Anh điện cho tôi đến gặp tại quán bia Muslim đường Phan Đăng Lưu, nơi anh em Chăm Sàigòn ghé lai rai vào những chiều thứ Bảy hàng tuần. Quán vắng. Tôi khoe anh tôi đang viết tiểu thuyết: Chân dung Cát, gặp anh là một gợi ý hay hay. Anh la lên: cậu tuyệt lắm, tuyệt lắm, hãy dành một chương viết về mình đi. Tôi bảo hình mẫu anh khó nắm bắt lắm, trong lúc tôi muốn lấy tiêu đề cho chương này là Sa đọa thì anh cho đó là một ý tưởng kì lạ, rất có tầm. Những khuôn mặt xuất sắc nhất trong Chăm luôn có ý tưởng kì lạ. Như là thứ nước giếng thăm thẳm không thể múc cạn. Hãy viết về mình đi, Chương 8: Cao Xuân Hoang – kẻ vô thần sa đọa. Trong xã hội nghiêm trang nghiêm chỉnh nghiêm túc đầy nhát gan này, chỉ kẻ sa đọa mới làm nên chuyện lớn. Và chỉ có nó. Rồi anh hỏi tôi mấy năm nghiên cứu tư tưởng Chăm ông thấy có gì lạ không. Tôi bảo không hiểu anh muốn gì.
– Ý tưởng, những ý tưởng đi trước thời đại. Anh nói. Anh hỏi tôi có biết chương trình chiến tranh giữa các vì sao ông Reagan đào đâu ra không.
– Nó có dính dáng gì triết lí văn chương Chăm?
– Có đấy. Im lặng. Tất cả đã có trong Akayet Dewa Mưno. Anh rút tờ giấy được photo từ cuốn Văn học Chăm:
Trên mặt đất, những ngọn lao của họ chạm nhau nổ bùng đám lửa thiêng cháy trụi núi non. Họ lại kéo nhau ra đại dương, hóa thân thành rồng biển, tiếp tục chiến đấu trong bảy ngày đêm làm đại dương nổi sóng, bão tố mù trời đất. Thấy chẳng ăn thua gì, họ lại lặn sâu vào lòng đất (lúc này họ đã hóa thân thành rồng đất) tiếp tục thí võ. Cuộc chiến diễn ra trên không trung làm sấm sét nổ tung, chấn động một nửa vũ trụ…
– Tay nghiên cứu nghiệp dư này viết văn bằng bản năng nếu không nói là viết mò. Chợt anh im lặng và dáo dác ngó quanh. Nên mình rất ngại người ngoài mỗi khi thấy họ lân la mò đến với sách vở Chăm. Người phương Tây không làm gì ra hồn cả nếu không có phương Đông. Chính Kinh Dịch đã gợi ý cho họ chế ra bom nguyên tử để đe nạt chúng ta.
Một ý tưởng đại khổng lồ khác trong Ariya Glơng Anak, nói ông đừng để lọt ra ngoài: ngap bal di krưh thaik bauh lingal – dựng thủ đô trên không trung giữa chùm Sao Cày. Mỹ và Nga chưa nghĩ ra ý tưởng này. Nga thì mới có Trạm Hòa Bình, còn việc lập thủ đô như thế thì họ không tưởng tượng ra nổi.
– Nhưng các khám phá lớn lao này sẽ dẫn chúng ta đến đâu đây?
– Chăm đúng là nòi phung phí. Đừng dại thế, chúng ta từng dại dột suốt hai mươi thế kỉ rồi. Chính thằng bạn ông đã mớm cho mình ý tưởng này. Hắn không nói rõ thế (Chăm có đời nào chịu học suy nghĩ cho rành mạch đâu), mình phát triển thêm. Một kẻ ẩn cư vĩ đại, ẩn cư ngay trong lòng thành phố.
– Chế Khan phải không?
