Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, 2012 (Trích Phần mở đầu)
1. Lí do chọn đề tài
Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, văn học các dân tộc thiểu số còn rất trẻ và chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn. Tuy vậy, nó đã và đang dần trở thành một bộ phận khăng khít, độc đáo, góp phần làm nên diện mạo đa dạng và phong phú của văn học dân tộc. Thơ dân tộc thiểu số phong phú và chiếm ưu thế hơn văn xuôi nhưng hiện nay văn xuôi dân tộc thiểu số đã và đang có những biến chuyển tích cực cả về số lượng và chất lượng nghệ thuật. Văn xuôi nói chung và tiểu thuyết nói riêng của một số cây bút dân tộc thiểu số Việt Nam gần đây có sự mở rộng về đề tài, có nhiều dấu hiệu mới trong cách nhìn và tư duy nghệ thuật, trở thành mảng đề tài hấp dẫn, hứa hẹn những đóng góp nhất định về khoa học và thực tiễn.
Đội ngũ các nhà văn dân tộc thiểu số từ thời kì đầu cho đến nay không ngừng lớn mạnh về số lượng và trưởng thành trong từng trang viết. Có những tài năng xuất sắc, cũng có những tác giả chưa định hình được phong cách riêng nhưng tất cả các văn nghệ sĩ đều nỗ lực, nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật với mong muốn giữ ngọn lửa văn chương của dân tộc mình. Có thể kể đến các tên tuổi tiêu biểu sau: miền Bắc có Triều Ân, Nông Minh Châu, Cao Duy Sơn, Vi Hồng…; miền Trung có La Quán Miên, Kha Thị Thường…; Tây Nguyên có Y Điêng, Hlinh Niê, Kim Nhất… Đặc biệt vùng duyên hải Nam Trung Bộ có một tác giả đã trở thành một hiện tượng trong giới sáng tác văn học suốt thời gian vừa qua. Ông là Inrasara – người được mệnh danh là “Đứa con của Tháp nắng”, “Kẻ lưu giữ văn hóa Chăm”
Inrasara là một cây bút dân tộc thiểu số đã thành danh trong lĩnh vực thơ ca và nghiên cứu, phê bình văn học. Với ý thức tìm hiểu tâm hồn dân tộc cũng như giới thiệu để thế giới biết đến dân tộc Chăm, văn học Chăm, Inrasara đã dành nhiều tâm huyết, không ngừng tìm tòi, sưu tầm để bảo tồn kho tàng văn học Chăm; đồng thời có những thể nghiệm mới mẻ, cách tân làm cho nó trở nên phong phú hơn. Ông vinh dự nhận được nhiều giải thưởng văn học trong nước và quốc tế cho lĩnh vực nghiên cứu, phê bình và thơ. Gần đây, Inrasara đã cho ra mắt bạn đọc hai cuốn tiểu thuyết với phong cách riêng: Chân dung Cát và Hàng mã kí ức. Từ khi được xuất bản và ra mắt công chúng, hai cuốn tiểu thuyết này đã gây được sự chú ý với các nhà phê bình, nghiên cứu và sự quan tâm của bạn đọc yêu mến Inrasara. Có nhiều những ý kiến bàn luận, thậm chí tranh luận xung quanh hai cuốn tiểu thuyết này. Vậy tiểu thuyết của Inrasara có những đặc điểm gì về nội dung và nghệ thuật? Tiểu thuyết của ông có những tìm tòi, khám phá gì mới mẻ và những vấn đề gì còn tồn tại? Đó là nội dung trọng tâm mà luận văn này sẽ đi sâu tìm hiểu.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Sơ lược về tình hình nghiên cứu văn chương của Inrasara
Inrasara từng bộc bạch: “Mỗi cuộc đời có định mệnh của nó. Định mệnh mở ra ngay ở khởi đầu của hành trình đời người. Với tôi, văn chương như là một định mệnh”. Định mệnh ấy cùng với một tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, một sức sáng tạo dồi dào, Inrasara xứng đáng là người lao động cần mẫn, chăm chỉ trên “cánh đồng chữ nghĩa”, giống như “gã nông phu mắc nợ văn chương, chàng thi sĩ mang khối óc học thuật” (Nguyễn Hàng Tình). Nâng niu và sống hết mình với văn hóa dân tộc Chăm, ông đã khẳng định được cá tính sáng tạo độc đáo trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của mình. Được mệnh danh là “Đứa con Tháp Chàm” và vinh dự nhận được nhiều giải thưởng văn học trong nước và quốc tế cho lĩnh vực nghiên cứu và thơ, Inrasara là nhân vật tiêu biểu xuất hiện với tần số khá cao trên truyền hình và nhiều tờ báo với các cuộc tranh luận khác nhau. Văn nghiệp của ông trở thành mảng đề tài thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, phê bình và là đối tượng chính của các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ. Cụ thể là:
– Trần Xuân Quỳnh (2008), Thơ Inrasara, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Đà Lạt.
– Võ Thị Hạnh Thủy (2008), Thế giới nghệ thuật thơ Inrasara, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
– Lê Thị Việt Hà (2009), Hành trình cách tân thơ của Inrasara, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Vinh.
– Trần Hoài Nam (2010), Inrasara Từ quan niệm đến phong cách, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
– Nguyễn Thị Thủy (2010), Đặc điểm nghệ thuật thơ Inrasara, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Huế.
