Trà Chay Pyang: Tôi yêu Chế Linh

* Bài này tác giả đã đăng ở Champouth.com, 2004, nay vì website kia đã đình bản, nên gửi đăng lại ở đây.

*

Lạ! Chế Linh và Từ Công Phụng đồng tộc, đồng thời, đồng quê nhưng lại khác nhau một trời một vực về tính cách và con người. Chế Linh: cực kì bình dân, anh Phụng: rất trí thức; Chế Linh: rất Chăm, anh Phụng: rặt “Tây”; nhạc Chế Linh  được phổ biến rộng rãi trong quần chúng, ngược lại các ca khúc của Từ Công Phụng chỉ được biết đến tại các phòng trà; vân vân…

Thế nhưng đây lại là hai đứa con ưu tú đã làm cho Chăm mở mặt mở mày với đời, đã mang danh từ Champa vang khắp nơi. Mặc dù nhạc anh Từ Công Phụng không được phổ biến nhiều tại các xóm làng Chăm, bởi nội dung của các nhạc phẩm này dường như không nói gì đến Chăm, và nhất là nhạc anh quá trí thức nên ít người Chăm thưởng thức được. Nhưng mỗi khi nhắc đến Phụng là người Chăm hãnh diện. Đơn giản anh là người Chăm.

Lạ! khi tôi bảo với vài anh em văn nghệ Yuon rằng anh Phụng là Chăm, họ hơi nghi ngờ. Ngay cả tôi xưa cũng vậy, dù thường xuyên hát ca khúc anh, nhưng không biết anh người Chăm!! Vì đây là thứ nhạc hào hoa và sang trọng. Nếu ai hỏi tôi thích ai giữa hai nhạc sĩ-ca sĩ này, tôi cũng không biết trả lời sao nữa. Bởi so sánh là rất khập khiểng. Dù sao tôi cũng xin trả lời: tôi thích nhạc anh Từ Công Phụng, nhưng tôi yêu Chế Linh. Rất yêu.

 

Thống kê sơ bộ cho biết ảnh Chế Linh chiếm hơn phân nửa bìa ngoài các tờ nhạc cánh bướm tại Sài Gòn ngày xưa. Một sự xuất hiện ào ạt như vậy không phải ai cũng làm được. Nhưng theo chỗ tôi hiểu: anh vẫn là một nghệ sĩ nghèo. Trong lúc các ca sĩ hôm nay nếu được nổi tiếng bằng nửa anh thôi cũng đã hốt bạc. Tại sao? Đó là tính khí Chăm, một bạn tôi bảo thế. Rồi đến tận hôm nay, giọng ca của Chế vẫn lan tràn khắp xóm làng, thành thị ViệtNam(hải ngoại thì tôi không được biết). Giọng ca anh theo cả các xe đạp bán kẹo kéo, quán cà phê cóc, trên đồng ruộng, trong nhà máy sản xuất giày dép tại Hà Nội,…dù sau này có nhiều người bắt chước giọng anh hay hát gần như anh nhưng đã không một ai có được chất giọng mượt mà, êm như nhung, ru hồn người và nhất là có sức thu hút kì lạ như giọng ca của anh. Đó là cái bí ẩn của Chăm!

 

Đấy là giọng ca của con dân mất nước, – nhiều người nghĩ vậy. Và có lẽ đúng như vậy! Giọng ca được truyền từ đời này sang đời khác, và hôm nay đọng tụ lại trong anh. Hãy nghe một nhà nghiên cứu viết trên Talawas: “Từ khi nhà Nguyễn thẩm nhập cái âm nhạc mất nước của dân tộc Chàm bằng những lời ca Huế thì triều đại này chỉ còn đi xuống dốc. Một triều đại quyền lực, một trung tâm chính trị quốc gia lẫy lừng từ khi bị nhiễm lấy cái vi khuẩn của loại nhạc mất hồn của dân Chàm thì chỉ cần một thời gian ngắn là cả hệ thống chính trị Việt Nam bị suy đồi từ trí thức cho đến ý chí, từ tình cảm cho đến nghệ thuật” (Nguyễn Hữu Liêm, “Cái âm điệu tủi thân, bi đát”).

Chưa chắc ông Nguyễn Hữu Liêm đã nhận định đúng, nhưng cái đó nói lên hiện tượng rằng đại đa số người Việt nghĩ giọng ca Chế Linh đích thị là giọng của người dân mất nước, không sai.

 

Tôi yêu Chế Linh là bởi lẽ đó. “Đồ Bàn ơi, Tháp Chàm hỡi! bao kỉ niệm day dứt trong tôi…”. Những lúc buồn buồn tôi hay lẩm nhẩm câu hát đó của anh, dù sau đó có người đã đổi ca từ, nhưng tôi cứ hát lời cũ.

Sau giải phóng, dù Amư Nhân có mặt với các ca khúc về Đảng về bác Hồ (Một số anh em Chăm dị ứng với nội dung ca khúc này, tôi nghĩ như thế rất oan cho anh; vì phải hiểu rằng anh chỉ thuần túy là nhạc sĩ, ca sĩ chứ không là trí thức. Và người Cham hát nhạc anh là chính chứ ít khi chú ý tới lời. Nhu cầu âm nhạc trong quần chúng là rất lớn, nếu hôm nay anh Amư Nhân không sáng tác thì lấy đâu nhạc cho Chăm hát? Nhân đây tôi rất mong bà con đừng ác cảm với anh và nên thông cảm cho anh: anh đang sống và sáng tác trong nước mà! Bên cạnh đó anh còn làm được nhiều bài về Chăm để cho bà con thưởng thức) nhưng phải nói bà con Chăm vẫn rất nhớ Chế Linh. Tôi cũng vậy.

 

Dù gì thì gì, hôm nay trong xã hội Chăm chưa xuất hiện một nhạc sĩ nào nữa sau Amư Nhân. Chứ đừng nói khuấy động quần chúng nghe nhạc được như anh Chế Linh một thời vang bóng. Hoặc sáng tác để cho quần chúng trí thức nghe nhạc Việt phải nghiêng mình kính phục như anh Từ Công Phụng, hay với nhạc lời Chăm mà người Chăm tâm phục khẩu phục như Đàng Năng Quạ.

Trong khi người Chăm nổi tiếng thích văn nghệ thể thao. Cũng như sau đội bóng đá huyện Ninh Phước sau một thời vàng son của Tâm, Chấn, Quân, Lệ… hôm nay không còn ai nối bước nữa. Các tài năng thì rất hiếm, nhất là các tài năng Chăm, nên chúng ta phải biết trân trọng nhau, tôn vinh nhau để cùng tiến bước. Chỉ vậy thôi chúng ta mới ươm được tài năng, mới hy vọng vào ngày mai tươi sáng của dân tộc, như ông Pauh Catwai đã mong muốn như thế. Chứ mình không làm gì được cho dân tộc mà cứ thấy ai nổi tiếng thì đố kị hay tố cáo thì chính mình bị cười, ngoài ra còn khiến cho người ngoài họ cười cho Chăm, đau lắm.

 

Tôi vẫn cứ yêu Chế Linh, dù tôi ít hát nhạc anh, dù chưa gặp mặt anh một lần trong đời, và có thể cả đời không bao giờ hi vọng có cơ hội nói lời trân trọng này trực tiếp với anh. Chúng ta chỉ có thể cậy nhờ phương tiện thông tin hiện đại gởi gắm cho nhau một tình cảm đồng tộc không gì chia cắt được. Phải vậy không, anh Chế!?

 

 

7 thoughts on “Trà Chay Pyang: Tôi yêu Chế Linh

  1. Vào ngày 21/09 Chế Linh sẽ về Việt Nam làm liveshow ” Bài ca kỷ niệm” tại Đà Nẵng, Hạ Long và Hà Nội. Bà con xa gần lại có cơ hôi thưởng thức giọng ca 72 tuổi.
    Trân trọng.

