kiều Maily đã được Inrasara chuyển sang tiếng Cham. Inrasara.com xin giới thiệu với bạn đọc cây bút nữ có những câu thơ được báo Tiền phong chủ nhật cho là rất dân tộc mà không thiếu hiện đại này.
ĐỒI NẮNG CŨ
Sáng nay cụm mây năm ngoái về
dừng chân đồi cũ
em nơi đâu
câu thơ lạc loài phố
không manh gió mùa vịn tay
tìm đất ở
trâu hoang chưa về hội tao phùng
ta còn lãng tử
lối nhỏ chúng mình giờ cỏ hoang
ngồi nhớ cha
em thung thăng cánh đồng tuổi dại
đã xa lắc lơ
sáng nay cụm mây năm ngoái về
về đâu
đồi cũ nằm ườn quê cũ.
*
HOÀI CẢM
Câu hát cũ trầm theo dòng sông
nhà chị dần phía núi
đã vời xa bờ hoa cỏ nổi
con gió lang thang chết tự bao giờ
Nhà chị dần phía núi
ngón đa mang quên thời đếm tuổi
trống hội làng bổi hổi vời xa
Tôi miệt mài mầu mỡ phù hoa
ngày thơm nắng rơi dài ngách phố
chợt bờ xưa động gió
câu hát lao xao nẻo nhớ bay về.
*
CÓ KHI…
Có khi con gió mùa tình cờ thổi qua bụi ớt
Rồi trôi về đâu, không biết
Có khi bóng ai như bóng cha vừa đi qua
Vào giấc loài dế mun mất nhà gáy buồn từ kẹt cửa
Có khi em chợt quên bẵng khuôn mặt anh
Như loài hoa hồng héo rụng mẹ quét vào chiều
Cuống khô còn lưa nước mắt
Không cách nào ghì níu lại
Như cái Út đánh rơi viên bi tuổi thơ
Vào quên lãng
Em có thể lục album ảnh cũ để nhận mặt anh
Nhưng em đã không
Như em không muốn phone để được nghe giọng cha trầm và ấm
Dù không cách nào đánh thức
Kí ức đã rất xa.
Có khi bất chợt em quên rất nhiều khuôn mặt.
Nhà thơ Inrasara đã dịch thơ cổ tiếng Chăm ra tiếng Việt.
Nhà thơ cũng đã dịch thơ mới của Chahya Mưlơng, Jaya Thuksiam và Phú Đạm… ra tiếng Việt.
Anh cũng có dịch ngược lại, từ Việt sang Chăm. Như nhà thơ đã dịch tập thơ Trà Ma Hani thơ có giải thưởng Kim Đồng ra tiếng Chăm. Nay anh dịch thơ Kiều Maily ra tiếng Chăm nữa, thì rất quý. Mong anh khi dịch thì có chú thích để mọi người dễ đọc. Thơ Kiều Maily viết như thế là khá hay.
Bài Hoài cảm rất xúc động.
Đoạn này hay quá!
“Như em không muốn phone để được nghe giọng cha trầm và ấm
Dù không cách nào đánh thức
Kí ức đã rất xa.
Có khi bất chợt em quên rất nhiều khuôn mặt“.
Như thế là theo tôi biết người Chăm đã có 3 thi sĩ nữ: Chế Mỹ Lan, Trà Ma Hani và Kiều Maily. Kiều Maily còn trẻ và học bên nghệ thuật (cùng ngành với thơ ca) tôi hy vọng sẽ còn tiến xa.
Hôm trước đọc thấy thơ bạn trên báo Đà Nẵng, mình ngạc nhiên lắm. Nửa tin nửa ngờ… nhưng hình bạn kia kìa! Hay lắm, ủng hộ bạn một tiếng nhé.
Mến
Chi Vân vừa xinh vừa làm thơ hay. Đọc thích quá.
Thương chị nhé.
Em gái.
Chúc mừng dân tộc Chăm đã sản sinh thêm một nữ sĩ rất có “nội lực”. Hy vọng được đọc nhiều hơn những bài thơ hay như thế này của Kiều Maily trong thời gian tới.
Tập thơ đầu của cây bút vô danh mà chinh phục được hội đồng chấm giải, thì công nhận nó có cái gì đó hay. A. Inrasara Là phó chủ tịch hội đồng thơ Việt Nam ắt hiểu hơn ai cả. Nhờ a phân tích sơ về về cái hay trong thơ tác giả nữ này để mọi người thấy rõ hơn. Rất mong.