– Nguyễn Thùy Dung (2010), Tinh thần hậu hiện đại trong thơ Inrasara, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Và hơn 20 khóa luận cử nhân khác cùng hàng trăm bài viết của các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ và các bài phỏng vấn Inrasara trên các báo, tạp chí chuyên ngành như: tạp chí Nhà văn, tạp chí Nghiên cứu Văn học, tạp chí Sông Hương, báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), báo Văn nghệ Thái Nguyên (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên), báo Người lao động, báo Sài Gòn Giải phóng…. cũng như trên các tranh website: Phongdiep.net, Inrasara.com, Vanchuongviet.org, Tienve.org…
Inrasara còn là nhân vật chính trong các phim tài liệu của đài truyền hình, trên các kênh VTV1, VTV3, VCT1, HTV7, VOV1… Năm 2005, ông được Đài Truyền hình Việt Nam VTV3 bầu là Nhân vật Văn hóa trong năm.
Qua những thống kê trên ta có thể thấy, cuộc đời và văn nghiệp của Inrasara đã thu hút được dư luận và sự quan tâm của giới nghiên cứu phê bình, báo chí, truyền hình và đông đảo độc giả yêu văn chương. Đặc biệt thơ của Inrasara có một sức lan tỏa mạnh trong đời sống văn học dân tộc thiểu số nói riêng và văn học dân tộc đương đại nói chung. Ngay khi tập thơ đầu tiên được xuất bản (Tháp nắng, 1996), ông đã được dư luận quan tâm và giới nghiên cứu đánh giá như một hiện tượng văn học. Sau này khi năm tập thơ tiếp theo lần lượt được xuất bản, Inrasara đã mang đến một hương vị lạ cho thơ Việt và góp phần không nhỏ vào công cuộc vận động cách tân của thơ Việt Nam đương đại.
Thời kì đầu thơ ông đậm bản sắc dân tộc và mang phong cách hậu lãng mạn; sau đó dần dần được đổi mới cách tân theo tinh thần hậu hiện đại, đặc biệt ở phương diện nghệ thuật như việc sử dụng giọng điệu, ngôn ngữ, hình thức thơ, kết cấu văn bản lạ với nhiều thể nghiệm mới mẻ. Các tác giả trong các công trình nghiên cứu của mình đã đi sâu tìm hiểu rất nhiều phương diện trong thơ của Inrasara. Cụ thể là: các phương diện sáng tạo nghệ thuật trong thơ của Inrasara trong sự vận động phát triển thơ ca Việt Nam đương đại (Lê Thị Việt Hà); quan niệm nghệ thuật của Inrasara, các phương diện của cái tôi trữ tình, những đặc sắc nghệ thuật dưới cái nhìn hậu hiện đại trong thơ Inrasara (Võ Thị Hạnh Thủy); cái hay cái mới trong thơ Inrasara xuất phát từ quan niệm nghệ thuật của nhà thơ (Trần Hoài Nam), tinh thần hậu hiện đại trong thơ Inrasara (Nguyễn Thùy Dung)…
Ở lĩnh vực phê bình, Inrasara cũng được đánh giá là đã tạo được một phong cách riêng độc đáo thể hiện trong giọng điệu, đề tài và phương pháp phê bình: “Inrasara đã thành công khi tạo được cho mình một phong cách phê bình riêng. Điểm nổi bật của nhà phê bình Inrasara là tự tin, dũng cảm, dám nói thẳng, nói thật những điều mình biết, mình nghĩ mà không sợ mất lòng ai” [33]. Quan tâm đến nhiều vấn đề của đời sống văn chương, đặc biệt là văn học thiểu số, Inrasara đã có những bài phê bình thể hiện được tài năng cũng như những suy tư, trăn trở của mình đối với nền văn học nước nhà. Tác giả Trần Hoài Nam cho rằng: “Thưởng thức phê bình Inrasara, người đọc cũng bị hấp dẫn như đọc chính thơ ông vậy. Một chất lí luận vừa khúc triết vừa cảm xúc. Mỗi bài viết dù dài hay ngắn đều có bố cục chặt chẽ, mạch lạc với sự phân bố hợp lí các luận điểm, luận cứ, luận chứng” [33]. Tiểu thuyết của Inrasara cũng là một sự thể nghiệm hết sức mới mẻ của ông trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật và bước đầu nhận được sự quan tâm của dư luận. Những nghiên cứu về tiểu thuyết của Inrasara chúng tôi sẽ làm rõ thêm ở phần sau.
Có thể thấy Inrasara đã mang đến một cơn gió lạ cho văn học thiểu số đương đại nói chung và văn học Việt Nam nói riêng. Chính thức bước chân vào văn đàn chưa lâu, nhưng những sản phẩm của quá trình lao động nghệ thuật của ông đều đã tạo được những dấu ấn riêng. Việc tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu sâu thêm về Inrasara và sự nghiệp văn chương của ông là một việc làm cần thiết. Không chỉ là để có cái nhìn rõ ràng, đánh giá một cách toàn diện, chính xác về một cây bút dân tộc Chăm nói riêng mà còn để đánh giá, nhận xét một cách toàn diện và đầy đủ hơn về thành tựu và hạn chế của văn học dân tộc thiểu số đương đại nói chung trong tiến trình phát triển của văn học dân tộc.
Đặc biệt vùng duyên hải Nam Trung Bộ có một tác giả đã trở thành một hiện tượng trong giới sáng tác văn học suốt thời gian vừa qua. Ông là Inrasara – người được mệnh danh là “Đứa con của Tháp nắng”, “Kẻ lưu giữ văn hóa Chăm”