  2. Tôi cũng bất ngờ khi biết nhạc sĩ Từ Công Phụng cũng là Chăm. Lúc còn nhỏ, trước năm 1975 ở miền Nam, nghe anh Chế Linh hát, tôi cũng không biết và không để ý đến gốc gác Chăm của anh. Một phần, có lẽ vì tôi tưởng đó là các nghệ danh, chưa chắc là tên thật. Nhưng nghiệm lại, có lẽ chủ yếu là vì tôi lớn lên trong truyền thống văn hóa Á Đông, cụ thể là Nho giáo, nơi vốn KHÔNG nuôi dưỡng hay khuyến khích những kỳ thị, kể cả kỳ thị chủng tộc. Gia đình tôi, những người lớn chung quanh tôi, hoặc là đọc sách báo, tôi không hề thấy ai nhấn mạnh đến gốc gác của anh Chế Linh như một điều gì xa lạ hay nghi ngại. Lúc đi học, tiếp xúc với những bạn bè gốc Hoa, gốc Khmer, học tiếng Mã Lai với một thầy gốc Chăm… tôi thấy mọi người không ai có ý nghĩ phân biệt hay kỳ thị gì nhau. Theo tôi, đó là một điều rất hay và rất quí ở cái xứ sở mang tên “Việt Nam” này.

    Về dòng nhạc hay giọng ca gọi là “mất nước”, rất có thể nhận xét đó không sai, nhưng tôi không đồng ý nếu cho rằng những tình cảm hoài cổ u uẩn đó lại gây hại cho một cá nhân hay/và cho cả một cộng đồng, một quốc gia. Tôi nghĩ không một tình cảm nào nơi con người lại là tiêu cực, nếu tình cảm đó là có thực. Con người, cá nhân cũng như cộng đồng, cần đón nhận và trải nghiệm sâu sắc tất cả mọi chiều kích cao, sâu, rộng, dài của mọi kinh nghiệm mình, miễn chúng có thực.

    Vả chăng, nhìn lại lịch sử loài người, rất thường khi một dân tộc có nền văn hóa hay văn minh “cao hơn” lại thất trận trước một dân tộc có vẻ “thấp hơn” (thực ra so sánh cũng là tương đối thôi). Những sắc dân nông nghiệp – có thời gian nhàn rỗi nhiều hơn để xây đắp văn hóa – thì lại thường thất trận trước những đoàn dân du mục vốn thiện chiến hơn. Tuy nhiên, một dân tộc dù bại trận, dù “mất nước” , thì không có nghĩa là nền văn minh hay văn hóa của dân tộc ấy cũng lụi tàn và biến mất. Nếu chúng ta biết trân trọng gìn giữ nâng niu, những kinh nghiệm khôn ngoan đó sẽ là những viên ngọc vô giá góp phần lớn lao vào tiến trình văn minh chung của cả loài người.

    Xin lỗi các bác vì viết khá dài. Đã ba hôm rồi tôi không vào được trang của bác Sara, cứ lo trang web bị… tai nạn gì đó chăng! Cám ơn bác Inrasara và bác Trà Chay Pyang về bài viết trên. Tôi cũng vậy, tôi yêu giọng hát anh Chế Linh và trân trọng dòng nhạc của anh Từ Công Phụng.

  3. Nhieu luc toi van co mot suy nghi ko phai van vo. Gia nhu champa con thi dan toc Viet se nhu the nao? Co nhung ly thuyet gia noi rang, nuoc Cham mat boi van hoa cham tho than chien tranh? ko biet van hoa cham co tho than chien tranh hay ko? trong giong mau toi, mot nua la cham, nua kia la viet. nho ve mot thoi vang son cua vuong quoc champa. ma xin hoi nguoi con uu tu cua champa. Co nguoi goi la de quoc champa co dung the ko? An uc lich su, an uc ve su ra di qua som cua mot vuong quoc. Tren mot giai dat rat hep nam ben bo thai binh duong, champa mot lich su hang hai phat trien som hon nguoi viet rat nhieu. Co khi tranh chap bien dong lai can quay ve voi lich su cua vuong quoc champa. Noi ve Che linh, giong ca buon cua mot hau the. Ong xung dang la bac dan anh ngoi tren ngoi vi cao nhat cua lang am nhac. Tiec rang ong ay da gia….

    • Bạn hale.praha hỏi nhiều câu hóc búa, không thể giải thích trong một phản hồi được. Xin lướt qua vài ý sau:
      – các nhà khoa học gọi Vương quốc Champa, chứ hiếm khi là “đế quốc Champa”. Theo Từ điển tiếng Việt, nghĩa (1) là nghĩa ít dùng, thì đúng, còn hiểu theo 2 nghĩa sau là sai. Vì Champa chưa bao giờ xâm lược nước nào đó và biến nó thành thuộc địa cả.
      – người Chăm không thờ thần Chiến tranh (thần Chiến tranh chỉ là một trong những vị thần trong hệ thống thần thuộc Ấn Độ giáo), mà là thần Shiva. người ta hay hiểu lầm thần Shiva là thần Phá Hủy thuần túy. Thực tế thì không phải đơn giản như vậy. Phá hủy mang hàm nghĩa triết học: phá hủy là tiền đề của sáng tạo, phá hủy cho sáng tạo, phá hủy và sáng tạo, phá hủy là sáng tạo.

      Thân mến

  4. toi rat thich may cau cuoi cua nha tho. pha huy mang ham nghia triet hoc: pha huy mang trien de cua su sang tao.vang dong y pha huy la su sang tao. triet ly.cam on nha tho da co su tra loi mot cach sang tao, va ham chua trong do nhung pham chat tu duy cua mot van hoa ruc ro cham pa. toi yeu vuong quoc cham pa.

  5. Vừa qua tôi có nghe các bạn trẻ bàn về bài của Paka Jatrang về ca sĩ Chế Linh, mang tính phê phán. Tôi hơi buồn lòng. Tôi không còn trẻ nữa nhưng chưa đã già. Nhưng tôi muốn nói với các bạn trẻ như sau:
    – Cần quý trọng tài năng, các bạn ạ. Người Chăm mình ít, ai có được tài thì càng quý hơn.
    – Cần tôn trọng người có tuổi, ca sĩ Chế Linh vừa tài cao vừa có tuổi. Nếu các bạn trẻ không tôn trọng thì người ngoài người ta dòm vào xã hội Chăm người ta xem thường dân tộc Chăm mình.
    – Tôi nghe nói bạn ấy chỉ nói lí do là ca sĩ Chế Linh hứa hát cho đồng bào Chăm nghe, mà thất hứa. Nói vậy là chưa sâu sát đâu, bạn ơi. Bạn biết là ngay cả ở thành phố bán vé xong tốn cả mấy tỷ đồng, Ban tổ chức còn trả vé mà! Thời buổi này, khó lắm. ca sĩ CL hứa, nhưng còn tùy thuộc nhiều yếu tố bất khả kháng, không thể biết được.

    Tôi không có ý dạy đời bạn đâu, các bạn còn trẻ nhưng nhiều người giỏi, tôi chỉ khuyên các bạn cẩn thận hơn trong lời nói. Và biết tôn trọng người có tuổi. Nhất là khi người đó được xã hội Chăm và Việt Nam biết đến nữa.

  6. Xét con người thì xét toàn diện. Con người CL luôn luôn muốn giúp đỡ xã hội Chăm. Còn nếu có sai thì có ai tránh khỏi đâu.
    Riêng bản thân tôi, tôi thấy lỗi là do MẤY CHÚ MẤY BÁC LỚN TUỔI thời gian qua chống báng nhau dùng ngôn lời dơ dáy, nặng nề với nhau. Đó là cách cho lứa con cháu bắt chước xem thường nhau, rồi xem thường luôn lứa cha anh họ. Tiếc lắm ru!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *