Inrasara: Lạc hậu bình phương, mâu thuẫn lập phương

Ở Việt Nam, vài nhận định sai lầm mang dáng dấp chân lí đinh đóng thường xuyên được lặp đi lặp lại, đã tạo nên hội chứng lây lan. Trên các trang báo, báo chuyên văn học và báo phổ thông; trong các hội thảo văn học lớn, nhỏ; trong các cuộc trả lời phỏng vấn của nhà phê bình và cả từ phát ngôn của các quan chức văn học. Thế kỉ trước, thập niên qua và cả… mới hôm qua. Rằng, “sáng tác chưa theo kịp hiện thực đời sống” và “phê bình không theo kịp đời sống văn học”(1).

 

1. Đó là một cách nhìn nhận lạc hậu. Lạc hậu về nhiệm vụ của người sáng tác cũng như chức năng của phê bình. Bởi thực tế, chủ nghĩa hiện thực đã bị thế giới vượt bỏ cả hơn thế kỉ rồi. Nhà văn hiện đại chủ nghĩa không còn quan tâm đến phương pháp sáng tác của chủ nghĩa hiện thực như là cách phản ánh hiện thực đời sống. Bước sang thời kì hậu hiện đại, nhà văn vừa không tin vào “hiện thực” vừa bất tín nhiệm ngôn ngữ như là phương tiện phản ánh hiện thực, từ đó nhiệm vụ tái hiện và phản ánh hiện thực của văn học hiện thực càng xa lạ với họ. Có thể nói, nếu đến tận hôm nay ta còn bám vào quan điểm sáng tác cổ hủ kia thì quả là quá lạc hậu.

 

Dẫu sao ở đây, ta cứ tạm chấp nhận mệnh đề kia.

Chấp nhận, – như là cách ‘đi vào trong’ hệ mĩ học đang được đề cao [ở Việt Nam] rằng: văn học phản ánh và tái hiện hiện thực đời sống – là chủ trương chính thống gần như nhất quán của nền văn học dòng chính hôm nay -, để đánh giá năng lực của nền văn học ấy. Xem nó có phản ánh đúng và đủ không? Và phản ánh chân thực đến mức độ nào?

Văn học tụt hậu với hiện thực đời sống, ta nói thế và tin thế. – Đúng, tụt hậu.

“Ngoảnh lại” cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, các nhà văn Trung Quốc cho ra đời hàng trăm tác phẩm “ngang tầm thời đại”; còn ta, sau Cải cách Ruộng đất: khá đìu hiu! Chiến tranh biên giới phía Bắc hay xung đột vũ trang biên giới Tây Nam cùng chung số phận. Tất cả chìm vào quên lãng. Không nói đâu xa xôi, bao nhiêu chuyện thời sự chính trị xã hội tác động đến cuộc sống hiện tại, nhà văn Việt Nam vẫn cứ không hay không biết. Các mệnh đề “văn học xa rời hiện thực”, “văn học không bám vào hiện thực cuộc sống”, “văn chương né tránh hiện thực”… được nhai lại sáo mòn đến thành bão hòa trên sách báo bấy lâu, là điều thật.

Một thực tế lồ lộ, gây xúc động cả dân tộc là “Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa” cuối năm 2007, hỏi có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ dòng chính viết về nó? – Không ai cả! Và, không ở đâu cả. Yên ắng và vắng lặng như thể ở Việt Nam chưa từng xảy ra sự kiện trọng đại đó. Chỉ khi được phép, một được phép không chính thức – ở “Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa” kì hai vào năm 2011 -, nhà thơ ta mới ồ ạt làm thơ yêu nước.

Thơ, bằng thứ thủ pháp quá ư lạc hậu! Thơ, với bao nhiêu là hạn từ làm sẵn: “sóng Trường Sa”, “biển Tổ quốc”, “mẹ Âu Cơ”, “bốn ngàn năm”, “kiên trung bất khuất”, “máu đã thắm”, “ôm biển vào lòng”… Không vấn đề gì cả! Nhưng, đâu là các cuộc biểu tình với những biểu ngữ chống ngoại xâm, những ngọn lửa đốt áp-phích đường lưỡi bò, những bắt bớ, những cú đạp… lộ thiên giữa thành phố Hà Nội, Sài Gòn mỗi cuối tuần, đang được cập nhật cấp tập trên khắp mạng internet?

Không đâu cả! Tại sao? Không gì cả, ngoài sự sợ hãi.

“Suốt đời tôi không làm gì hơn là đẩy cho đến cùng, cái mà quý vị chỉ dám làm có một nửa…” – Dostoievski nói thế. Và ông đã đẩy suy tư tới cùng, phân tích tới cùng tâm lí chiều sâu của nhân vật nhiều dạng, qua đó cho ra đời hàng loạt kiệt tác mang tính khai phá lớn, tạo ảnh hưởng sâu rộng đến văn học và tư tưởng thế giới. Còn ở ta: chỉ có sợ hãi. Sợ hãi, để khi được “cởi trói”, nhà văn mới dám động cập nửa vời đến một “hiện thực” nào đó. Sợ hãi, cho nên dù đã được phép, nhà văn cũng không dám đẩy vấn đề đến cùng. Văn học ta muôn năm tụt hậu với hiện thực đời sống, là vậy. Vì đâu? Ta chủ trương phản ánh hiện thực, nhưng chính ta vội vã rụt đầu lại, nếu mấy phản ánh kia đụng chạm tới căn cốt hiện thực.

Mâu thuẫn đầy nguy cơ tiềm ẩn ngay trong chủ trương văn học phản ánh hiện thực; mâu thuẫn lộ bày trọn vẹn qua nỗi than thở “sáng tác không theo kịp hiện thực đời sống”. Thế là ta tiếp tục chương trình hội thảo để bàn về tiếng than thở ta vừa phát ra ấy. Những tiếng than thở rất giả.

Chủ nghĩa hiện thực của ta bên cạnh lạc hậu, vẫn là thứ chủ nghĩa hiện thực giả.

 

Câu hỏi đặt ra: Có phải “tất cả” văn chương tiếng Việt không theo kịp hiện thực đời sống?

Các hiện thực đời sống sôi động dăm năm qua với sự kiện Hoàng sa – Trường Sa, sự tan vỡ toàn diện của môi trường nông thôn, mấy thế hệ nông dân mất đất đổ tràn vào phố, rừng đầu nguồn bị tàn phá, sự cố Văn Giang, đập thủy điện các nơi đe dọa làng xóm miền hạ lưu, tình trạng éo le của chục vạn cô dâu Việt ở xứ lạ quê người,… có phải chưa từng có mặt trong các trang viết nóng bỏng của nhà văn, nhà thơ đương đại? Lê Vĩnh Tài với trường ca Vỡ ra mưa ấm (2005), Đêm & những khúc rời của Vũ (2008), Thơ hỏi thơ (2010), và mới nhất: Ăn của rừng rưng rưng nước mắt, Thơ hỏi thở, Cánh đồng bất nhân. Rồi Trần Tiến Dũng qua Hai đóa hoa trên trán cho công dân hạng hai (2004), Mây bay là bay rồi (2010); Inrasara với tập thơ thời sự trong nước và thế giới: Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] (2009); Bùi Chát với Thơ một vần (2009); các sáng tác thơ, truyện của Nguyễn Viện, Chiêu Anh Nguyễn,… cùng mấy mươi cây bút phi chính thống khác?

Có thể nói, hầu hết điểm nóng thời sự [hiện thực đời sống] trên thế giới và nhất là ngay tại quốc nội được động cập thẳng thừng đầy tính phản biện tràn ngập các trang viết đó. Ta đòi hỏi hiện thực là hiện thực nào? Và đâu là đất cho các sáng tác đầy tính hiện thực kia xuất hiện và thể hiện?

 

2. Còn khi nói “phê bình không theo kịp đời sống văn học”, người phát ngôn ý định phê phán phê bình chưa làm đầy đủ chức năng của mình. Cả khía cạnh này ta cũng bất cập. Bởi đuổi theo đời sống văn học [để có thể gọi là theo kịp hay không kịp] không phải nhiệm vụ chính của phê bình. Bên cạnh phát hiện và quy phạm hóa cái đẹp, phê bình còn có nhiệm vụ khai mở cho cái đẹp mới lộ diện. Nếu chức năng trước phụ thuộc vào tác phẩm, nghĩa là phê bình lẽo đẽo đi sau sáng tác để làm phê bình, thì chức năng sau dành ưu tiên cho việc “lập thuyết”, một dạng phê bình khả năng dẫn đạo sáng tác. Hai chức năng này song hành tồn tại trong đời sống văn học. Cho nên, không thể nói phê bình không phát triển được bởi chưa có sáng tác hay. Phê bình đi sau, song hành, và cả đi trước sáng tác văn học. Trong quá khứ, đã có không ít phê bình mở đường cho sáng tác. Phong trào siêu thực khởi đầu từ Tuyên ngôn siêu thực ra đời vào năm 1924, ở đó chủ trương thực tại đích thực nằm trong vô thức, và bổn phận tối thượng của nghệ sĩ là làm cho chúng hiện thể trong tác phẩm nghệ thuật bất kể nó phi lí tới đâu, đã dẫn đạo sáng tác siêu thực gần mươi năm sau đó. Đó là loại phê bình “đi trước” sáng tác, đi trước cả “thị hiếu chung của xã hội”.

Phê bình cần bám sát đời sống văn học, là một phát ngôn lỗi thời.

 

Cả ở đây nữa, cứ tạm cho đó là một chân lí bất di bất dịch, như ta quan niệm.

Vậy, đâu là “đời sống văn học”? Đề cập đời sống văn học, ta nhấn vào “thực tiễn sáng tác đa dạng, phong phú và phức tạp”. Ngày qua ngày, các tác phẩm thuộc nhiều dòng, nhiều loại cấp tập ra đời, đã có bài điểm sách giới thiệu. Buổi ra mắt sách, có. Bàn tròn văn chương, có. Hội thảo văn học, có. Ta có tất! Thế nhưng nhìn tổng thể, phê bình hôm nay vẫn cứ né tránh sự kiện hay trào lưu văn học mới lạ cùng mấy sự cố văn học nhạy cảm.

Ai né tránh? – Nhà phê bình chính thống. Cơ quan nào không dám trực diện với vấn đề? – Vẫn là báo chí dòng chính.

Cả thập kỉ hình thành và phát triển của sáng tác hậu hiện đại, mười năm từ khi thơ tân hình thức mở mắt chào đời, ta chưa có một hội thảo nhỏ, lớn nào bất kì về hai trào lưu văn học đang làm sôi động văn đàn tiếng Việt(2). Thơ nữ quyền hay văn chương mạng hoặc thơ trình diễn, không tìm đâu ra bài viết mang tính tổng hợp hay đánh giá trên báo chuyên của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhóm Mở Miệng hay Ngựa Trời, ta né tránh đã đành, ngay Chuyện kể năm 2000, Dự báo phi thời tiết rồi mới đây Sát thủ đầu mưng mủ được phép in nhưng rồi bị dư luận phê phán mạnh mẽ hay bị thu hồi, báo chuyên văn học dòng chính vẫn chưa một lần vào cuộc.

Tại sao? Cả ở đây nữa, hoặc ta sợ đối mặt với cái mới lạ, hoặc ta rơi vào thế kẹt của nỗi nhạy cảm vừa lộ thiên vừa rất trừu tượng. Thế nhưng, có phải tất thảy nhà phê bình đều không theo kịp đời sống văn học?

 

Thử ngoảnh lại mươi năm qua, khi Nguyễn Thế Hoàng Linh, Bùi Chát, Lê Vĩnh Tài, Đặng Thân, Lý Đợi, Phan Thị Vàng Anh, Phan Bá Thọ, Đinh Thị Như Thúy, Như Huy, Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Lynh Bacardi, Lê Anh Hoài, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phạm Lưu Vũ, Nhật Chiêu, Lê Minh Phong, Vũ Lập Nhật, Đoàn Minh Châu, Vũ Thành Sơn, Tuệ Nguyên, Tiểu Anh, Lưu Mêlan… xuất hiện, thì đã có ngay những Phạm Xuân Nguyên, Lã Nguyên, Inrasara, Trần Ngọc Hiếu, Phùng Gia Thế, Khánh Phương, Nhã Thuyên, Trần Thiện Khanh, Liêu Thái, Đoàn Ánh Dương, Đoàn Minh Tâm, Phạm Xuân Thạch, Hoàng Thụy Anh, Ngô Hương Giang, Phan Tuấn Anh… giới thiệu, nhận diện và bình luận. Rất kịp thời.

Và ai dám cho rằng các bài phê bình, tổng hợp kia “thiếu tính học thuật”, hay thiếu “phân tích một cách khoa học”? Còn “nói phê bình thiếu tính chiến đấu”, hỏi họ chiến đấu với ai, nếu không phải là nỗ lực đánh đổ mấy lạc hậu, lỗi thời để cho cái mới hạ sinh và phát triển?

Khác điều, đại đa số các bài phê bình kia xuất hiện trên mạng thông tin toàn cầu, chứ hiếm khi có mặt trên báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, tạp chí Nhà văn… Nhận định “phê bình không theo kịp đời sống văn học”, người phát ngôn đã bỏ quên phương tiện xuất bản mới là các trang mạng văn học ấy!

Không biết, hay cố tình không biết?

Dù gì thì gì, đó chính là thái độ né tránh hiện thực thực nhất của đời sống văn học đương đại.

 Sài Gòn, 9-8-2012

______

 Chú thích:

(*) Tiêu đề bắt chước lối nói của nhà thơ Chế Lan Viên: “Thơ bình phương – đời lập phương”.

(1) Nguyễn Hưng Quốc đã có bài phê bình về vấn đề này trong “Những nhà phê bình mù”, 2007, Mấy vấn đề phê bình và lí thuyết văn học, NXB Văn mới, USA, tr. 63-88.

Các trích dẫn ở trong ngoặc kép được trích từ: “Công tác lí luận, phê bình văn học, nghệ thuật khu vực phía Bắc”, báo Điện tử Tổ quốc, 14-7-2012, http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/49/doi-song-van-hoc/109367/cong-tac-ly-luan-phe-binh-van-hoc-nghe-thuat-khu-vuc-phia-bac.aspx và “Bắt mạch thực trạng phê bình văn học hiện nay”, báo Văn nghệ trẻ, 7-2012, http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=15809

(2) Về hậu hiện đại, tạp chí Sông Hương có chuyên đề “Dấu ấn hậu hiện đại”, số tháng 7-2011; còn tạp chí Nhà văn mãi năm 2012 (số tháng 6, 7 & 8) mới vào cuộc, nhưng không tập trung. Về thơ Tân hình thức, tạp chí Sông Hương cũng đi trước, chuyện đề được thực hiện ở số tháng 6-2012.

 

 

 

26 thoughts on “Inrasara: Lạc hậu bình phương, mâu thuẫn lập phương

  1. Pingback: Tin thứ Sáu, 14-09-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Sáu, 14-09-2012 | bahaidao2

  3. Đoạn này hay quá, tôi xin copy lại:
    “Còn ở ta: chỉ có sợ hãi. Sợ hãi, để khi được “cởi trói”, nhà văn mới dám động cập nửa vời đến một “hiện thực” nào đó. Sợ hãi, cho nên dù đã được phép, nhà văn cũng không dám đẩy vấn đề đến cùng. Văn học ta muôn năm tụt hậu với hiện thực đời sống, là vậy. Vì đâu? Ta chủ trương phản ánh hiện thực, nhưng chính ta vội vã rụt đầu lại, nếu mấy phản ánh kia đụng chạm tới căn cốt hiện thực.
    Mâu thuẫn đầy nguy cơ tiềm ẩn ngay trong chủ trương văn học phản ánh hiện thực; mâu thuẫn lộ bày trọn vẹn qua nỗi than thở “sáng tác không theo kịp hiện thực đời sống”. Thế là ta tiếp tục chương trình hội thảo để bàn về tiếng than thở ta vừa phát ra ấy. Những tiếng than thở rất giả. Chủ nghĩa hiện thực của ta bên cạnh lạc hậu, vẫn là thứ chủ nghĩa hiện thực giả.”

    Tôi tặng đoạn này cho các nhà thơ đang làm các bài thơ “yêu nước” sau năm 2011. Nhiều như sâu bọ, họ yêu nước ồn ào…

  4. Đây là tiểu luận xuất sắc! Anh Inrasara nêu đúng sinh hoạt của đám nhà văn nhà thơ Việt Nam ngày hôm nay. Nhà văn Việt Nam như đàn cừu, người ta lùa đi và hô khẩu hiệu. Họ phát biểu theo mà chẳng có chịu suy nghĩ gì ráo! ha ha…
    Còn lại là rất giả tạo: như anh nói than thở giả tạo, hội thảo giả tạo. Ở trên Cao Nguyên có nhà thơ VCH, rồi TVS… rồi ở dưới TP có mấy ông nhà thơ PH, và mầy chị nữ nhà thơ nữa… Nhiều lắm… họ yêu nước ăn theo… he he….
    Có giỏi sao hồi năm 2007 làm thơ yêu nước đi…

  5. Nói “sợ hãi” là đúng nhưng chưa đủ, mà là sợ “bể nồi cơm”, Ví các nhà “yêu nước” này ngoài những bài thơ nhảm nhí chả có cách gì móc tuí bạn đọc được cả. Để kiếm ăn các vị ấy phải múa tối ngày thôi. Nhưng có điều, trước đây giới nhà văn VN đầy Xuân Tóc Đỏ, giờ nhan nhản Chí Phèo. Họ ngượng nghịu đòi làm người lương thiện sau khi đã ăn vỡ bụng tiền thuế của dân qua bao nhiêu hội thảo nhảm nhí kiêm du lịch miễn phí kiêm bốc thơm bừa bãi. Nhìn những tấm ảnh họ “tự hào” tải lên blog của họ như đám Văn Công Hùng, UV BCH,… mới thấy sự vô liêm sĩ và trơ trẽn cỡ nào. Một đám mù ngoại ngữ cứ sính hết “quốc tế” này đế “quốc tế” khác… Tôi có lần làm thơ về hiện tượng này và đã bị mắng tơi bời vì các nhà thơ “nói tiếng Việt với các nhà thơ Quốc tế”. Giờ đây chúng giả vờ ăn năn, thực ra là để ăn tiếp những đồng tiền bao cấp cuối cùng cho một thế hệ nhà văn ăn bám dai dẳng và khốn nạn, bất tài nhất trong lịch sử văn chương VN

    Chủ bolg nhớ cho hiện comment này nhen, đừng vì ông là quan chức của Hội mà ỉm mất một ý kiến.

  6. Rồi đây những nhà văn này sẽ yên tâm ngồi vào văn học sử, như một chứng nhân cho một thời đại mà nhân dân bị bóc lột tận tuỷ xương không chỉ từ nhà cầm quyền mà còn bởi những nhà văn ăn tham và dốt nát bậc nhất trong lịch sử VN. Nhìn vào các em học sinh chán nản môn Văn và Sử, chúng ta hiểu sự ăn hại này còn làm khổ dân tộc này bao nhiêu năm nữa?………..

  7. Dường như ông TXB hơi cay cú với đám nhà văn chuyên ăn hại đái nát của dân này. Cay cú thì cũng phải. Mấy nhà thơ như TVS, VCH, PH, ĐH, TT… vừa dốt vừa muốn ra vẻ sang trọng. Chớ mà tưởng bở, mấy ông tưởng mấy ông giỏi hơn độc giả như chúng tôi, còn lâu!!! Đám nhà văn này dốt đốt ra nhựa đó. Chúng muốn làm sang bằng mấy bài phản biện ngớ ngẩn, chỉ đánh lừa được mấy tay mơ. Toàn xôi thịt thôi. Ông Inrasara chả thèm đếm xỉa đám này.
    Tôi nói TXB cay cú, vì dù tôi đồng ý với ông nhưng ông hơi lạc đề. Bài này ông Inrasara viết khá. Nhưng ông bàn về lý thuyết và thực tế sáng tác văn thơ chớ ổng đâu nói về sinh hoạt của đám nhà văn này đâu, mà ông TXB bàn lạc đề. Chớ tôi thì không bênh mấy đám nhà văn dốt nát mà làm ra vẻ này. Chúng biến hết đi, chớ đừng có chường mặt ở blog chụp hình với mấy ông lớn này nọ để lòe bà vợ cũng ngu ngốc không thua kém.

  8. Anh Trần Sáng ơi,
    Không phải TXB tui lạc đề, mà bài viết của anh Inrasara đã rõ ràng rồi, cái title “mâu thuẫn lập phương” rồi, anh không thấy sao? Có điều sự mâu thuẫn này sở dĩ nó “lập phương” vì/do/có những cái mà bài viết không thể/không thèm nói rõ, tui còm vào để thêm mặn mà dễ hiểu thôi mà. Mấy ông quan phê bình (không phải quanlambao) tránh né, Inrasara vạch ra. Vậy là good. Còn đám hề chèo phụ hoạ không vạch mặt thì chúng còn hưởng lợi “bơ thừa sữa cặn” còn hơn hồi thực dân thối nát nữa đó. Tui nhận với anh là có cay cú, không cay cú thì cũng cay đắng, cay nào cũng nuốt không trôi.

    Giải thích thêm cho anh Trần Sáng về hai chữ: Chí phèo

    Vì nhà văn Vn lâu nay đầy Xuân tóc đỏ nên không ai còn ngạc nhiên, qua hội thảo HQT vừa rồi rất rõ. Còn danh hiệu Chí phèo là tui mới nghiệm ra khi thấy ông Đỗ Hoàng “chửi” giải thưởng HNV, ông Nguyễn Hiếu “chửi” giải thương NN. Mà sau đó google tìm tác phẩm mấy ông đó đọc tui muốn bịnh. Nguy hiểm hơn mấy ông đó đang làm Ngự sử văn chương kéo văn học VN trở lại thời đồ đá (để nguyên đồ đểu như bây giờ còn dễ ngửi hơn). Có điều vô lý là mấy ông này cứ nhè ngay đầu mấy ông to của HNV ném đá mà không ai chịu/dám lên tiếng, e lâu ngày “lộng giả thành chân” thì thiệt khổ cho bạn đọc. Mà cũng khó nghĩ cho mấy ông to đầu đó, Chí phèo ném đá chảy máu mà không dám lên tiếng là sao? Cái này có “mâu thuẫn lập phương” không, anh Trần Sáng?

    Cám ơn anh Trần Sáng có lời cho tui “minh định” lại mấy ý kiến còm của mình

  9. Pingback: Lạc hậu bình phương, mâu thuẫn lập phương « Hãy dành thời gian

  10. Nhà thơ Inrasara viết phê bình còn đáng đọc hơn thơ anh. Tôi nói như thế không phải hạ thấp thơ anh. Viết phê bình anh nêu đúng vấn đề trọng tâm văn học Việt Nam, mà ít có ai làm được. Bài này là một trong những bài như thế. Các bạn bàn về cá nhân hơi nhiều đó, còn tôi thì chưa thấy anh Inrasara nói đuungj chạm cá nhân ai bao giờ. Ví dụ anh viết 2 bài về vụ Hoàng Quang Thuận, anh chưa hề nói về đời tư của ông Thuận, mà anh đi thẳng vào vấn đề làm cho văn học nước nhà xuống cấp.
    Tôi nhất trí cao với TXB là có nhiều nhà văn Việt Nam xôi thịt, nhưng ai xôi thịt thì nấy bị khinh. Còn nhà thơ Inrasara nêu trách nhiệm của hội nhà văn VN. Vì chính hội nhà văn tạo điều kiện cho họ cơ hội xôi thịt nên họ đã xôi thịt. Xã hội phân công cho anh mà anh không làm tròn trách nhiệm. Ví dụ nếu hội nhà văn VN không tổ chức hội thảo HQT thì làm sao ông ta có thể thao túng văn đàn được.
    Nhà thơ Inrasara nêu vấn đề nhà văn VN sợ hãi, anh chưa bàn sâu là hiện thực xã hội chủ nghĩa đã dạy nhà văn ta làm như thế, thành ra quen. Đó là vài chục năm trước chớ bây giờ mà còn ngộ nhận như vậy, thì hỏng. HỎng mà không biết xấu hổ mà còn đăng đàn nói oai nói tưởng thì độc giả nó khinh cho.

  11. TXB nói chính xác. Anh mở rộng và thêm ví dụ về những gì Inrasara chưa nói. Thơ mấy ông Ng Hiếu, Đỗ Hoàng, Trần Trương… chỉ hơn vè xíu, vậy mà vẫn chưởi Hội nhà văn được. Vì hội đã sai về hội thảo HQT, nên há miệng mắc quai, không nói đặng.
    Rồi các ông tưởng là mình ghê, nói tới. Thế mới tội cho văn chương nước nhà.

  12. Pingback: Inrasara: Lạc hậu bình phương, mâu thuẫn lập phương | ixij

  13. Pingback: Inrasara: Lạc hậu bình phương, mâu thuẫn lập phương « 01xi's Blog

  14. Suy nghĩ về cách tân, ý nghĩ cá nhân và vui là chính, hehe:

    – Đóng vai cách tân để qua đó có “mắt xanh”, thu nạp đệ tử và thành đàn anh cho thỏa ý thích cá nhân (vô hại): Nguyễn Trọng Tạo.
    – Đóng vai cách tân để vô hiệu hóa một lớp bất tài hết thời nhưng tham danh và vẫn còn có tí quyền lực (có ý tốt nhưng sợ không làm nổi): Nguyễn Quang Thiều
    – Đóng vai cách tân (nhưng thật ra là ăn theo, cũng có lao động thơ và làm thơ Việt vặn vẹo một chút, bớt sến): Mai Văn Phấn, Hoàng Vũ Thuật, Đặng Huy Giang, Trần Quang Quý…
    – Cách tân và một mình một cõi, không thu nạp đệ tử (tu Tiểu Thừa), xếp ngược từ nhỏ đến lớn: Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Viện, Thanh Thảo, Trần Vàng Sao… (không tính tác giả “người Việt ở nước ngoài”)
    -Cách tân, và tuyên truyền giác ngộ cho chúng sinh (tu Đại Thừa): tienve của Hoàng Ngọc-Tuấn, nhóm MM, và hiệu quả nhất là nhà thơ + nhà lý luận Inrasara

    Không tính đám học đòi muốn cách tân nhưng không biết “cách” cái “tân” gì? Những nhà thơ “vừa đóe vừa run” này gần đây khá nhiều, hầu hết là hội viên “đang nổi” của HNV, kể tên hổng xuể, điểm vài đại diện: NVC., PH, VCH…

    Hehe lần nữa, có gì sai mong nhà thơ Inrasara đại xá!!!

  15. Đề tài này đang nóng, chỉ xin các văn hữu lưu ý về Quy ước “phản hồi”. Điều cần tránh tối đa là phê phán vào đời tư của đối tượng. Dù tiểu luận này không nêu bất kì tên tuổi nhà thơ nào để phê phán, nhưng nếu các văn hữu thích thì tùy, nhưng tránh phạm quy. Nếu văn hữu nào vi phạm cuộc chơi, BBT xin phép xóa ý kiến của bạn.
    Thân mến.
    Inrasara

  16. Tâm lý một số không nhỏ nhà văn Việt Nam bây giờ rất lạ kỳ:
    – Khi chưa vào hội nhà văn, họ không chừa mọi cách thấp kém nhất để được vào hội, sau đó quay lại chửi hội, để làm sang
    – Phê phán vu vơ nhà văn nhà thơ kém cỏi nào đó, để làm sang thế giá cho mình
    – Khi thấy BCH hội nhà văn sơ suất đâu đó, đăng đàn phê bình để tỏ ta đây phản biện, nói mơ hồ vu vơ chứ không biết đưa ra biện pháp nào khả thi
    – Trước mặt anh em BCH thì vâng dạ, sau lưng thì nói xiên xỏ để tỏ ta đây cũng ngang hàng với ai
    – Để tỏ ta đây trong sạch, họ nói năng tỏ ra bất cần hội, nhưng thật tội nghiệp là đi đâu cũng đem thẻ ra khoe
    Vân vân…

    Vậy mà nhà thơ kiêm phê bình gia Inrasara bảo họ phải viết về hiện thực đời sống thời sự. Còn khuya! Bể nồi cơm như bỡn…

  17. Tui hơi hồ nghi TXB là Inrasara núp bóng. Nhận xét sâu sát như còm ngày 16-9 thì chỉ có nhà bình luận Inrasara. Sao cũng được cả, nhưng khi anh tự mình đưa mình lên mây như câu cuối thì hơi bị uổng!

    • Bạn đọc Dang Phan lầm rồi. TXB cũng là một độc giả như bạn. Ai cũng được quyền lên web này để đọc và để lại “phản hồi”, miễn phản hồi đó không phạm quy ước. Mong tốt lành.
      Thân mến

  18. Yêu cầu nhà phê bình Việt Nam nói thật là hổng được rồi! Chỗ người ta làm ăn mà ông nói như chơi vậy nghe sao đặng, ông Inrasara ngây thơ của tôi ơi.
    Bạn bè thì họ phải khen thì không nói rồi, để còn nhậu nhẹt hay khen qua khen lại. Quan trên họ nịnh, để còn thăng tiến. Đàn em họ khen để được tiếng tốt, có con mắt xanh. Còn lâu nhà phê bình nước này dám nói thẳng nói thật, giả hết thôi.

  19. Kính gửi bác Dangphan
    Tui kính gửi đàng hoàng, mong bác hỉ xả. TXB là thương hiệu của tui, không phải của ông Inrasara, đừng nghĩ oan cho ổng. Cám ơn bác đã “khen” nhận xét của tui, còn thì thơ Việt bây giờ, có học hành như ông Inrasara nói thì hay ho, không học hành như tui, chỉ cần nói thật là đủ thành nhà phê bình rùi. Tất cả chúng ta khổ sở vì sự dối trá đó, và “thị trường thơ” hỗn loạn như bây giờ cũng do cái đó. Tui hỏi bạn, bà VTXH có biết thơ HQT là “sách di tích xuống dòng” không? Biết! Sao bả làm? Xiền thui. Mấy ông quan ở Viện Văn có biết thơ của một nhà thơ “nổi tiếng” chỉ là tiếp nối chứ không phải “khai sinh” thơ Việt đương đại ko? Biết! Quyền thôi. Cho nên phải xếp thơ đương đại kèm theo cái tên của ông ta. Ai cũng biết chỉ một người giả vờ không biết thôi, bác Dangphan à! (Mong rằng tên của bác không phải ghép từ (Đặng) Thân và Mai văn (Phấn), hehe

    Xin các nhà phê bình nói thật cho, như vậy bạn đọc chúng em hưởng lợi và ông Inrasara sẽ hết “làm mưa làm gió”

  20. Sáng nay trên Blog mình nhà thơ Văn Công Hùng viết:
    Có một trang web cho hiện một comment chửi mình và Hội Nhà Văn về việc… tổ chức hội nghị.”
    Xin bỏ qua việc làm sang bằng cách kèm tên “mình và Hội Nhà văn”, nhà thơ này còn mắc lỗi là “một comment chửi Hội nhà văn” là việc không có, họ nói “VCH, UVBCH” thì có. Vậy là 2 lỗi lớn. Vài comment có nhắc tên Văn Công Hùng (VCH) như sau, tôi xin kê lại:

    Hà Thanh on 15.09.2012 at 04:59 said:
    Ở trên Cao Nguyên có nhà thơ VCH… họ yêu nước ăn theo… he he…. Có giỏi sao hồi năm 2007 làm thơ yêu nước đi…

    TXB on 15.09.2012 at 19:24 said:
    Nhìn những tấm ảnh họ “tự hào” tải lên blog của họ như đám Văn Công Hùng, UV BCH,… mới thấy sự vô liêm sĩ và trơ trẽn cỡ nào. Một đám mù ngoại ngữ cứ sính hết “quốc tế” này đế “quốc tế” khác…

    Trần Sáng on 15.09.2012 at 20:23 said:
    Dường như ông TXB hơi cay cú với đám nhà văn chuyên ăn hại đái nát của dân này. Cay cú thì cũng phải. Mấy nhà thơ như VCH… vừa dốt vừa muốn ra vẻ sang trọng. Chớ mà tưởng bở, mấy ông tưởng mấy ông giỏi hơn độc giả như chúng tôi, còn lâu!!!

    TXB on 16.09.2012 at 16:29 said:
    Không tính đám học đòi muốn cách tân nhưng không biết “cách” cái “tân” gì? Những nhà thơ “vừa đóe vừa run” này gần đây khá nhiều, hầu hết là hội viên “đang nổi” của HNV, kể tên hổng xuể, điểm vài đại diện: VCH…
    Hehe lần nữa, có gì sai mong nhà thơ Inrasara đại xá!!!

    Sau đó, nhà thơ có cảnh giác như sau:
    Sara on 16.09.2012 at 18:01 said:
    Đề tài này đang nóng, chỉ xin các văn hữu lưu ý về Quy ước “phản hồi”. Điều cần tránh tối đa là phê phán vào đời tư của đối tượng. Dù tiểu luận này không nêu bất kì tên tuổi nhà thơ nào để phê phán, nhưng nếu các văn hữu thích thì tùy, nhưng tránh phạm quy. Nếu văn hữu nào vi phạm cuộc chơi, BBT xin phép xóa ý kiến của bạn.
    Thân mến. Inrasara

    Tui xin chừa bình luận cho độc giả gần xa.
    *
    Ghi chú của Inrasara:
    Tôi ít đọc Blog. Sáng nay, độc giả Giang và… có phon cho tôi về Blog của bạn thơ VCH, hỏi ý kiến tôi. Tôi nói: Ý kiến là của bạn đọc, dĩ nhiên tránh tối đa chuyện chửi bới, phê phán nặng lời, điều mà đại đa số người vào Web này chưa vi phạm. Mà tôi cũng không biết là bạn thơ VCH có phải ám chỉ Web này không nữa.
    Sau “phản hồi” của Giang, tôi sẽ duyệt bỏ tất cả ý kiến nào có lời lẽ xúc phạm mang tính cá nhân, dù với bất kì ai.
    Mong hiểu!

  21. Bác Giang nói thì tui nói thêm:
    Chữ “tổ chức” mà VCH “đính kèm” với tên mình TRƯỚC tên HNV là… hết biết.

    Tui nói qua chuyện khác: Tui biết có nhà thơ chuyên gia “ăn theo” chứ chả biết cái gì mà tổ chức cả!

    Nhìn hình ảnh khai mạc, trong khi khách mời và hầu hết người tham gia comple caravat thì có nhà thơ chơi áo chim cò bỏ ngoài quần, ra vẻ “đại gia” với cái Ipad dí hết vô chỗ này chỗ khác mới thấy rõ tính “phường tuồng” của một nhà thơ đại diện cho nền văn học của một quốc gia mà “cà rỡn” không đúng chỗ như vậy.

    Ui da là ông nhà thơ quê mùa tới giờ này vẫn chỉ biết bụi mù rưng rưng, vô chỗ hội nghị học thuật chỉ biết hò hát nói vè chọc cười, đi về không thể viết/kể lại chuyện gì cho đàng hoàng, chỉ “ăn gian” bạn đọc bằng bài viết của nhà văn khác rồi lén “chêm” vào vài dòng chapeau khệnh khạng không đúng với tài và đức của mình.

    Thật thương hại

  22. Web của bác Sara đang rất uy tín trong cộng đồng Chăm, các bạn Kinh của cháu đọc cũng rất ích lợi. Theo cháu thì bác không nên cho hiện mấy còm về chuyện nhí nhố của HỘI NHÀ VĂN nhiều, không có lợi cho cộng đồng Chăm.
    Bài này bác viết rất ác liệt, trúng phóc, vậy mà ít người vào bàn khía cạnh chuyên môn toàn nói chuyện đẩu đâu không à. Đúng là nhà văn Việt Nam!

  23. Bạn Jabeh nói chỉ hơi đúng thôi. người Chăm là bộ phận của đất nước Việt Nam, hòa nhập và hội nhập với cộng đồng dân tộc khác, do đó web của nhà thơ là diễn đàn chung. Ai vào bàn cũng được, và ai bàn về vấn đề nào cũng tốt. Miễn sao bàn đúng điều nêu ra. Các nhà văn Việt Nam lên đây bàn thì đặc sắc thêm, nhiều giọng hơn, rồi có khi công bằng hơn nữa, nếu họ cùng tham gia bàn về đề tài cộng đồng Chăm.

  24. Pingback: Tin thứ Sáu, 14-09-2012 « Dahanhkhach's Blog

  25. Hôm nay, Inrasara.com nhận được phản hồi từ bạn đọc Giang, @TXB, Jabeh… về mục này. Tiếc là cả ngày mạng bị trục trặc, nên không cho hiện được. Thêm, có bạn nhắc đến một comment của nhà văn Trần Đức Tiến trên blog bạn thơ Văn Công Hùng “ám chỉ” cá nhân tôi khi cho hiện các comment này, và muốn trao đổi trực tiếp với TĐT. Thiển nghĩ chuyện ám chỉ thì mênh mông, không biết đâu mà lường.
    Vừa không muốn cuộc trao đổi ngoài lề này kéo dài, vừa tránh sự va chạm ngoại vi văn học không cần thiết, xin bạn đọc và bà con, anh chị em cho phép cuộc thảo luận về mục này được dừng ở đây.
    Vì đây là vấn đề văn học hiện nay cần thảo luận công khai, “phản hồi” của @TXB, dài như một bài viết, tôi đã mạn phép độc giả chuyển đến Tiền Vệ.
    Về hội thảo của Hội Nhà văn, bạn văn nào có ý định trao đổi, xin vào đọc bài viết của tôi “Ai gánh trách nhiệm định hướng thẩm mĩ độc giả?” đăng ở Nhân dân cuối tuần, 24-8-2012.
    Thân mến
    Inrasara

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *