Trong lúc Thuman thao thao bất tuyệt với Hà Vân về Pauh Catwai và Glang Anak thì tay thư kí thường trực ghi ghi chép chép. Hắn xem hai thi phẩm như cặp song sinh giữ thăng bằng cho xã hội Chăm tránh rã đám. Đừng tin vào các nhà Champa học khệnh khạng đi đo hộp sọ, cân xương bánh chè bằng cân tiểu li hay mang sợi tóc tổ tiên chẻ làm tư mà mong hiểu Chăm. Tháp Cánh Tiên, Dương Long hay cả Thánh địa Mỹ Sơn chỉ là trò chơi vô tội vạ của vua chúa thừa quyền nhưng thiếu đầu óc, vắt kiệt sức dân để phô trương cái tôi phi nhân tính. Cũng chớ cả tin cái tay Inrasara khi định nhốt hai tác giả này vào rọ của thái độ chính trị nhất thời. Pauh Catwai và Glang Anak đứng ở tầm cao hơn, bao quát tất cả và của muôn đời. Một đại dương đau khổ và suy nghiệm được chắt lọc trong vài chục trang giấy này.
Hắn bảo Quảng đưa cho Hà Vân bản chép tay thi phẩm cùng các tập Ghi chú (đến mười cuốn vở học sinh loại 96 trang). Hà Vân đọc ngay đoạn mở đầu:
Tư tưởng thâm trầm nhất của Chăm tập đại thành ở Pauh Catwai và Glang Anak. Kẻ suy tư không có giờ cho sáng tác lê thê kiểu như Dewa Mưno, Inra Patra… thời Chăm chưa nặn ra nổi cốt truyện ra hồn mà phải vay mượn từ Mã Lai. Cả loại văn bia kí không gì hơn ngoài tìm cách hành văn sao cho kêu nhất để lấy lòng vua chúa, là đứa con so của sợ hãi, không hơn. Lối văn săn chắc, suy tư rắn rỏi thích hợp với con người thực tài khác hẳn mớ ý tưởng mơ hồ chuyên bao che cho những tâm hồn nông cạn.
Và hai trang khác được giở ra theo trò may rủi:
Ia đwơc di kraung hier hier
Bingun di tapien jhauk blauh ricauw
Bilauk li-u mưng Lauw
Jhauk blauh ricauw gilac bilauk (Pauh Catwai)
Văn hóa Champa như dòng sông cuộn chảy, giàu sang và bất tuyệt. Nhưng chúng ta đã không còn nhận biết chân giá trị của nó, từ chối nó, quay lưng lại với nó để tìm đến thứ nước ao tù của văn hóa ngoại lai bẩn thỉu mong tẩy uế thân xác phàm tục của chúng ta. Vô ích. Cái gáo nước ao tù kia dù có nhập từ đất nước Trung Hoa xa xôi vẫn là thứ nước ao tù cho tâm hồn ao tù và thân xác ao tù. Với tâm hồn ao tù thì dòng sông cuộn chảy kia cũng chỉ và mãi là ao tù không hơn không kém.”
“Anh bạn tôi có truyện ngắn về chuyện tình đôi bạn Chăm – Việt. Anh đặt họ vào bối cảnh và tình huống cá biệt: họ sẽ tỏ tình với nhau bằng tiếng nào một khi cả hai ở chung làng, nói sành hai thứ tiếng? Đó là tâm thế anh đặt ra, chứ đã say nhau, họ có kể gì. Họ tưởng tượng ra tất cả mọi tình huống xảy ra sau phút ban đầu thiêng liêng ấy. Nhưng có lẽ cái họ không nghĩ tới, cái họ bỏ quên: là ngôn ngữ chuyên chở lời tỏ tình. Anh thực tình không biết giải quyết ra sao tình thế tréo ngoe ấy. Rồi mọi sự xảy ra thật tự nhiên như nhiên.
Katê, chàng trai sinh viên Chăm về plây. Chàng qua nhà nàng. Mọi người đón chào chàng vui vẻ và tạo điều kiện cho hai bạn gặp riêng. Trong giây phút không xếp đặt, chàng cầm tay nàng nói: Anh nhớ em, anh yêu em bằng tiếng Việt. Nàng để yên hai tay trong tay chàng, im lặng và ghi nhận. Suốt mùa Katê, đôi bạn qua lại nhà nhau. Rồi chàng chuẩn bị vào thành phố, nàng qua, dĩ nhiên trông nét mặt, thái độ khác ngày thường. Nàng giúp chàng sắp xếp sách vở trong phòng học của chàng và tình cờ nghe lời dặn dò đứa con trai của ông cha con hãy tập trung tất cả cho học và dẹp mọi thứ yêu đương vớ vẩn đi, sau này hẳn tính. Nàng nghe một đổ vỡ trong tim mình. Chàng vào, nàng cầm hai tay chàng, dựa má vào vai chàng, nói dù sao đi nữa em luôn yêu anh, bằng tiếng Chăm. Rất tự nhiên.
Đó là lời tỏ tình. Có tí dính dáng tới lí trí, trí óc ta còn tham dự hay bố trí dù ý thức hay chẳng. Riêng tiếng cuối cùng trong nỗi bất ngờ đột ngột, cái chết đẩy chúng ta ra khỏi trần gian để giáp mặt với bóng tối không biết thì chỉ ngôn ngữ duy nhất, cận kề nhất, có khả năng cứu vớt linh hồn chúng ta nhất: tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Và chỉ có nó.”
Chú thích
“Báo Tuổi trẻ số ra ngày 24-9-1999 đăng tin mỗi tháng nhân loại mất đi hai ngôn ngữ. Trong 400 năm qua, trên 1000 ngôn ngữ của con người trên quả địa cầu này bốc khói. “Con người có thể sưu tầm, lưu trữ những dấu vết của thú vật và cây cỏ, nhưng tiếng nói thì bay đi… nó sẽ biến mất mãi mãi.” (Kortlandt)
Cùng biến mất với nó là bản sắc văn hóa và nếp suy nghĩ. Nhất là suy tư. Con người suy tư qua và bằng ngôn ngữ. Nhân loại ngày mai sẽ phân thành khu vực ngôn ngữ lớn, suy tư rập khuôn ngôn ngữ đó. Chúng ta sẽ suy tư Trung Hoa, Anh – Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Tây Ban Nha… để một mai Raglai, Mông, Tày, Chăm, Êđê… theo vết xe ngôn ngữ giống da đỏ Bắc Mỹ mà bốc hơi.”
– Anh cừ lắm. Hà Vân kêu lên, nhìn vào mắt Thuman, mỉm cười. Bỗng nàng giật mình trước ánh lửa đột ngột lóe lên trong mắt hắn, quái lạ. Hắn nhìn chằm chằm nàng: đôi mắt sáng, trong kia thình lình chuyển đục.
– Tôi rất muốn cắn vào tai em. Hắn nói và nghiêng người chồm tới.
Inrasara, Chân dung Cát, 2006