Khi tôi còn chưa cắp sách đến trường như Anh Đạm, cha dạy tôi thuộc lòng: Tikuh, Kabaw, Rimaung, Tapay, Inư Girai, Ula Anaih, Athaih, Pabaiy, Kra, Mưnuk, Athuw, Pabwei. Sau đó là Tí, Sửu, Dần,… Tôi nằm úp ngực sàn nhà mà vẽ chữ Chăm. Từng chữ từng nét. Tôi hỏi cha: – Sao cứ phải ula anaih mà không la neh cho nhanh, yang (lối xưng hô của chúng tôi hồi bé) thấy ai cũng nói thế mà? – Không nhanh được, – cha bảo. Bốn mươi năm sau, Hani hay độn tiếng Việt vào câu nói, – Để cho nhanh, – em bao biện. Nhanh, đó là đặc tính của văn minh hiện đại, trong khi học thì phải thật chậm.
Đánh vần TÍ, cha dạy: akhar kak takai kuk pauh danih lang likuk akhar tak takai kik, kak kuk dani kuh tak tik TIKUH. Chẳng phiền ai cả, êm như ru, đánh vần mà như hát. Sau một góc tư thế kỉ, Ban Biên soạn dạy con cháu: k/ uh/ kak uh kuh/ TIKUH. Nhanh, gọn, rất fast food! Nhưng học thì phải chậm. Thông minh đến đâu cũng nên chậm, – ông ngoại nói. Ông ngoại là thầy cao đạo trong vùng, tác giả thi phẩm Ariya Rideh Apwei nổi tiếng. Đêm trăng sáng, nằm ngửa trên chõng tre ngoài sân, ông ngâm Ariya Glơng Anak. Đoạn đó cháu thuộc rồi ông à. – Thuộc rồi cũng phải học lại, – ông ngoại bảo. Mãi sau này, tôi mới hiểu ngoại: thuộc cũng cần đọc lại.
Inrasara, Chân dung Cát, 2006