Tất cả cùng cười to. Và Chăm khi vào bàn thì đâu kể trời trăng gì nữa. Nhất là có thêm phụ nữ lại là phụ nữ Kinh tố chất muôn đời kích thích đàn ông Chăm lao tới và lao tới. Dù như anh bạn nhỏ con của tôi nói cả về phương diện lịch đại và đồng [đương] đại, phụ nữ Kinh luôn là mối kinh hoàng cho Chăm qua kinh nghiệm xương da song chúng ta trót mang máu Po Rome rồi. Lên Tây Nguyên, qua Lào, xuống Mã Lai hay lang bạt khắp vùng miền đất nước, chúng ta không quên vãi gieo hạt giống đầy hào phóng. Không nói đất Quảng xa xưa mà gốc rễ chúng ta đâm chồi đến mười mấy thế kỉ, không kể vùng đất Sở ở ngoại thành Hà Nội ngày nay mà các tù nhân [toàn các nghệ nhân kiệt xuất] từ thời nhà Trần, Lý lưu lại lấy vợ sinh con đẻ cháu, ngay xứ Sàigòn mới mẻ kia thôi, hạt giống và dòng máu chúng ta bàng bạc.
Mười lăm năm lang thang hay đóng đô các tỉnh phía Nam luôn cho tôi những bất ngờ không tưởng: cô sinh viên chào hàng bia Foster’s trong một quán ăn đã nhận gốc Chăm chính hiệu từ Bình Định với giấy chứng minh khai họ Chế dân tộc Chăm; ông già chài lưới tận Cà Mau lao tới ôm chầm lấy tôi khi biết tôi Chăm Pandurangga thuần chủng (?); nhà sử học khuôn mặt bầu bĩnh trắng như Tàu tự nhận cháu bốn đời của Chăm; một gia đình ở Long Khánh khai sinh dân tộc Kinh nhưng lại treo ciet ngay giữa xà nhà thay vì bàn thờ tổ tiên. Và khi người ta đồn tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hay thi sĩ Thanh Thảo mang ít nhiều dòng máu Chăm thì ai dám nói đó chỉ là tin đồn nhảm thất thiệt gây hoang mang?
Thế đấy! Hạt giống chúng ta ban phát khắp trời Đông, hôm nay tiếp tục xuất sang trời Tây tận Âu Mỹ gieo cấy. Nên khi Thak than rằng Chăm kiều ta quá ít không tạo nổi một cộng đồng, đã thế Islam đang lôi kéo Chăm Bàni còn Tin Lành thao túng Chăm Bà-la-môn thì đích thị quê hương tan rã rồi thì Saman bảo cha Haman chớ to cái lo và tuyên bố Cộng đồng Chăm ngày mai không đóng khung bởi đất và nước, không cần khai sinh dân tộc Chăm mà là cái gì vĩ đại hơn, nhân loại hơn. Tôi muốn chính danh: Cộng đồng mở. Nó chỉ chịu thu nhận công dân tự nguyện. Sự liên lạc, sinh hoạt và tình yêu cộng đồng đều vun đắp qua hơi thở trên mạng internet.
– Một sáng kiến vĩ đại vừa khai sinh! Dzô trăm phần trăm để chúc mừng đi. – Văn Khâm kêu lên.
– Em sẽ là người đầu tiên làm đơn gia nhập Cộng đồng đó. – Hà vân nói.
Inrasara, Chân dung cát, 2006
(Ghi chú vui: Tiểu thuyết Chân dung cát hoàn thành năm 2000, in năm 2006. Hiện thực Cộng đồng mở dường như đang diễn ra trong cộng đồng Chăm!).