– Thôi mẹ đừng khóc nữa, con có tiền cho mẹ ăn trầu đây. Anh đưa cho bà Imưm một xấp tờ 50.000 đồng. Bà hỏi tiền đâu con nhiều thế anh bảo ở Sàigòn con làm cố vấn tiếp thị cho Mưlan trúng đậm đã thưởng con. (Số tiền này anh mượn lại bà mẹ một tuần sau đó với lời hứa vào đó con gửi bưu điện cho mẹ).
Năm 1985 đất nước mở cửa anh dụ cha bán nguyên đàn bò 50 con cả đực lẫn cái, đầu đàn lẫn nghé con mua bốn mươi héc ta đất hoang nằm dọc chân núi Chàbang rồi bán tiếp chiếc máy cày là cần câu cơm còn lại duy nhất của gia đình bảy miệng ăn mua thêm mươi mẫu nữa của một gia đình có thân nhân ở Mỹ bảo lãnh nhượng lại giá rẻ. Kĩ sư Nhật được mời sang nghiên cứu xây nhà máy thủy điện Đa Nhim năm sáu mươi đã ca ngợi Po Klaung Girai là kĩ sư vĩ đại nhất Đông Nam Á thế kỉ XII khi ngay vào thời đó đã biết cho đấp đập Nha Trinh tưới hai ngàn mẫu ruộng nuôi sống dân Pandurangga. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng đã có lời lẽ rất trân trọng dành cho Po Rome với công trình đập Maren kiệt xuất vào thế kỉ XVII. Còn Hồ Tân Giang mà Chính phủ lên kế hoạch từ năm đầu hòa bình sắp giải quyết cái khô cỗi của mấy ngàn mẫu ruộng huyện Ninh Phước. Những năm tới Nhà nước hoạch định chương trình mang tầm khu vực chắn một nhánh thượng lưu sông Đồng Nai bắt nó chảy xuống phủ cả mấy chục ngàn mẫu đất hai xã Phước Nam và Phước Dinh trong đó con mương chính chảy qua khu đất Imưm Kwik đang sở hữu. Khi đó lão phó Núi ở Chakleng có mà sang lạy cha.
– Nhưng đợi khi mấy mươi mẫu đất sỏi kia đẻ ra vàng khối như con vẽ thì cha mẹ mày vào nằm Ghur với ông bà rồi.
– Con đang đợi thư trả lời của ngài Thủ tướng. Con gởi cả hai bức với đầy đủ bản vẽ đến bác Phạm hơn mười lăm năm nay rồi. Bàn giao bác báo có chuyển thư con cho người kế nhiệm. Chờ Quốc hội họp khóa này sao đã. Nhưng chắc chắn không thể không trước năm 2005.
Năm 1985 đánh dấu sự vươn vai lớn dậy vượt bực ngoài sức tưởng tượng của Cao Xuân Hoang qua những bức thư quan trọng anh soạn thảo gởi đi các nơi trong đó có bức dài mười hai trang chép thành mười hai bản (lúc đó ta chưa nhập máy photocopy) gởi lãnh đạo Ban Dân tộc từ địa phương đến Trung ương xin cho phục hồi Trường Pô-Klong, Trung tâm văn hóa Chàm bằng những lời lẽ vừa lâm li vừa hùng hồn. Không biết bức thư được anh chăm bón kĩ càng kia có đến tay các vị lãnh đạo không và được các vị bỏ chút thời giờ quý báu nghiên cứu không, chỉ biết rằng năm năm sau khi anh trang trọng bỏ chúng vào thùng thư ở bưu điện thị xã Phanrang, hai cơ sở trên hoạt động trở lại thì anh có đầy đủ lý do đến ngồi quán cà phê đầu làng mà rung đùi.
Inrasara, Chân dung cát, 2006
Pingback: Tin thứ Năm, 13-09-2012 « BA SÀM
Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Hai, 03-09-2012 | bahaidao2