Giữa bao nhiêu biến cố ấy, chòi của Thuman vẫn đứng vững quá phép lạ. Khác với chòi Saman bạn học cùng lớp Văn Lâm phơi mặt với gió Xalatan, nó biết khôn khéo núp bóng hàng tre tránh bị xẹp lép dưới bánh xe lịch sử từng nghiền nát bao nhiêu thứ trên đời. Nó cứ đầy đủ sức khỏe, đầy đủ cùng chủ nhân ông của nó – chàng nông dân thi sĩ Thuman.
Anh chàng sống phi thời, sống ngược thời đại, kẻ cư trú ngang thời gian như hắn tuyên bố này, sau khi tốt nghiệp khoa Anh trường Đại học Tổng hợp không chịu đi dạy học cũng như từ chối làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô trước đó hay sau này không nhận suất học bổng do một giảng viên trường Đại học Sorbonne gợi ý. Cứ bám lấy chòi và chỉ cái chòi. Hắn không muốn làm dài thêm (một trong những) danh sách dài ngoằng của các học vị học hàm xuất lò đại học dù trong hay ngoài nước, to/ bé, nổi tiếng ít/ nhiều. Mà chỉ ước muốn được là một Thuman, ước muốn mãnh liệt, thường trực, không lay chuyển.
– Xã hội sẽ ra sao nếu mọi người đều có quan điểm như em? Ông thầy dạy cũ hỏi.
– Em không là gương mẫu của ai cả. Và thầy cũng đừng lo mọi người đều có quan điểm như em. Kẻ chăm chút chạy chọt cho cái bằng có chở bằng xe bò.
Nhưng con người đã ngạo mạn từ chối lên xe bò tập thể này đi về đâu?
Quy hồi cố hương năm 1979 lúc Chakleng đang vào Hợp tác xã, mấy sào ruộng với cặp trâu cày đã sung tập thể, ra đồng theo tiếng kiểng, họp Đội sản xuất, nhận giạ thóc đầu tiên của Hợp tác ăn chia theo công điểm, đóng công lao động xã hội chủ nghĩa, văn nghệ quần chúng, bóng đá phong trào, bạn bè vượt biên lọt hay hụt, ngồi tù và ra tù, những tờ khai lí lịch, lập biên bản… Năm 1981 phong trào nho nở rộ Ninh Thuận, nho tím thế chỗ nho xanh rồi nho đỏ đẩy giống nho tím vào quên lãng. Trong khi quanh hắn nho là nho với đủ loại thuốc độc tưới ngày đêm vào môi trường nông thôn khốn khổ với hy vọng gặt hái ngày mai tươi sáng thì một sào đất gia đình còn giữ lại cứ bắp với đậu ván từ cụ tổ gia truyền con cháu không dứt ra được. Quân tử hòa nhi bất đồng thì quân tử ăn chẳng cầu no. Ruộng khoán mặc cho mẹ nó chăm lo thì chẳng thể bì được mấy anh nông dân hiện đại làm ăn có nghiên cứu sách vở (lúc này các ấn phẩm khoa học phổ thông tràn hiệu sách). Đói kinh niên. Trong lúc chòi thơ luôn xôm tụ khách văn ra vào. Nên khi cuộc cách mạng đệ nhị kì nổ ra ở Chakleng, Thuman là kẻ được hưởng lợi đậm nhất (đậm so với cảnh ngộ cá biệt của hắn và chòi thơ hắn).
Hắn lập ngay cái giàn nguyên sào đất quanh năm suốt tháng luân phiên xanh tươi với nào bầu, mướp, khổ qua, dưa leo… Bà vợ nông dân tội nghiệp thả sức căng cổ ra mà đội xuống chợ.
Mười ba năm qua.
Inrasara, Chân dung cát, 2006