Trong thứ triết lý đen tối gần như là bệnh hoạn, Chế Khan tin rằng chỉ khi nào ai đó đột hứng đào mồ chôn phắt quá khứ đi thì xã hội Chăm mới nhúc nhích lên được, thứ niềm tin cứng đầu khiến hắn dù trong cộng đồng nhưng đã không mẫu số chung với cộng đồng hắn cho là phiền toái đến hết thuốc chữa, và tốt hơn cả là đi trước nó. Kẻ đã khăng khăng rằng chỉ có tôi mới đủ tầm để hiểu hắn đồng lúc chửi rủa triết lý giải-truyền thống của tôi – thuyết lý tôi kì công bỏ cả thời tuổi trẻ dựng lên như là lối thoát cho lối thoát của truyền thống văn hóa dân tộc bị hắn cho không gì hơn một thành ngữ thời thượng khác thêm vào đống cụm từ thời thượng sáo mòn lâu nay thiên hạ bôi bẩn quanh vấn đề quá cũ rích này: đậm đà, bảo tồn bản sắc, tiếp thu sáng tạo, truyền thống ngàn năm, nét đẹp quốc hồn quốc túy, phát huy vốn văn hóa vân vân ôi là vân vân – hắn cười vào mũi nó, cho tôi là đồ nhiễm trùng máu theo voi ăn bã mía chỉ đợi ngày cắp nón ăn mày. Còn kẻ tự nhận cải biên hay phát triển truyền thống này nọ chỉ là thứ lấy đầu này đắp đầu nọ hổ lốn vô trật tự chẳng lừa nổi ai ngoài bọn con nít đầu óc không thể nghĩ cao hơn hàng rào nhà chúng. Phát biểu khơi khơi ngỡ là tầm phào sau dáng vẻ phớt đời này của hắn cũng đã gây sốc xã hội Chakleng lâu nay quen thói nghe theo, tin theo cũng đã mở mắt ngộ ra hay chí ít biết xấu hổ cho cái tin theo của mình. Kẻ chưa một lần biết yêu phụ nữ dù đó là bà hay mẹ, cô dì, chị, em gái hoặc vợ gì gì hắn cũng cho chỉ đáng thương hại mà thôi, lại bị câu chuyện một cô gái vớ vẩn tại một làng xa xôi diệu vợi khỉ ho cò gáy làm cho điên đảo.
Hắn bỏ làng ra đi.
Inrasara, Chân dung Cát, 2006