Báo Bình Thuận cuối tuần, 5-10-2012
1. Tagalau – tiếng Việt là Bằng lăng, loại cây mọc nhiều ở miền núi Ninh Thuận và Bình Thuận. Tagalau biểu tượng cho tính dân dã, sức chịu đựng, sự khiêm tốn, và nhất là cho nỗ lực nở hoa dù phải mọc trên mảnh đất nghèo cằn.
Tagalau được nhóm trí thức Chăm chọn làm tên cho tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Chăm. Tagalau là tuyển tập chứ không phải là tập san hay tạp chí, cho nên Tagalau không in định kì. Khi có đủ bài vở, Ban biên tập mới xin phép xuất bản. Tagalau số đầu tiên ra mắt vào mùa Katê năm 2000. Sự xuất hiện của đặc san đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong sinh hoạt chữ nghĩa Chăm, một bước đột phá mới, hội nhập vào sinh hoạt văn học trong cộng đồng đa dân tộc Việt Nam.
Tagalau ra đời với ba mục đích khiêm tốn: Giúp người Chăm phần nào hiểu được văn hóa và ngôn ngữ dân tộc mình; giới thiệu các nét đặc trưng văn hóa Chăm đến với các dân tộc anh em, từ đó các dân tộc trên đất nước Việt Nam hiểu và thông cảm nhau hơn; tạo diễn đàn cho các cây bút Chăm có đất để in sáng tác hãy còn khiêm tốn của họ; và cuối cùng, người Chăm ở vùng sâu vùng xa hay hải ngoại nhận được các thông tin về sinh hoạt văn hóa – xã hội của dân tộc mình.
Số mới nhất: Tagalau 13 do Nhà xuất bản Văn học in tháng 9-2012 như quà tặng mùa Katê năm 2012, bên cạnh đón mừng Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm được tổ chức tại tại Ninh Thuận vào dịp này. Tác giả tham gia viết Tagalau không giới hạn ở cộng đồng Chăm mà gồm cả các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Cạnh đó Tagalau còn mở rộng vòng tay đón nhận các bài viết, sáng tác của người Chăm hải ngoại, trong tinh thần bao dung và ý hướng lành mạnh, để làm phong phú giọng điệu văn hóa dân tộc đặc thù.
2. Tháng 9-1996, sau Trại sáng tác tại Đại Lải, phụ san báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam là tạp chí Văn nghệ Dân tộc và Miền núi ra số đặc biệt về Katê. Ở đó, đa số bài viết do các tác giả người dân tộc Chăm đóng góp – các cây bút hoàn toàn vô danh. Katê năm 1997, tạp chí Văn nghệ Bình Thuận cũng tập hợp các chủ đề tương tự, do nhà thơ Inrasara tổ chức bài vở. Tiếp đó, sang năm 1998, tạp chí Văn hóa Dân tộc làm số chào mừng lễ hội Katê. Qua ba kì, nhận thấy cộng đồng Chăm có tiềm lực, cho nên năm 1999, trí thức Chăm như Inrasara, Trà Vigia, Trầm Ngọc Lan, Nguyễn Văn Tỷ quyết tạm nghỉ một năm để chuẩn bị cho Tagalau ra đời.
Ở hai số đầu tiên, Tagalau do Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam đỡ đầu, nhà thơ Nông Quốc Chấn chịu trách nhiệm bản thảo. Mãi đến số thứ ba, nhà thơ Inrasara mới đứng tên chủ biên. Đến kì thứ tư, các cây bút trẻ như Jalau Anưk, Bá Minh Trí, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên… nhập cuộc.
