Inrasara: Từ hai câu chuyện ở biên giới, suy nghĩ về sự im lặng

báo Tuổi trẻ, 2-9-2012

Hội thảo văn học cuối năm 2011 tại Lạng Sơn, buổi chiều kết thúc hội thảo, mọi người túa đi chợ biên giới mua hàng. Sớm mai, trên chuyến xe về Hà Nội, các món hàng chất đầy phía sau xe. Tuyệt đại đa số là hàng Trung Quốc.

Áo gió, chăn, nệm, tất, cùng các thứ linh tinh khác. Họ – đại đa số là nhà văn nhà thơ vốn được coi là giới tinh hoa của cộng đồng – hồ hởi lộ ra mặt và ra miệng về các món hàng vừa tậu được với giá hời. Rất hời. Chưa bằng một nửa giá bán tại các cửa hàng tầm tầm ở Hà Nội.

Trước sự hồ hởi đầy hời hợt ấy của các bạn văn, tôi im lặng chịu đựng.

 

Sau đêm Nguyên tiêu năm 2012, tôi đón chuyến xe đò từ Tây Ninh về Sài Gòn. Xe ngừng đón khách, hai anh chàng bán hàng dạo tranh thủ nhảy lên xe chào hàng. Cụm hàng là một bóp da, một chiếc dao cạo cùng tép mười lưỡi dao, giá 20.000 đồng. Mẫu mã thì miễn chê. Tất cả đều phơi bày ra trước bàng dân thiên hạ, rất thật, và nhất là giá cả rẻ như biếu. Bởi riêng cái bóp da, ở thành phố giá bèo nhất cũng 50.000 đồng. Không ham mới lạ. Thế là mọi người xúm vào mua. Và khen lấy khen để.

Tôi đã im lặng trước những xuýt xoa ngây thơ ấy.

 

Tôi đã không dám hé môi. Dù đó là bạn văn quen biết, hay dù là với khách chung đường xa lạ. Tôi không dám nói to lên rằng, đó là hàng độc hại, chứ chưa nói đó là hàng lậu. Các anh chị đang tiếp tay kẻ buôn lậu giết chết ngành nghề trong nước. Tôi đã không dám hỏi dù chỉ một tiếng rằng, đâu là tinh thần dân tộc của các bạn? Nói, tiếng nói ấy sẽ trở nên lạc lõng giữa bạn văn. Nói, tôi không tránh khỏi cái nhìn bằng đôi mắt mang hình viên đạn của hai anh chàng bán hàng dạo. Tôi đã chọn thái độ im lặng.

 

Im lặng, như chàng trai im lặng đứng nhìn “vụ hôi của vô cảm” giữa thanh thiên bạch nhật ở đường An Dương Vương – Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16-6 vừa qua. Người đàn ông đi xe máy bị hai tên cướp giật làm rách toang giỏ xách, giỏ xách thì được giữ chặt, nhưng không may mớ tiền bị vãi rơi ra. Trong khi hai tên cướp rú ga bỏ chạy, thì đến vài chục người đi đường xúm vào “lượm tiền” trước cái nhìn bất lực của nạn nhân. Lượm, và đi mất.

Chàng trai đã im lặng, như tôi đã khôn ngoan im lặng. Vì anh biết, không ai bảo vệ mình khi bị tấn công, nếu nếu tri hô.

 

Thế nhưng có một em bé đã không “biết” im lặng.

Mới đây thôi, tại một thành phố nhỏ, gặp vụ tương tự, một cậu học sinh cuối cấp Trung học Cơ sở kia đã không im lặng mà đã lanh trí xử lí vụ việc. Chứng kiến dúm người ùa tới hôi tiền rơi vãi, cậu bé đã bảo người cha phanh xe gấp, nhanh chóng rút máy điện thoại ra và giơ cao lên. Cậu hô to: – Trả lại, trả tiền lại… cháu đang chụp ảnh đây… Mọi ánh mắt quay lại nhìn ngơ ngáo, rồi họ chợt hiểu ra, lục tục trả cho khổ chủ mớ tiền vừa lượm được, rất ư là “văn minh”.

 

Cậu học sinh ấy chưa từng trải nỗi đời, nên đã dũng cảm hành xử như thế. Mỗi lần nhớ đến cậu bé ấy, tôi cứ miên man nghĩ về sự từng trải của mình…

 

 

 

4 thoughts on “Inrasara: Từ hai câu chuyện ở biên giới, suy nghĩ về sự im lặng

  1. Pingback: Tin thứ Bảy, 08-09-2012 « BA SÀM

  2. Sara viết đoản văn này rất hay, phê phán & cảnh tỉnh những thực trạng đáng buồn đã và đang diễn ra đầy rẫy trong xã hội.

    Thích nhất đoạn:
    ” đại đa số là nhà văn nhà thơ vốn được coi là giới tinh hoa của cộng đồng – hồ hởi lộ ra mặt và ra miệng về các món hàng vừa tậu được với giá hời. ”

    “Giới tinh hoa công đồng” sao giống… con buôn nhỉ? 😀

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Bảy, 08-09-2012 | bahaidao2

  4. Tui nghe nói nhà thư dân tộc Tày Triệu Lam Châu khoái nói chuyện đạo đức trong văn nghệ văn gừng. Mời ông đọc qua bài này để hiểu thêm đạo đức của đám nhà văn nhà thơ trong luồng…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *