Có một “đức tính” cực kì quan trọng với người cầm chịch Tagalau, theo tôi – chính là sức chịu đựng và độ lì.
1. Trước hết ta hãy dành vài lời về chuyên môn.
Bạn nhận được bài nghiên cứu và sáng tác của tác giả gửi tới. Bạn vui sướng, vì Tagalau được quan tâm, yêu mến. Tải xuống, lập file và đọc. Bạn phải đọc kĩ lưỡng các sáng tác, các bài viết kia, (xin lỗi) cho dù nó có dở tới đâu. Rồi bạn trả lời thư, với lời lẽ rất biết điều. Làm sao bạn có thể từ chối nhiệt tình kia, trong khi chất lượng nó còn yếu? Đó là câu hỏi đầu tiên. Nếu biên tập, làm thế nào cho tác giả có thể chấp nhận được?
Đã có vài tác giả quay lưng vĩnh viễn với Tagalau chỉ vì bài thơ hay truyện ngắn mình không được đăng. Có bạn còn đòi tẩy chay Tagalau nữa! Đã xảy ra trường hợp bạn thơ trẻ nọ phone tới than phiền chủ biên đã sửa thơ mình sai. Đây là chi tiết rất đáng tự kiểm. Tác giả gửi tới, và dặn nhà thơ Inrasara tùy nghi biên tập giúp cháu nhé. Thế là tôi “giúp”, cũng khá nhẹ tay. Vậy mà, chú làm sai hết thơ cháu rồi. Thế là tôi đành chống chế: – “Nếu không làm như vậy thì BBT nhà xuất bản không đăng, bởi nó sáo quá, cháu à”. Chỉ đến lúc đó, mới qua chuyện.
Rồi, tại sao tác giả này thơ không hơn gì tôi mà được ưu ái đăng, tôi thì không. Hoặc, đâu là đề tài ưu tiên, đâu là phụ, đâu là bài đinh đâu là bài phong trào mà không phải bị nhiều độc giả dị ứng? Có nên tham gia vào các vấn đề mang tính chuyên môn sâu như tranh luận về ngôn ngữ không? Tại sao Tagalau tự cho mình đứng ngoài cuộc?
Cuối cùng, đâu là thông tin cần đưa lên Tagalau? Nhiều bạn hỏi, sao tác phẩm của tác giả Chăm này khá tốt mà không được giới thiệu? Tôi phải trả lời: Tagalau rất sẵn sàng, nhưng do tác giả đó không gửi tới, nên chịu. Biết đâu họ chê Tagalau thì sao?
2. Về độ lì và tính tháo vát trong công việc bếp núc (ở đây tôi không muốn dùng chữ “hi sinh”) là điều Tagalau cần đến hơn bất kì tạp chí nào. Làm cho tạp chí nhà nước thì có lương, có ăn có chịu. Thêm: tổng biên tập ít nhất cũng có sẵn một nhân viên tạp vụ, để làm các công tác ngoài lề. Đằng này, Tagalau hoàn toàn không. Không gì cả! Cho nên bất kì gặp sự cố không như ý nào, người ta rất dễ chán nản mà bỏ cuộc. Lí do nào đưa ra cũng chính đáng cả, và không ai nỡ trách.
Cầm chịch Tagalau, bạn phải gánh công việc từ A tới Z! Rất ít người có mặt khi bạn cần…
– Đánh máy ở thời gian trước đây, hay cả bây giờ với tác giả còn viết tay, đánh máy các bài thơ tiếng Chăm… và nhập dữ liệu.
– Biên tập và thư từ qua lại với tác giả. Tagalau 7 trở về trước, tôi in ra 5 bản tạm hoàn chỉnh, gửi về quê cho các tác giả đọc và chỉnh sửa; sau này đỡ hơn vì có 70 % tác giả sử dụng email, nhưng dẫu sao có một số bài phải thư đi tin lại 2-3 lần. Đây là khâu gây phiền hà nhất, và chịu mất lòng hơn cả.
– In bản thảo thô, gửi đến nhà xuất bản xin giấy phép. Nếu có bài bị loại ra, cần gấp rút tìm ngay bài khác lắp vào. Tôi luôn thủ sẵn bài để lắp, nhưng lẽ nào cứ Inrasara? Lại phải chạy kiếm bài…
– Kiếm tiền! Lại là gánh nặng khác. Tagalau bán được, là điều ai cũng biết. Làm sao Tagalau đến nhiều làng khác nhau thuộc nhiều vùng khác nhau, thì tương đối dễ. Điều gay cấn hơn cả chính là làm sao thu tiền đây? Lẽ nào Mạnh Thường Quân mãi ủng hộ, và chủ biên cứ nai lưng ra gánh?
– In sao cho chuẩn, làm bìa sao cho bắt mắt, giá cả thì phải chăng, vân vân…
– Kế đến, người cầm chịch cần đến độ tháo vát cuối cùng: gửi các đại lí và gửi đến tận tay tác giả mà không bị thất lạc. Bình quân 30 tác giả mỗi số, cư trú nhiều vùng miền khác nhau. Có người không địa chỉ, không tên thật… Rồi bạn phải thư hay phone hỏi thăm đã nhận chưa? Toàn bộ khâu này, thời gian qua “ngài” chủ biên đã tự gánh lấy đến 80% công việc.
– Cuối cùng, người cầm chịch phải học lắng nghe và trả lời các phản hồi từ người đọc. Thư riêng và thư chung. Bạn phải biết lắng nghe tiếng chê, và học cách chịu đựng nó.
Vân vân…
Than vãn như vậy, để chúng ta biết mà “chủng ngừa” trước, để chuẩn bị thần kinh và tư thế, các bạn nhé!
Quả thật nếu Sara không kể thì mọi người không biết hết nhiêu khê… 😀
Người ta thường thấy thi sĩ hay làm biếng, thi sĩ thì rất… nghệ sĩ. Chịu khó như nhà thơ Inrasara thì hiếm có lắm. Nhưng cũng đúng thôi, anh Inra vừa là nhà thơ vừa là nhà nghiên cứu, anh vừa còn là nhà phê bình nữa.
Rất trân trọng anh ở sức chịu đựng. Người Chăm thì quý anh, nhưng họ nói cũng dữ lắm, mà anh đã chịu đựng được và vượt qua để làm được 13 lý Tagalau. Phải nói TUYỆT.
Tôi đánh giá cao “độ lỳ” của anh!
He he… Sao quý vị uyên bác hổng thèm còm cái này hè? Rồi lại đi phê cái còm khác hè? Công việc Tagalau là đáng bàn vào lắm đó, bà con ơi! Tui nêu câu hỏi cho quý cô bác trả lời nhé:
– Ai thay bác Inrasara làm chủ biên nào, hay phó chủ biên gì đó?
– Làm sao có tiền để in, làm sao bán Tagalau được để hống ngửa tay xin?
– Mần răng để Tagalau đến tay người đọc Chăm ở nhiều địa phương?
– Làm thế nào để thêm kì mỗi năm cho vài Tagalau con ra mắt?
Hu hu… mại dzô đi, bà con… Anh em ta chứng tỏ sự lịch lãm của mình đi nào… dzô dzô dzô!!!
Ông Inrasara thâm lắm, cô bác ơi. Thâm nhưng không độc.
Ông ta trốn trách nhiệm để bà con cùng có trách nhiệm, đó không phải thâm sao? Ông ta dụ các bạn trẻ vào cuộc, để ông ta thoát đó. Các bạn trẻ nổi máu anh hùng là nhảy vào. Thế là dính. Vậy tại sao chúng ta phải sợ chứ? Nói dại, nhỡ ông Inrasara trúng gió ngày mai, Tagalau chịu chết sao? Yeh…
Điều hành tập san Tagilau quả thật nhiêu khê lắm! Đối với ai từng dày công hoạt động xã hội trong cộng đồng Chăm đều dễ nhận ra điều ấy. Nay Inrasara có ý định giao trách nhiệm điều hành Tagilau cho giới trẻ. Đó là ý hay va cần.Nhưng phải chuẩn bị kỹ từng bước cụ thể:
1- Sara và giới trẻ cùng làm [trách nhiệm mỗi bên 50%]
2- Trách nhiệm bên giới trẻ tăng dần cho đến 100%.
3- Giới trẻ làm chủ hoàn toàn bên cạnh một Inrasara thân hữu tích cực
Tôi ao ước Tagilau sẽ sống mãi với thời gian
Tôi cũng mong rằng các mạnh thường quân luôn luôn hỗ trợ.
Tớ thấy các bạn không nên đặt câu hỏi để chờ ai đó khác trả lời mà nên nói lên ý kiến của mình. Đặt câu hỏi thì có lẽ ít cần thiết lắm, kiểu như Tổng Bí Thư. Mình thấy như thế không cần đâu các bạn. Cụ thể đi!
Chính Tagalau không phải là của cei Sara nên bà con ta dè dặt. Chứ của cei Sara thì dễ, cei trả cho ai đó là xong. Nhiều cô chú lớn tuổi kinh nghiệm hơn, dè dặt là phải. Theo em, anh Jalau Anưk nên họp sớm để bàn, khi thuận lợi là cei Sara giao tất thôi.