– Hắn đấy. Hắn có tài, tôi có tài, ông có tài. Riêng ông phải công nhận là thiên tài (anh tụng tôi với ý đồ gì đây?). Dấu hiệu của thiên tài là khối kẻ ngu xuẩn xúm nhau chống lại ông ta, chính Các-Mác nói thế. Chúng ta đều là các tài năng sáng giá của dân tộc (ông Phú Tâm hiện đang là chuyên viên chuyển viện ở Gia Lai – mình vừa lập hồ sơ gò bàn tay ông này, bàn tay cao đẳng gặp thời làm đến thứ trưởng ngoại giao như bỡn). Nhưng chúng ta chưa biết hiệp đồng tác chiến. Tinh thần này chúng ta còn phải học tập và siêng năng ôn tập.
– Ông đưa cho xem bàn tay.
– Anh cứ tiếp tục đi. Tôi đưa bàn tay ra, không cho anh mà cầm lấy ly bia. Anh cũng cầm ly lên uống một hơi cạn.
– Những ý tưởng mà chúng ta có được, phải biết bán chúng, bán với giá cực kì cao. Xuất khẩu ý tưởng: đó là cuộc cách mạng đệ tứ kì. Chúng ta không còn cái gì nữa để phát động cách mạng.
– Những ý tưởng được rút ra từ di sản của tổ tiên?
– Đúng.
– Nhưng bán cho ai? Ai mua nó? Nhà nước có cho chúng ta xuất khẩu thứ mặt hàng đặc Chăm này không?
– Đó không là điều đáng bàn. Vào Sàigòn cả thập kỉ rồi mà ông chưa chịu khôn ra. Mình đã lo liệu xong đâu đấy cả rồi. Từ đây đến năm 2005, chúng ta phải chuẩn bị cho nó chào đời. Ông đưa bàn tay mình xem. Tôi đưa ra. Anh xem, nắn, nặn, cố ghi nhớ điều gì đó.
– Cậu em chớ lầm tưởng đây là món mê tín chuyên kiếm bạc lẻ. Một khoa học nghiêm chỉnh đấy. Anh đang ráo riết lập trình tất cả gò bàn tay thiếu niên Chăm. Hãy gõ cửa thì cửa sẽ mở. Thử xem: xã hội Chăm nẩy nòi vài Cathy Freeman! Cậu em có tưởng tượng tới chuyện động trời đó chưa? Anh nhìn sâu vào mắt tôi, gật gật cái đầu, mỉm cười rất bí hiểm.
– Cậu em có biết Viện sĩ Phạm Huy Thông đã nói gì không?
“Văn hóa Champa, dù tiếp nối hay vượt lên văn hóa Sa Huỳnh nẩy nở ở đây trước đó, là một cống hiến xuất sắc vào kho tàng văn hóa Việt Nam xưa và nay (…) và người Chăm là một gạch nối nối liền nước ta với Đông Nam Á hải đảo, mà quan hệ nhiều mặt giữa đôi bên ngày càng trở nên mật thiết”
– Hãy chú ý đến từ gạch nối, gạch nối cho Việt Nam và khối Asean. Chăm chúng ta, chỉ chúng ta thôi. Như là sứ giả mang tầm khu vực. Đó là sử mệnh của chúng ta. Phải hướng nghiệp và đào tạo con người Chăm đủ khả năng gánh vác sứ mệnh nặng nhọc và vinh quang này. Đó là mục tiêu duy nhất từ nay đến cuối đời ông anh Cao Xuân Hoang hướng tới.
Anh lại im lặng.
– Sáng mai mình về quê gặp riêng thằng Pathit. Ý tưởng đẩy nhanh công đoạn sản xuất gốm Chăm không lớn nhưng rất quan trọng: nó biểu thị dũng cảm của hắn. Mà lòng dũng cảm thì cực quan trọng với xã hội hèn nhát là xã hội ta đang lưu trú này.
Inrasara, Chân dung cát, 2006