Mười hai năm đi qua, từ số đầu tiên Tagalau mở mắt chào đời, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, biến động của thời cuộc, thay đổi của lòng người, Tagalau vẫn tồn tại và phát triển. Phát triển, thủy chung như tôn chỉ ban đầu; tồn tại với sự ủng hộ của độc giả gần xa và cả giới chuyên môn trong và ngoài nước. Đó là điều đáng mừng. Đồng hành cùng Tagalau, trên bước đường, vài người có mặt buổi đầu rồi nghỉ, đại bộ phận vẫn trung thành đi suốt hành trình nhọc nhằn và vinh quang cùng Tagalau, bên cạnh không ít cây bút mới đã tiếp sức.
3. Khi thông tin các loại đang tràn ngập sách báo, mọi khám phá hôm trước, hôm sau cả thế giới biết rồi. Thông tin về xã hội và văn hóa Chăm ít, nên cái biết kia càng gọn. Không việc gì phải viết thêm. Khi website của người Chăm và về Chăm được mở ra hàng loạt, sẵn sàng cung cấp thông tin mới nhất kia đến bạn đọc ở bất kì đâu trên đất nước Việt Nam và thế giới. Chưa kể blog, facebook… Và nhất là, khi báo giấy đang mỗi ngày mỗi giảm số lượng in, cả trăm tạp chí giấy tiếng Việt ngày càng ế, rồi cả chính Tagalau cũng đang ế. Chưa nói vụ dân số Chăm ít, và người quan tâm đến văn hóa và sáng tác Chăm càng ít hơn.
Tagalau không cần thiết phải có mặt nữa! Hay nếu muốn, hãy chuyển qua hình thức khác… Thế nhưng, dẫu sao đi nữa, Tagalau cần phải có mặt.
Thứ nhất, bất kì ai cũng có thể mở được trang website, mở và đóng bất cứ lúc nào, nhiều quá thành loạn; Tagalau hiếm, nên là hàng quý. Thứ hai, website cũng có nhiều tác giả tham gia, nhưng đa phần sớm nở tối tàn, Tagalau tập hợp được nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau, ở đó đa phần người viết và người đọc đều trung thành. Thứ ba, các trang mạng thường sao chép hay dễ bị sao chép lẫn nhau, Tagalau phần nào đó tránh được tình trạng này. Thứ tư, các website có thể bị tin tặc tấn công, lấy mất hết dữ liệu, khó phục hồi; Tagalau thì không. Thứ năm, đại đa số người Chăm sống ở vùng nông thôn chưa trang bị máy vi tính, Tagalau là phương tiện hữu hiệu đưa thông tin đến cho đồng bào cư trú ở vùng sâu vùng xa. Thứ sáu, trở lại lí do ban đầu, Tagalau cần có khoản chi phí cao hơn website, cần thông qua vài thủ thục pháp lí chính thống, cần nỗ lực và hợp lực, điều đó nó nói lên giá trị ở tự thân. Cố gắng làm điều gì đó, ta sẽ vui hơn, khi ngoảnh lại nhìn thành quả đó.
Thứ bảy…
Đó là các lí do để Tagalau có mặt. Và tiếp tục có mặt…
*
Đến hôm nay, ở đất nước ta, Tagalau là đặc san duy nhất của dân tộc thiểu số được ấn hành và tồn tại qua 13 kì liên tục. Đó có thể nói là một thành tích đáng ghi nhận. Đạt được điều ấy, Tagalau cần đến bốn trụ cột: cộng đồng đó có người viết, có độc giả, có Mạnh Thường Quân, và cuối cùng, một yếu tố không thể thiếu là các cơ quan ban ngành liên quan sẵn sàng ủng hộ Tagalau, từ cấp giấy phép cho đến khâu phát hành. Chính bởi các yếu tố trên mà Tagalau đã cuốn hút hơn hai trăm cây viết gồm nhiều dân tộc, thành phần, đã thành danh hay mới xuất hiện tham gia mà tồn tại và lớn dậy suốt mười hai năm. Và cả ngày mai nữa, ai biết?…
Chúc cho Tagalau luôn nở hoa, tỏa hương và khoe sắc…